Phải chăng bom NATO chỉ giết chết hơn 3.000 người - quá ít so với 8.000 người bị giết bởi lệnh của Mladic, theo ICTY - nên chưa cấu thành tội phạm?
Cựu Tư lệnh quân đội Serbia tại Bosnia - Herzegovina, Ratko Mladic, tại phiên toà của ICTY |
“Anh hùng dân tộc
Reuters đưa tin, Tòa án Quốc tế xét xử tội phạm chiến tranh tại Nam Tư cũ (ICTY) ngày 22/11 đã ra phán quyết cuối cùng, tuyên án tù chung thân đối với tướng Ratko Mladic, cựu Tư lệnh quân đội Serbia tại Bosnia - Herzegovina.
Tướng Mladic bị kết tội diệt chủng với cáo buộc đã ra lệnh thảm sát 8.000 đàn ông và bé trai người Hồi giáo tại thị trấn Srebrenica (phụ nữ và bé gái được chuyển tới khu vực người Hồi giáo), trong cuộc chiến tranh kéo dài từ 1992 đến 1995.
Ngoài ra, tướng Mladic còn bị kết tội phạm tội ác chống loài người, khi ra lệnh vây hãm thị trấn Sarajevo khiến 11.000 dân thường thiệt mạng do đạn pháo trong 43 tháng.
Theo phán quyết của ICTY, Mladic phạm 10/11 tội danh bị cáo buộc.
Tại phiên tòa, ông Mladic phản bác mọi các buộc và cho rằng mình không phạm bất cứ tội danh nào.
Thậm chí ông còn la hét phản đối khiến phiên tòa đã phải dừng lại 45 phút và các nhân viên buộc phải đưa bị cáo ra ngoài.
Tướng Mladic năm nay 74 tuổi, bị ICTY cáo buộc đã phạm các tội ác chiến tranh. Ông bị bắt tại Serbia ngày 26/11/2011 sau 16 năm lẩn trốn và ngay lập tức bị giao nộp cho ICTY.
ICTY được cho là đã từng mời hơn 400 nhân chứng để xác nhận những cáo buộc đối với tướng Mladic, song vị cựu tướng lĩnh luôn bác bỏ mọi cáo buộc của định chế pháp lý này nhắm vào ông.
Theo Reuters, mặc dù bị bắt và bị Tòa án Quốc tế xét xử tội phạm chiến tranh tại Nam Tư cũ cáo buộc phạm tội ác, nhưng tướng Mladic vẫn được cộng đồng người Serbia ở Bosnia xem là anh hùng dân tộc.
Tướng Mladic bị truy tố cùng với Nhà lãnh đạo Serbia tại Bosnia, Radovan Karadzic - người đã bị kết án 40 năm tù và Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic - người đã chết trong tù trước khi bị kết án.
Theo ICTY, bộ ba Milosevic-Karadzic-Mladic có kế hoạch thanh lọc sắc tộc, bảo đảm Bosnia của duy nhất người Serbia. Vì vậy, theo công tố viên Alan Tieger, nếu Mladic không bị kết tội "sẽ là sự sỉ nhục với các nạn nhân và sự sỉ nhục với công lý".
Cuối cùng thì sau 6 năm bị bắt giữ, đối mặt với nhiều phiên luận tội, "anh hùng dân tộc Serbia" Mladic đã bị ICTY khép án chung thân và qua đó chính thức khép lại một quá khứ buồn với Bosnia - Herzgovina.
Cố Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic phản bác mọi cáo buộc |
Công lý thiếu công bằng
Theo giới phân tích, việc kết án cựu tướng Mladic dường như thiếu tính thuyết phục. Điều đó không phải vì cáo trạng thiếu tính khách quan hay mức án không tương xứng, bởi không đọc hồ sơ, không chứng kiến phiên toà thì không thể hiểu hết được.
Sự thiếu thuyết phục trong việc truy tố và kết án tướng Mladic nói riêng, các tội phạm trong cuộc chiến tranh Nam Tư nói chung - trong đó có Nhà lãnh đạo Karadzic và Tổng thống Milosevic - là thiếu công bằng và không bình đẳng.
Khi Nam Tư tan rã thì cũng là lúc mâu thuẫn sắc tộc diễn ra ở những thực thể mới hình thành, trong đó nổi bật nhất là mâu thẫn giữa người Serbia với người Hồi giáo ở Bosnia - Herzgovinia và giữa người Serbia với người Albania ở Cộng hoà Serbia.
Xung đột sắc tộc tại không gian hậu Nam Tư diễn ra gần như cũng lúc Quy chế Rome về Toà án Hình sự Quốc tế (ICC) có hiệu lực nên các tội phạm trong chiến tranh Nam Tư là can phạm đầu tiên bị truy tố, xét xử theo cơ chế pháp lý này.
