Hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều chủ yếu mang tính biểu tượng nhưng chỉ riêng việc gặp Putin đã đủ để nâng cao vị thế cho Kim Jong-un.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Putin tại Vlapostok ngày 25/4. Ảnh: AFP. |
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 25/4 gặp Tổng thống Nga Putin, đánh dấu hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa ông với một lãnh đạo nước khác kể từ sau cuộc họp với Tổng thống Mỹ Trump tại Hà Nội.
Tại Nga, ông Kim nói rất ít về các chi tiết cụ thể trong cuộc thảo luận với Putin. Ông cam kết tăng cường quan hệ nhưng không đề cập đến từ "phi hạt nhân hóa" trước công chúng.
Không có tuyên bố chung được đưa ra. Thực tế, Điện Kremlin đã thông báo từ trước rằng sẽ không có. Tổng thống Nga nói với các phóng viên rằng giống như Washington, Moskva muốn thấy Triều Tiên "phi hạt nhân hóa hoàn toàn". Tuy nhiên, Nga nhấn mạnh rằng an ninh của Triều Tiên cần được đảm bảo mà không đi sâu vào chi tiết.
Dù cuộc họp có vẻ không mang lại nhiều kết quả thực chất, giới phân tích cho rằng ông Kim đạt được chính xác điều ông muốn: cái bắt tay với Putin trước truyền thông quốc tế.
Không giống như một số cuộc gặp khác, Tổng thống Nga hôm 25/4 không để vị khách của mình phải chờ đợi. Ông Putin nhiều lần đến muộn trong cuộc gặp với các lãnh đạo thế giới như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Trump và cả Nữ hoàng Elizabeth hay Giáo hoàng Francis. Tuy nhiên, trong cuộc gặp với ông Kim, ông không chỉ đến đúng giờ mà còn đến sớm 30 phút.
"Hội nghị thượng đỉnh này nặng về tính biểu tượng ngoại giao hơn là hợp tác thực sự, nhưng bản thân cuộc gặp đã là thành tựu cho ông Kim", Shin Beom-chul, Viện nghiên cứu chính sách Asan, nói.
Đó là chương mới nhất trong chính sách ngoại giao của lãnh đạo Triều Tiên, nhằm xóa đi hình ảnh tiêu cực về chính quyền của ông.
Trong 6 năm cầm quyền, Kim Jong-un là một lãnh đạo khép kín, không công du nước ngoài và tiếp xúc với lãnh đạo nước khác. Nhưng kể từ tháng 3/2018, ông đã 4 lần gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ba lần gặp Tổng thống Hàn Moon Jae-in và hai lần gặp Trump.
"Ông Kim hiểu rõ rằng chỉ cần tổ chức hội nghị thượng đỉnh là có lợi ích", Harry Kazianis, từ Trung tâm Lợi ích Quốc gia, nói. "Tất cả những gì ông Kim cần là hình ảnh ông ấy bắt tay Putin. Hình ảnh đó được lan truyền trên khắp các phương tiện truyền thông, chứng minh với thế giới rằng ông ấy là một chính khách toàn cầu".
Trong cuộc họp mở rộng hôm 25/4, ông Kim được tháp tùng bởi Ngoại trưởng Ri Yong-ho và Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui. Đối diện họ là khoảng một chục người Nga, trong đó có các quan chức phụ trách việc hợp tác kinh tế với Triều Tiên, chẳng hạn như các dự án đường ống dẫn khí đốt và lưới điện.
Tuy nhiên, các quan chức Triều Tiên đồng cấp với họ không có mặt trong đoàn tháp tùng ông Kim. Sự vắng mặt cho thấy việc hồi sinh các dự án chung không phải là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Bình Nhưỡng", Koo Kab-woo, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, nói.
Đối với Triều Tiên, mục tiêu chính của hội nghị thượng đỉnh với Nga là tìm "lối ra khác" - phương án thay thế để không phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và tìm kiếm thêm sự hỗ trợ quốc tế trong căng thẳng hạt nhân với Washington.
Trong cuộc gặp với Trump ở Hà Nội, Triều Tiên yêu cầu nới lỏng lệnh trừng phạt nhưng cuộc đàm phán kết thúc mà không đạt được thỏa thuận. Triều Tiên sau đó tiến hành một cuộc thử vũ khí và yêu cầu loại Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra khỏi các cuộc đàm phán.
"Thượng đỉnh Nga - Triều thực chất là 'chương trình phụ' trong căng thẳng tiếp diễn giữa Bình Nhưỡng và Washington", Dmitri Trenin, người đứng đầu Trung tâm Carnegie Moskva, viết trên Twitter. "Nga ghi điểm ngoại giao bằng cách thể hiện họ có ảnh hưởng trong tiến trình hòa bình, Triều Tiên thì thể hiện rằng họ còn các lựa chọn khác ngoài làm việc với Mỹ".
"Triều Tiên mong đợi cảnh ông Kim và ông Putin cùng nhau ăn tối sẽ khiến Washington quay trở lại bàn đàm phán với những đề nghị tốt hơn", Koo nói.
Phương Vũ (Theo AFP)
Cuộc gặp mặt đầu tiên của ông Kim và ông Putin ở Vladivostok
Trong lần gặp mặt đầu tiên ở thành phố Vladivostok, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Putin đã có cuộc ... |
Putin nói Kim Jong-un sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu được đảm bảo an ninh
Tổng thống Nga cho hay Triều Tiên sẵn sàng phi hạt nhân hóa ở mức độ nhất định, nhưng phải được đảm bảo về an ... |
Ngày đăng: 13:23 | 26/04/2019
/ VnExpress