Dù chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra ở nhiều ngành hàng, nhưng tâm điểm căng thẳng đang tập trung ở mảng công nghệ.
Huawei đang bị một loạt công ty toàn cầu ngưng hợp tác- ẢNH: N.M.T
Đến hôm qua (23.5), Tập đoàn Panasonic (Nhật Bản) đã có mặt trong danh sách các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông thực thi lệnh trừng phạt từ chính phủ Mỹ, ngưng quan hệ với Huawei.
Không chỉ trừng phạt Huawei ?
Trước Panasonic, nhiều tên tuổi khác cũng đã tạm thời “tuyệt giao” với Huawei. Trong đó, việc ARM dừng hợp tác là “đòn sấm sét” bởi vì tuy Huawei đã tự thiết kế dòng chip Kirin dùng trên smartphone, dần thay thế chip Qualcomm, nhưng vẫn lệ thuộc vào nền tảng, giao thức của ARM. Khi “mất kết nối” với ARM thì việc sản xuất chip Kirin sẽ bị trì trệ. Mặt khác, Qualcomm cũng đã ngưng bán chip cho Huawei.
Doanh nghiệp Mỹ được hỗ trợ thay thiết bị Huawei Ngày 23.5, các nghị sĩ Mỹ đã đưa ra dự luật để cung cấp nguồn tài chính 700 triệu USD hỗ trợ các nhà mạng nhỏ ở nước này thay thế các thiết bị đang sử dụng do Huawei hoặc một doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp, theo tờ The Wall Street Journal. Việc hỗ trợ này được xem như cách để giúp các doanh nghiệp Mỹ có thể bị ảnh hưởng do Washington trừng phạt Huawei. |
Vào ngày 20.5, việc bị Google ngừng hợp tác khiến Huawei chỉ có thể khai thác mã nguồn mở của hệ điều hành Android, chứ không thể sử dụng được những ứng dụng phổ biến trong hệ sinh thái của Google như Gmail, YouTube, Maps... Chính vì thế, Huawei gần như rơi vào tình thế thiếu hụt cả phần cứng lẫn phần mềm, tức “cả xác lẫn hồn” đối với mảng thiết bị di động.
Đến nay, chưa có con số ước tính về thiệt hại của ông trùm viễn thông Trung Quốc. Huawei cũng không niêm yết trên thị trường chứng khoán - nguyên nhân được cho là vì những quan hệ với chính quyền Bắc Kinh nên tập đoàn này không muốn thực thi các nguyên tắc minh bạch khi niêm yết. Cho nên, Huawei không thể hiện tăng giảm bao nhiêu trên thị trường chứng khoán.
Theo một số công ty nghiên cứu thị trường, 50% doanh số smartphone của Huawei nằm ở thị trường ngoài Trung Quốc đại lục, nên đây có thể là phần mà hãng này gánh chịu thiệt hại nhiều nhất.
Không chỉ Huawei, một số tên tuổi công nghệ khác của Trung Quốc có thể sắp rơi vào “danh sách đen” của Mỹ. Bloomberg vừa đưa tin Washington đang xem xét trừng phạt thêm 5 công ty Trung Quốc gồm hai tên tuổi cung cấp thiết bị giám sát là Dahua và Hikvision, Công ty Megvii chuyên về trí tuệ nhân tạo, cùng hai công ty công nghệ nhỏ khác là Meiya Pico và Iflytek.
Rủi ro cho Apple
Tất nhiên, một nền kinh tế mạnh với thị trường hơn 1 tỉ dân như Trung Quốc không thể thiếu “vũ khí” để trả đũa Mỹ trên “đấu trường” công nghệ.
Bắc Kinh có thể không trả đũa trực tiếp vào Google, Qualcomm, Broadcom... của Mỹ, bởi nhiều hãng công nghệ Trung Quốc vẫn đang lệ thuộc vào các đối tác này. Chính vì thế, Apple có thể trở thành đích ngắm của Trung Quốc.
Theo Đài CNBC, trong quý 2 của năm tài chính 2019 vừa kết thúc vào tháng 3 vừa qua, doanh số của Apple tại Trung Quốc là 10,22 tỉ USD, chiếm khoảng 17% trong tổng doanh thu 58 tỉ USD tính trên toàn cầu. Tuy nhiên, việc trừng phạt Apple để trả đũa chưa hẳn đã tốt cho Bắc Kinh vì điều đó có thể làm giảm sản lượng tiêu thụ sản phẩm của Apple, ảnh hưởng đến người lao động Trung Quốc hoạt động trong các cơ sở lắp ráp iPhone, iPad, Macbook… tại nước này.
“Vũ khí” đất hiếm của Trung Quốc mạnh đến đâu ?
Bên cạnh đó, giới chuyên gia gần đây nhận định Bắc Kinh có thể phản đòn bằng cách ngưng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Đây chính là loại vật liệu quan trọng dùng để sản xuất thiết bị điện tử, chip, thiết bị quân sự… Trung Quốc đang chiếm 59% lượng đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu năm 2018, theo tờ South China Morning Post dẫn số liệu từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ.
Tuy nhiên, thực tế thì dù mang tên đất hiếm nhưng nguyên liệu thô để tinh chế đất hiếm lại không hề hiếm. Ngay cả Mỹ cũng có trữ lượng lớn nguyên liệu thô để tinh chế đất hiếm. Hay Việt Nam cũng là quốc gia có trữ lượng lớn về đất hiếm. Vấn đề chỉ là việc khai thác và tinh chế nguyên liệu này gây ô nhiễm môi trường, nên phần lớn các nước đều không thực hiện. Ngoài Trung Quốc, vẫn có nơi khác tinh chế.
Bên cạnh đó, năm 2010, Trung Quốc từng dùng “lá bài” cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật để Tokyo phải nhún nhường trong một vụ căng thẳng. Việc hạn chế xuất khẩu này kéo dài từ năm 2010 - 2014, đã trở thành động lực giúp Nhật Bản phát triển thành công một số phương án khai thác và tinh chế đất hiếm dựa vào nguồn tài nguyên trong lòng biển.
Tại Mỹ, nhiều tập đoàn công nghệ như Apple bắt đầu tái chế đất hiếm từ bóng đèn huỳnh quang, thiết bị điện tử đã qua sử dụng. Đầu tháng 5, ngay trước khi chính quyền Washington đẩy mạnh tấn công thương mại Trung Quốc, Thượng viện Mỹ vừa có phiên điều trần về dự luật mở đường tăng nguồn cung đất hiếm tinh chế trong nước. Giới khoa học nước này đang mở rộng việc tinh chế đất hiếm trong nước với các giải pháp hạn chế ô nhiễm.
Chính vì thế, đất hiếm không phải là “vũ khí chiến lược” hay “bom nguyên tử” đủ sức giúp Bắc Kinh xoay chuyển tình thế cuộc chiến hiện tại.
Nông dân Mỹ được hỗ trợ 16 tỷ USD do thiệt hại từ cuộc chiến thương mại
Chính quyền Tổng thống Donald Trump thông báo gói hỗ trợ trị giá 16 tỷ USD cho nông dân Mỹ để bù đắp lại những ... |
Tổng thống Trump: Huawei có thể là một phần của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung
Tổng thống Trump ngày 23/5 nói các khiếu nại của Mỹ chống lại công ty công nghệ Huawei có thể được giải quyết trong khung ... |
Ngày đăng: 13:00 | 24/05/2019
/ Thanh niên