Từ khi lên nắm quyền, Biden luôn khẩn trương thúc giục các quan chức đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, giúp Mỹ cứu vãn tình hình Covid-19.
Trong 100 ngày qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các cố vấn hàng đầu của ông đã phát động một nỗ lực thời chiến nhằm đưa hàng triệu liều vaccine Covid-19 đến tay người Mỹ với mục tiêu đẩy lùi Covid-19, đại dịch khiến nước Mỹ và cả thế giới chao đảo suốt quãng thời gian dài.
Nỗ lực này đã đưa Mỹ từ một nước bị chê bai là có phản ứng tồi tệ trước đại dịch trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về tiêm chủng.
Joe Biden hồi tháng 12, khi còn là tổng thống Mỹ đắc cử, tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên ở Delaware. Ảnh: NYTimes. |
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với CNN, ba cố vấn Covid-19 hàng đầu chính phủ cùng hai quan chức Nhà Trắng đã tiết lộ cách mà đội ngũ của Tổng thống Biden đã xoay chuyển tình hình. Khi ông nhậm chức, dịch bệnh tại Mỹ đang ở đỉnh điểm, nguồn cung vaccine thiếu hụt trong khi chính quyền của người tiền nhiệm Donald Trump không có bất kỳ kế hoạch dài hạn nào nhằm tiêm vaccine cho người dân.
Tổng thống Biden, đôi lúc mất kiên nhẫn, đã không ngừng thúc ép đội ngũ cố vấn tìm cách cải thiện phản ứng của các cơ quan liên bang trước Covid-19.
Nhận thức rõ rằng chiến dịch tiêm chủng sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới nhiệm kỳ tổng thống của mình, Biden và đội ngũ phụ tá đã đặt ra các mục tiêu tiêm chủng cụ thể và thúc đẩy những phản ứng liên bang nhằm hiện thực hóa chúng.
Tổng thống Mỹ ra lệnh triển khai quân đội và huy động Cơ quan Phản ứng Tình trạng Khẩn cấp Liên bang hỗ trợ công tác tiêm vaccine, thành lập một chương trình dược phẩm liên bang và cấp ngân sách cho các trung tâm y tế cộng đồng. Tất cả hướng đến mục tiêu tăng tối đa khả năng tiếp cận vaccine cho người dân.
Bên cạnh đó, Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD cũng giúp tài trợ đáng kể cho nỗ lực tiêm chủng. Theo Nhà Trắng, người dân giờ đây có thể đến tiêm chủng tại khoảng 70.000 điểm tiêm trên khắp đất nước.
"Ngay từ ngày đầu tiên, sự khẩn cấp luôn được đặt lên hàng đầu, chúng ta đang chiến đấu với virus", Jeff Zients, điều phối viên phản ứng với Covid-19 của Nhà Trắng, nói trong cuộc phỏng vấn với CNN.
Khi Biden nhậm chức, Mỹ chứng kiến khoảng 3.000 ca tử vong và hàng trăm nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, chỉ khoảng 15 triệu người được tiêm chủng và nguồn cung vaccine cũng khan hiếm. Để "lật ngược thế cờ", đội ngũ của Tổng thống Mỹ đã tạo ra một bầu không khí khẩn trương chưa từng có, đồng thời đề ra tôn chỉ kiên quyết dựa vào khoa học trong mọi quyết định liên quan đến cách ứng phó với dịch bệnh.
Các quan chức chính quyền chỉ ra rằng áp lực từ Tổng thống Biden là lý do chính khiến họ phải tự đẩy nhanh tốc độ hành động.
"Ông ấy khá thiếu kiên nhẫn", Anthony Fauci, cố vấn y tế Nhà Trắng, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Mỹ, nhận xét về Tổng thống Biden. "Ông ấy luôn hỏi những câu hỏi cụ thể như 'Phương án này thì sao? Tại sao chúng ta không làm việc đó? Chúng ta đã làm tốt nhất chưa?'. Cách của ông ấy không gây đối đầu, nhưng lại khiến mọi người nỗ lực hết sức".
Biden đặt ra các cột mốc, bắt đầu bằng cam kết tiêm 100 triệu liều vaccine Covid-19 trong 100 ngày đầu ông nhậm chức.
Thống đốc Maryland Larry Hogan, một đảng viên Cộng hòa, từng cho rằng đây là một mục tiêu kém tham vọng. "Chúng tôi đã tiêm được một triệu liều mỗi ngày ở thời điểm đó. Vậy nên, kể cả ông ấy không làm gì, chúng ta vẫn có thể tiêm được 100 triệu liều trong 100 ngày", ông nói.
Nhưng Biden đã hoàn thành lời hứa chỉ sau 58 ngày. Lập tức, ông tăng gấp đôi mục tiêu lên tiêm 200 triệu liều trong 100 ngày rồi sau đó tiếp tục vượt qua con số mình tự đặt ra.
Ông tự mình thông báo về các cột mốc quan trọng trong nỗ lực chống dịch, như việc chính phủ mua thêm 200 triệu liều vaccine từ Pfizer và Moderna, cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Johnson & Johnson (J&J) hay việc chính phủ thuyết phục thành công J&J và công ty đối thủ Merck bắt tay nhau nhằm đẩy nhanh tốc độ sản xuất.