Ngoài các can phạm nổi tiếng như Milosevic, Karadzic, Mladic, thì ICTY còn tiến hành truy tố 160 quan chức khác của Nam Tư cũ và đến nay hầu hết những can phạm này đã bị xét xử.
Trong quá trình xử lý các nghi phạm và chấm dứt xung đột sắc tộc tại Nam Tư cũ đã xảy ra hai sự kiện quan trọng, đó là việc NATO ném bom Nam Tư và sự ra đời thực thể chính trị mang tên Cộng hoá Kosovo nhờ bom đạn của NATO.
Điều đáng chú ý là NATO thực hiện hành động nhưng không được Liên Hợp Quốc cho phép và hậu quả mà hành động bất hợp pháp đó gây ra không thua kém gì hậu quả từ các các cuộc thảm sát thanh lọc sắc tộc mà ICTY xem xét và truy tố.
Theo lời lên án của Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic trong lễ tưởng niệm 18 năm NATO không kích Nam Tư, trong 78 ngày đêm, bom đạn của NATO đã giết chết gần 1.000 binh sĩ và cảnh sát, hơn 2.000 dân thường, trong đó có 79 trẻ em.
Song cho đến nay, không một cơ chế pháp lý quốc tế nào xem xét hành động bất hợp pháp của NATO cũng như hậu quả mà nó gây ra. Từ những nhà hoạch định chiến lược đến những phi công ném xuống Nam Tư năm nào vẫn bình an vô sự.
Hậu quả từ hành động của NATO ném bom Nam Tư chưa đủ cấu thành tội phạm? |
Điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng do NATO ném bom chỉ giết chết có hơn 3.000 người - quá ít so với 8.000 người bị giết bở lệnh của Mladic, theo cáo trạng của ICTY - nên chưa đủ cấu thành tội phạm?
Không những vậy, bom đạn NATO đã tạo ra một thực thể chính trị mới là Cộng hoà Kosovo, tách ra khỏi Serbia và thực thể này cũng có những hành động phân biệt chủng tốc và thanh lọc sắc tộc ngay sau khi quân đội NATO rút đi.
Theo báo cáo năm 2017 của LHQ về tình hình chính trị, tình hình nội trị tại Kosovo thì "ngay sau cuộc chiến Kosovo, Quân đội Giải phóng Kosovo đã chống lại các dân tộc thiểu số, gây ra những tội ác nghiêm trọng".
Báo cáo về Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ tháng 6/2016 thì cho biết vấn đề bạo lực và phân biệt đối xử với những cộng đồng thiểu số cũng như những người di tản trở về sau chiến tranh, đã diễn ra tràn lan ở Kosovo.
Nhưng cho đến nay, chưa có một phiên toà quốc tế nào được thành lập để xem xét thủ phạm gây tội ác trong hành động thanh lọc sắc tộc tại Kosovo, thậm chí chưa một nghi phạm nào được ICC nêu tên.
Phải chăng do Kosovo mới thành lập nên hành động gây tội tác của Quân đội Kosovo được miễn nhiễm hay do thực thể này là con đẻ của NATO nên cũng nằm ngoài quy chế về xét xử tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người?
Theo báo cáo của LHQ, Quân giải phóng Kosovo đã có hành động gây tội ác, trong đó có phân biệt chủng tộc |
Rõ ràng, với những sự việc cùng một tính chất, song ICTY, ICC lại có những quan điểm và cách hành xử khác nhau.
Như vậy thì lấy đâu ra công bằng và bình đẳng - trong khi đây là bản chất của luật pháp và công lý.
Do vậy, nếu công tố viên Tieger cho rằng Mladic không bị kết tội "sẽ là sự sỉ nhục với các nạn nhân và sự sỉ nhục với công lý", thì hành động gây tội ác của NATO, hành động gây tội ác của Quân đội Kosovo không bị truy tố là sự xúc phạm nặng nề nhất đối với những nạn nhân trong cuộc chiến tranh Nam Tư và bẻ gãy cân công lý.
Độc lập Catalonia: Quả báo cho phương Tây từ Kosovo
Khi xác lập cơ chế chính trị độc lập cho Kosovo, NATO đã quên phong trào ly khai tại các nước phương Tây luôn nguy ... |
Nghịch lý: MiG-29 Nga giúp Serbia gia nhập EU?
Chuyên gia quân sự Serbia đã đưa ra một quan điểm thú vị là những chiến đấu cơ MiG-29 Nga có thể sẽ giúp nước ... |
http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/chien-tranh-nam-tu-mladic-pham-toi-diet-chung-nato-toi-gi-3347717/
Ngày đăng: 11:00 | 24/11/2017
/ Đất Việt