Nhiều dự báo cho rằng trong phiên điều hành chiều nay (10/10), giá xăng bán lẻ trong nước có thể được điều chỉnh tăng mạnh.
Theo đó, nếu cơ quan điều hành không tác động đến quỹ bình ổn thì giá xăng trong nước có thể tăng từ 950 đồng đến hơn 1.250 đồng/lít, còn giá dầu có khả năng tăng trong khoảng từ hơn 800 đồng đến hơn 1.000 đồng/lít.
Trường hợp cơ quan điều hành chi quỹ bình ổn thì giá xăng có thể tăng ít hơn.
Nếu dự báo trên là chính xác thì giá xăng trong nước sẽ quay đầu tăng sau khi giảm mạnh vào kỳ điều hành trước. Nguyên nhân được cho là giá trong nước chịu sự tác động của giá dầu thế giới khi ghi nhận một tuần tăng mạnh do rủi ro địa chính trị căng thẳng.
Tính chung trong tuần qua, giá dầu Brent tăng 6 USD, kết thúc tuần ở mức 78,05 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng tăng 6,2 USD, chốt tuần ở mức 74,38 USD/thùng. Đây là mức tăng tuần cao nhất trong gần 1,5 năm qua.
Dự báo chiều nay giá xăng trong nước được điều chỉnh tăng mạnh. (Ảnh minh họa).
Giá các loại dầu cũng đồng loạt giảm nhưng mức giảm ít hơn. Giá dầu diesel giảm 105 đồng/lít, không cao hơn 17.401 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 222 đồng/lít, không cao hơn 17.651 đồng/lít. Dầu mazut giảm 354 đồng/kg, không cao hơn 15.003 đồng/kg.
Trong kỳ điều hành này, cơ quan chức năng tiếp tục không trích lập, không chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với tất các mặt hàng.
Trên thị trường thế giới lúc 6h ngày 10/10, giá dầu Brent ở mức 77 USD/thùng, tăng 0,65 USD/thùng so với hôm qua. Giá dầu WTI niêm yết ở mức 76,18 USD/thùng, tăng 0,44 USD/thùng. Giá dầu tăng do tồn kho xăng dầu tại Mỹ giảm và căng thẳng chính trị tại Trung Đông vẫn leo thang khiến lo ngại gián đoạn nguồn cung vẫn hiện hữu.
Reuters cho biết, thị trường vẫn lo ngại về khả năng Israel tấn công cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran, ngay cả sau khi giá dầu giảm hơn 4% tại phiên giao dịch ngày 8/10, do khả năng Hezbollah và Israel đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
John Kilduff, đối tác tại Again Capital ở New York cho biết, một cuộc tấn công của Israel vào Iran có thể đẩy giá dầu lên thêm 5 USD/thùng. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư lo ngại, tốc độ tăng trưởng chậm tại Trung Quốc sẽ làm giảm nhu cầu nhiên liệu của quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
https://vtcnews.vn/chieu-nay-gia-xang-dau-trong-nuoc-co-the-quay-dau-tang-manh-ar900995.html
Ngày đăng: 09:01 | 10/10/2024
PHẠM DUY / VTC News