Mặt khác, Tổng thống Biden cũng thận trọng khi đưa ra các lời hứa nhằm không tạo tâm lý chủ quan trong công chúng. Đầu tiên, ông tuyên bố sẽ có đủ nguồn cung vaccine cho toàn bộ người dân Mỹ vào cuối tháng 7, sau đó rút ngắn thời gian xuống cuối tháng 5. Lần khác, ông tuyên bố đến ngày 1/5, mọi người trưởng thành Mỹ sẽ đủ điều kiện tiêm vaccine, song thời hạn một lần nữa được rút ngắn xuống ngày 19/4. Sau nhiều tháng chờ đợi, lịch hẹn tiêm vaccine ngày càng nhiều hơn.
"Chúng tôi phải bắt đầu bằng việc tăng khả năng tiếp cận, đảm bảo rằng người dân có thể tiêm vaccine ở nơi họ cảm thấy thoải mái và tin tưởng người tiêm cho mình", tiến sĩ Marcella Nunez-Smith, lãnh đạo nhóm chuyên trách ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, nhấn mạnh.
Trở ngại trong quá trình thực hiện là điều không thể tránh khỏi, chẳng hạn thảm họa bão tuyết hồi tháng hai khiến công tác phân phối, vận chuyển vaccine bị đình trệ dù nguồn cung đang tăng lên. Trong tháng 4, những báo cáo về việc một số bệnh nhân gặp tình trạng đông máu hiếm gặp sau tiêm vaccine đã khiến Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cùng Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) phải ra khuyến cáo dừng tiêm vaccine của J&J.
Một nhân viên y tế được tiêm vaccine Covid-19 tại trung tâm y tế Kaiser Permanente ở Los Angeles, bang California hồi tháng 12/2020. Ảnh: AP. |
Đội ngũ của Tổng thống Biden luôn quả quyết rằng những thách thức đó sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung hay các mục tiêu vaccine họ đề ra và vaccine J&J nay đã được sử dụng trở lại.
Dù vậy, việc dừng tiêm vẫn tạo ra những bối rối ban đầu, khiến nhiều người lo ngại nó sẽ làm gia tăng tâm lý bài trừ trong nhóm những người chưa thực sự tin tưởng vào vaccine.
Giới chuyên gia đánh giá việc chính quyền Biden có xóa bỏ được tâm lý hoài nghi và thuyết phục tất cả người dân sử dụng vaccine hay không sẽ là yếu tố quyết định liệu Mỹ có thể giành chiến thắng cuối cùng trước Covid-19 và tiến lên phía trước hay không.
Chính quyền luôn khẳng định rằng họ sẽ dẫn dắt bằng khoa học, nhưng các thông tin, bằng chứng khoa học thường được đưa ra chậm và không thể đuổi kịp tâm lý háo hức muốn nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường của công chúng.
Một số nhà phê bình cho rằng đội ngũ của Tổng thống Biden nên đưa ra các hướng dẫn về đi lại và giao lưu xã hội sau tiêm vaccine sớm hơn, nhằm tạo ra động lực tiêm chủng.
"Tôi không nghĩ tất cả người dân đều biết họ nên làm gì", tiến sĩ Leana Wen, bác sĩ cấp cứu kiêm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học George Washington, nói.
Hơn một nửa số người trưởng thành ở Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, nhưng việc tiêm chủng cho nửa còn lại sẽ khó khăn hơn nhiều. Tâm lý chần chừ, hoài nghi vẫn là trở ngại lớn đối với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng bằng vaccine. Một số cộng đồng da màu đã cho thấy thái độ hoài nghi với vaccine, việc tiêm chủng ở các vùng nông thôn đang bị tụt hậu và 1/2 số thành viên nam giới đảng Cộng hòa nói họ sẽ không dùng vaccine.
Giờ đây, khi tất cả người trưởng thành Mỹ đều đã đủ điều kiện tiêm vaccine, chiến dịch tiêm chủng bắt đầu bước sang giai đoạn mới: Một chiến dịch PR rầm rộ trên mạng xã hội, TV, radio và báo chí với sự tham gia của người nổi tiếng, chính trị gia, bác sĩ và lãnh đạo cộng đồng địa phương nhằm quảng bá lợi ích cũng như tính an toàn của vaccine, qua đó thúc giục mọi người đăng ký tiêm chủng.
"Chúng tôi muốn đảm bảo các thông điệp được điều chỉnh một cách hợp lý", tiến sĩ Nunez-Smith cho hay. "Chúng tôi muốn biết mối lo ngại cụ thể của người dân về vaccine là gì? Những thông tin sai lệch nào mà họ thường nghe? Và bằng cách nào chúng tôi có thể xóa bỏ điều đó".
Vũ Hoàng (Theo CNN)
WHO cảnh báo thảm kịch COVID-19 xảy ra ở Campuchia trong Tết té nước |
Kinh tế toàn cầu sẽ biến đổi thế nào sau tấn thảm kịch Covid-19? |
Ngày đăng: 14:12 | 28/04/2021
/ vnexpress.net