Việc các phái viên NATO không đạt được đồng thuận trong vấn đề thời điểm đàm phán về đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, cùng những quan điểm trái chiều về sự tăng cường hiện diện ở Đông Âu, đang bộc lộ nhiều mâu thuẫn trong nội bộ khối quân sự này.

Bất đồng về “thành viên mới”

AP ngày 19/5 dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết, các đặc phái viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã không đạt đồng thuận về việc có nên bắt đầu cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Thụy Điển và Phần Lan hay không trong cuộc họp diễn ra tại trụ sở của NATO ở Brussels một ngày trước đó. Động thái này được đưa ra sau khi cả Thụy Điển và Phần Lan chính thức đệ đơn xin gia nhập liên minh quân sự 73 tuổi.

Theo Hiến chương NATO, việc kết nạp thành viên mới cần phải nhận được sự tán thành của tất cả 30 nước thành viên hiện nay của liên minh, thông qua quá trình đàm phán nhiều thủ tục được quốc gia xin gia nhập xúc tiến với từng nước thành viên.

Nguồn tin AP tiết lộ, phần lớn trong số 30 nước thành viên của NATO đều hoan nghênh yêu cầu của Phần Lan và Thụy Điển. Điều này tương đồng với phát biểu mà Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 18/5 đưa ra, theo đó khẳng định liên minh quân sự này đang trông đợi "những bước đi nhanh chóng" để chính thức hóa quy chế thành viên của Thụy Điển và Phần Lan.

Reuters dẫn lời đặc phái viên, Đại sứ Lithuania Deividas Matulionis phát biểu sau cuộc họp cho biết, các đặc phái viên đã trao đổi quan điểm về an ninh quốc gia của họ. “Cuộc thảo luận chủ yếu là về đề tài đó, nhưng vẫn cần phải có sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ”, Đại sứ Lithuania chia sẻ.

Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên duy nhất trong khối bày tỏ sự phản đối nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Hôm 18/5, theo Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin - cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã điện đàm với những người đồng cấp của 2 quốc gia Bắc Âu nói trên, cùng các quan chức Đức, Anh và Mỹ để thảo luận về chính sách mở rộng NATO.

Trong cuộc điện đàm, phía Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng nếu những kỳ vọng của Ankara không được đáp ứng, “quá trình này sẽ không thể xuất hiện tiến triển.” Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khẳng định Phần Lan và Thụy Điển phải thể hiện sự tôn trọng hơn nữa đối với quan điểm của Ankara về chủ nghĩa khủng bố.

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Thụy Điển và Phần Lan "chứa chấp" những người mà Ankara cho rằng có liên quan tới các tổ chức mà nước này và Liên minh châu Âu (EU) liệt vào danh sách khủng bố, như đảng Công nhân người Kurd (PKK) hay những người theo Giáo sỹ Fethullah Gulen - nhân vật mà Ankara cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính hồi năm 2016.

Ronald Suny, giáo sư lịch sử và khoa học chính trị tại Đại học Michigan, Mỹ, cho rằng thái độ phản đối bất ngờ của Thổ Nhĩ Kỳ đã phơi bày những vấn đề tiềm ẩn trong nội bộ NATO. "Phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một phép thử với sự thống nhất và gắn kết về tư tưởng của NATO", ông nhận định.

Anh-1653002188635
Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra vào tháng 6 tới kỳ vọng sẽ tìm được tiếng nói chung giữa các quốc gia thành viên. Ảnh: Reuters.

Khoét sâu thêm mâu thuẫn cũ

Theo Washington Post, các thành viên NATO đang xuất hiện nhiều chia rẽ về cách tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu kể từ sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Cụ thể, các quốc gia Baltic và Ba Lan đang yêu cầu NATO mở rộng đáng kể sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ của họ, cũng như tăng cường các khả năng phòng thủ mới, bao gồm hệ thống phòng không nhằm răn đe Nga.

“Không thể loại trừ khả năng hành động quân sự trực tiếp của Nga nhằm vào các đồng minh NATO”, một đề xuất chung do các nước Baltic gồm Lithuania, Latvia và Estonia soạn thảo nhận định. Các nước này cũng đề xuất trong trường hợp có mối đe dọa, NATO phải sẵn sàng nhanh chóng triển khai đội ngũ 20.000 binh lính để bảo vệ từng quốc gia Baltic.

Trong khi đó, Pháp và Italia lại đang bày tỏ sự hoài nghi về việc Nga có thể gây ra mối đe dọa cho lãnh thổ NATO, đồng thời tỏ ra thận trọng hơn với những cam kết triển khai quân sự tốn kém ở Đông Âu.

“Đừng bao giờ quên rằng chúng ta sẽ có một nền hòa bình cần xây dựng trong tương lai”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một cuộc phỏng vấn tuần trước chia sẻ, cảnh báo thêm rằng không nên thực hiện những hành động có thể khiến liên minh không thể hợp tác với Nga trong tương lai.

Washington Post dự đoán, đây sẽ là một trong những nội dung chính tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Madrid vào tháng 6 tới, song song với việc thông qua đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan.

Theo Reuters, xung đột tại Ukraine, tưởng như sẽ là cơ hội để các thành viên NATO xích lại gần nhau, nhưng dường như lại đang khoét sâu những khác biệt trong nội bộ liên minh này. Với các nước Đông Âu, dù hầu hết không cho rằng xung đột lớn sắp xảy ra, khi Nga đang dồn mọi nỗ lực cho chiến dịch ở Ukraine, họ vẫn tin cần phải có lực lượng mạnh hơn ở phía Đông để ngăn chặn các nguy cơ tiềm tàng.

"Chúng ta cần nhìn nhận những lo ngại về an ninh của các đồng minh gần Nga nhất", Thứ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Czech Jan Havranek cho hay, nhấn mạnh rằng vị thế của NATO "cần được mở rộng và phù hợp với tình hình an ninh hiện tại". Czech đang tình nguyện dẫn dắt một tiểu đoàn NATO mới ở nước láng giềng Slovakia, quốc gia dễ bị tổn thương vì có chung biên giới với Ukraine.

Washington Post dự đoán, đây sẽ là một trong những nội dung chính tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Madrid vào tháng 6 tới, song song với việc thông qua đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan. Có lẽ, đó sẽ là thời điểm để NATO hóa giải những bất đồng và đi tìm một tiếng nói chung vừa dung hòa được nguyên tắc mà NATO nỗ lực duy trì.

Ngày đăng: 08:14 | 20/05/2022

An Nhiên / CAND