Kẻ xấu thường tặng quà cho nạn nhân, nhắn tin trò chuyện gạ gẫm, tỏ ra dễ mến để che giấu ý định phạm tội.
Khái niệm "chăn dắt tình dục" ("sexual grooming") dùng để chỉ việc kẻ xấu kết bạn và xây dựng mối quan hệ gần gũi với trẻ em, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn chính thức xâm hại tình dục.
Đối tượng của hành vi chăn dắt không phải chỉ là đứa trẻ, mà có thể còn bao gồm bố mẹ và cộng đồng. Kẻ xấu có ý định "chăn dắt" thường tỏ ra dễ mến, tốt bụng, sẵn sàng ra tay giúp đỡ để tạo vỏ bọc vô tội, khiến người khác khó phát hiện ý đồ của chúng.
Qua nhiều vụ án, nhiều chuyên gia tội phạm học cho rằng trước khi hành vi xâm hại tình dục diễn ra, kẻ chăn dắt thường theo bốn bước:
Lựa chọn đối tượng: Nhiều nghiên cứu chỉ rằng nạn nhân bị chọn do có vẻ ngoài thu hút, dễ tiếp cận, hoặc dễ bị tổn thương. Trẻ em ít được bố mẹ sát sao chăm sóc đặc biệt dễ trở thành nạn nhân. Kẻ xấu cũng có thể chọn những trẻ tự ti, có lòng tự trọng thấp hoặc dễ tin người.
Tiếp cận: Kẻ xấu cố gắng tiếp xúc với nạn nhân bằng cách tách trẻ em ra khỏi bố mẹ trên phương diện khoảng cách vật lý và tình cảm. Nếu kẻ xấu không phải là thành viên trong gia đình, chúng thường lựa chọn những công việc có thể tiếp cận với trẻ em mà không bị nghi ngờ. Ngoài ra, kẻ xâm hại có thể kết bạn với ông bố bà mẹ đơn thân, vờ như muốn giúp đỡ họ trong việc chăm sóc trẻ.
Xây dựng niềm tin: Giai đoạn này, kẻ xâm hại tìm cách chiếm niềm tin của nạn nhân, phụ huynh và cả cộng đồng để có thể thực hiện việc xâm hại mà không bị phát hiện. Kẻ xấu thường dùng thủ đoạn tặng quà, dành sự quan tâm đặc biệt cho trẻ, hoặc chia sẻ bí mật chỉ hai người biết, từ đó khiến nạn nhân cảm thấy mình được chú ý tới, được chăm sóc.
Hành động chăn dắt cụ thể phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ. Với nạn nhân còn nhỏ tuổi sẽ là việc chơi trò chơi, đi dã ngoại, hoặc tặng quà. Với trẻ lớn sẽ là tâm sự về cuộc sống, cho hút thuốc lá, uống rượu hoặc chất kích thích, hoặc chia sẻ bí mật. Đồng thời, kẻ xấu cũng có thể nói với bố mẹ của nạn nhân rằng trẻ thường nói dối hoặc cáu giận, khiến phụ huynh mất niềm tin với con.
Bình thường hóa sự đụng chạm: Đây thường là giai đoạn cuối cùng của quá trình chăn dắt trước khi kẻ xấu bắt đầu xâm hại. Kẻ xấu sẽ gia tăng tần suất động chạm cơ thể thoạt nhìn rất "hồn nhiên và vô tư" như ôm ấp, vật lộn, cù lét. Một số thủ đoạn khác bao gồm tắm chung, bơi lội, giúp trẻ lau khô người, mát-xa, hoặc cho trẻ xem phim khiêu dâm. Kẻ xấu cũng thường mang chủ đề "tình dục" ra bàn luận với trẻ để nạn nhân dần cảm thấy thoải mái hơn với nội dung này.
Những chiếc ôm tưởng chừng vô tư đôi khi lại là hành vi chăn dắt của kẻ xấu.
Mục đích sau cùng của "chăn dắt tình dục" là giúp kẻ xấu có cơ hội xâm hại tình dục trẻ em mà không bị phát hiện. Nạn nhân sẽ nhầm tưởng kẻ xấu là bạn hoặc người thân, từ đó không muốn trình báo mình bị xâm hại vì sợ bị đổ lỗi, sợ mất đi mối quan hệ đặc biệt giữa hai bên.
Bên cạnh mục đích xâm hại tình dục, hành động chăn dắt còn được dùng để chuẩn bị cho việc buôn bán, mại dâm trẻ em, hoặc bắt nạn nhân tham gia sản xuất phim khiêu dâm trẻ em.
Dù chưa phải là hành vi xâm hại tình dục trẻ em, thủ đoạn "chăn dắt tình dục" tiềm ẩn nguy cơ rất lớn. Vì thế mà một số nước trên thế giới đã hình sự hóa dạng hành vi này. Ví dụ ở Canada, điều 172.1 Bộ luật Hình sự quy định người nào liên lạc với người dưới 18 tuổi với mục đích lạm
Bộ luật hình sự 1961 của New Zealand quy định người nào gặp gỡ hoặc có ý định gặp gỡ với người dưới 16 tuổi nhằm thực hiện hành vi tình dục trái pháp luật có thể bị phạt tù tối đa 7 năm. Pháp luật Anh, Mỹ, Hà Lan... cũng ghi nhận điều khoản tương tự.
Theo Psychology Today, rất khó để phát hiện hành vi "chăn dắt" trong giai đoạn manh nha. Chính vì thế các bố mẹ cần cảnh giác với những hành động dưới đây, dù có thể sẽ bị coi là quá mức đề phòng:
1. Không nên để trẻ em đi chơi dã ngoại hoặc qua đêm một mình với người không thuộc gia đình họ hàng. Nếu trẻ đi cùng người thân trong gia đình, tốt nhất nên có thêm người thân hoặc trẻ khác đi cùng.
2. Trẻ em không nên nhận tin nhắn hoặc thư từ cá nhân từ người lớn trong cùng cộng đồng sinh sống. Nếu thầy cô giáo muốn liên lạc qua tin nhắn, họ cần phải gửi tin nhắn cho tập thể học sinh hoặc phụ huynh.
3. Khuyên trẻ em không giữ bí mật với người lớn. Giải thích với con rằng nếu có người lớn bảo con đừng kể với bố mẹ chuyện gì là sai, và bố mẹ sẽ không giận nếu con thành thật.
4. Khi tới giai đoạn phát triển phù hợp, bố mẹ cần thẳng thắn trò chuyện với con về hành vi "chăn dắt tình dục", dặn trẻ phải kể với bố mẹ nếu hành động của người khác khiến con không thoải mái. Đảm bảo với con bố mẹ sẽ luôn tin tưởng và ủng hộ con.
5. Cảnh giác khi có người dành sự quan tâm đặc biệt tới con mình. Một người giáo viên có thể ưu ái trò giỏi, nhưng chỉ nên trong chừng mực hợp lý.
6. Cẩn thận với những người đụng chạm vào cơ thể trẻ em không cần thiết.
Bê bối tình dục học đường sau những tin nhắn "gạ tình" của thầy cô
Sau những bê bối tình dục học đường với tin nhắn gạ tình của thầy cô, nhiều chuyên gia cho rằng nên cấm tuyệt đối ... |
10 điều cha mẹ nên dạy trẻ sớm để tránh bị xâm hại tình dục
Nhiều vụ giáo viên dâm ô học sinh xảy ra cho thấy cha mẹ cần dạy con những nguyên tắc tự bảo vệ mình trước ... |
Ngày đăng: 13:00 | 09/03/2019
/ https://vnexpress.net