Thuê người Lào dẫn đi đường rừng, thỏa thuận với tài xế nấp trong thùng container, cabin hoặc hầm tự chế của ôtô… là những mánh nhập cảnh trái phép để trốn cách ly.

Công an Hải Dương đang điều tra lời khai của người đàn ông 32 tuổi, là "bệnh nhân 3051", trốn trong thùng xe container để vượt qua trạm kiểm soát vào Việt Nam hồi cuối tháng 4. Anh này sau khi vượt biên trái phép về Việt Nam đã di chuyển khắp 5 tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên và Hà Nam, lây bệnh cho F1.

Chiêu nhập cảnh trái phép trên biên giới Việt – Lào

Bội đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện hai người vượt biên bằng đường tiểu ngạch hồi cuối năm 2020. Ảnh: Đức Hùng

Việt Nam có 10 tỉnh chung đường biên giới với Lào gồm Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum. Xuất nhập cảnh theo đường chính ngạch giữa hai nước đang được hạn chế do Covid-19 bùng phát, vì thế tội phạm liên quan hoạt động trái phép gia tăng. Thực trạng này diễn ra nhiều ở các tỉnh miền Trung, đa số người vi phạm lúc bị bắt đều khai do "có việc gia đình" nên vượt biên, mục đích để trốn cách ly tập trung.

Đại úy Đỗ Mạnh Hùng, Phó trạm trưởng biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh), cho biết người vi phạm thường vượt biên qua đường tiểu ngạch, hoặc lợi dụng sự quen biết với tài xế xe tải, xe khách, xe đầu kéo để trốn trong trong các phương tiện này đi từ Lào nhập cảnh vào Việt Nam.

Với vượt biên bằng đường tiểu ngạch, người dân móc nối với một số người Lào sống ở khu vực biên giới giáp ranh các tỉnh của Việt Nam. Thỏa thuận giá cả xong, họ được đối tác dẫn đi bộ đường rừng hoặc lội qua sông suối để tránh các chốt kiểm soát. Đến đất Việt Nam, các "cò" quay lại Lào, người dân tự tìm đường thoát ra quốc lộ, tỉnh lộ, thuê xe chở về quê.

Từ năm 2020 đến nay, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh bắt hàng chục trường hợp cắt rừng vượt biên. Tháng 2/2021, tại chốt tuần tra kiểm soát trong rừng ở xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, trinh sát phát hiện hai người đàn ông quê Nghệ An, tuổi từ 30 đến 45 đi từ Lào qua nên giữ lại. Bộ đôi khai đã chi 2 triệu kíp Lào (hơn 5 triệu đồng) thuê một người Lào dẫn đường, băng rừng đi bộ gần 5 km để vào nội địa Việt Nam, mục đích để trốn cách ly y tế, kịp về quê đón Tết.

Theo Đại úy Hùng, phát hiện và xử lý các trường hợp vượt biên bằng đường rừng rất khó, bởi các xã tại khu vực biên giới, người dân bản địa thông thuộc đường mòn lối mở, đi qua Lào rất dễ dàng. Do đó, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh yêu cầu chính quyền các xã biên giới Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn) lên danh sách những người làm ăn tại địa phương và đang lao động tại Lào, nếu ghi nhận ai trở về không khai báo thì lập tức tố giác.

"Để chặn việc móc ngoặc băng rừng vượt biên nhằm thu lợi bất chính, đơn vị đã lập 4 tổ chốt, tăng cường lực lượng tuần tra 24/24", Phó trạm trưởng Trạm biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, nói.

Đối với mánh trốn trong các phương tiện vận tải, nhà chức trách cho hay thường có sự hợp tác giữa người vi phạm với các tài xế, do quen biết hoặc thỏa thuận chi phí. Tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, mỗi ngày có hàng chục đến hàng trăm lượt xe tải, xe container, ôtô chở người, hàng hóa từ Lào nhập cảnh qua cửa khẩu Việt Nam và ngược lại. Người vi phạm được tài xế "tạo điều kiện" để trốn trong các hầm tự chế, cabin hoặc các thùng đựng hàng hóa....

Hồi tháng 7/2020, tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, huyện Hương Sơn, khi kiểm tra xe khách từ Lào qua Việt Nam, trinh sát phát hiện ba thanh niên tuổi từ 31-33 chui trong hầm đựng phụ tùng cao hơn một mét, rông 3 mét ở dưới ghế lái của xe, một trường hợp khác nằm ở ghế sau trùm chăn lại. Cả ba người thừa nhận quen tài xế, mục đích trốn trong hầm xe về Việt Nam để không phải cách ly y tế.

Chiêu nhập cảnh trái phép trên biên giới Việt – Lào

Người phụ nữ trốn trong tủ phía sau ghế lái để nhập cảnh trái phép, bị Bộ đội Biên phòng Quảng Bình phát hiện hồi tháng 11/2020. Ảnh: Đức Trí

Nhiều vụ việc với thủ đoạn tương tự cũng diễn ra tại Quảng Bình. Cuối tháng 11/2020, tại cửa khẩu quốc tế Cha Lo, huyện Minh Hóa, kiểm tra cabin đầu kéo của xe tải từ Lào về, trinh sát phát hiện người phụ nữ 38 tuổi trốn trong tủ lạnh phía sau ghế lái. Người vi phạm là vợ của tài xế xe đầu kéo, ông này khai mục đích giúp vợ "ẩn náu" trong tủ lạnh là để tránh cách ly sau khi nhập cảnh.

Ngoài ra, theo quy định phòng Covid-19, các phương tiện vận tải khi đến biên giới Lào - Việt thì công ty chủ quản sẽ bố trí người đổi lái, thay bằng một tài xế khác để tiếp tục chở hàng về Việt Nam. Nhiều người lợi dụng lúc giao ban tài xế đã trèo lên nóc cabin hoặc bám vào các vị trí khuất của thành xe để trốn, nhằm thoát qua chốt kiểm soát. Đa phần các tài xế đều không biết có người đột nhập xe, song một vài trường hợp thoả thuận từ trước.

Thượng tá Hoàng Hữu Thiện, Đồn trưởng Biên phòng Lao Bảo, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị), cho hay mỗi ngày có khoảng 500 đến 550 phương tiện làm thủ tục xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Các phương tiện vào khu vực chờ làm thủ tục đổi tài xế. Xe và hàng hoá được tiếp nhận bởi tài xế ở nước nhập khẩu, tài xế kia trở về nước.

Từ ngày 27/4, cặp cửa khẩu Lao Bảo - Densavan (tỉnh Savannakhet, Lào) dừng áp dụng mô hình "một cửa một lần dừng" nên phương tiện được kiểm tra kỹ ở 2 phía. "Sau một lần kiểm tra ở phía Lào, chúng tôi sẽ kiểm tra thêm lần nữa khi phương tiện vào Việt Nam", thượng tá Thiện nói. Trước đó, việc áp dụng mô hình một lần dừng rút ngắn thủ tục, cả 2 phía Việt Nam và Lào cùng phối hợp, kiểm tra một lần.

Chiêu nhập cảnh trái phép trên biên giới Việt – Lào

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh kiểm tra một xe đầu kéo khi nhập cảnh từ Lào về Việt Nam. Ảnh: Đức Hùng

Đại úy Đỗ Mạnh Hùng, Phó trạm trưởng Trạm biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh), cho biết thêm, với các phương tiện từ nước ngoài về, khi qua cửa khẩu sẽ phải phun tiêu độc khử trùng cabin, thành xe, thùng xe và trải qua ba bước kiểm tra. Thứ nhất, biên phòng rà soát kiểm tra sơ bộ các thùng xe, thành xe, hầm tự chế. Thứ hai, khi vào luồng nhập cảnh, hải quan sẽ kiểm tra thủ tục hàng hóa. Cuối cùng, biên phòng kiểm tra tổng thể tất cả xe một lần nữa mới quyết định cho nhập cảnh hay không.

"Nhiều người rất tinh vi nên đơn vị phải làm chặt chẽ theo nhiều bước để không bỏ lọt một ai", đại úy Hùng nói.

Đầu tháng 5 đến nay, khi dịch bùng phát mạnh cách tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế điều động hàng trăm bộ đội, quân nhân chuyên nghiệp lên khu vực biên giới giáp Lào để tham gia phòng, chống dịch.

Trưa 11/5 Bộ Y tế ghi nhận 18 ca dương tính nCoV, trong đó 16 ca ghi nhận trong nước, 2 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số ca nhiễm trong nước từ ngày 27/4 đến này lên 502 ca, ghi nhận ở 26 tỉnh thành.

Đức Hùng - Hoàng Táo

Điều tra lời khai nhập cảnh trốn trong container của "bệnh nhân 3051" Điều tra lời khai nhập cảnh trốn trong container của "bệnh nhân 3051"
Ba nghi phạm tổ chức cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép Ba nghi phạm tổ chức cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép
"Bệnh nhân 3051" ở Hải Dương nhập cảnh trái phép "Bệnh nhân 3051" ở Hải Dương nhập cảnh trái phép

Ngày đăng: 09:51 | 12/05/2021

/ vnexpress.net