Tàu ngầm Nhật có thể kiểm soát những yết hầu từ Trung Quốc ra Thái Bình Dương, hỗ trợ đồng minh Mỹ trong kịch bản xung đột tiềm tàng.
Trung Quốc đang nỗ lực hiện đại hóa và mở rộng quy mô lực lượng hải quân, nhưng vẫn phải đối mặt với hàng loạt điểm yếu khó khắc phục, một trong số đó là vị trí địa lý. "Khi nhìn vào các căn cứ tàu ngầm Trung Quốc, tất cả đều có vùng nước nông bao quanh. Tàu ngầm Trung Quốc sẽ phải di chuyển qua đó trước khi tiến đến vùng biển sâu hơn", Tom Shugart, cựu sĩ quan tàu ngầm Mỹ, nhận xét.
Ảnh vệ tinh cho thấy bờ biển Trung Quốc được bao quanh bởi những vùng nước nông có màu xanh nhạt, trái ngược với những vùng biển sâu có màu nước xanh đậm bao sát khu vực phía đông đảo Đài Loan và Nhật Bản.
Tàu ngầm Nhật Bản có thể lập tức lặn xuống vùng biển sâu và ẩn mình, trong khi lực lượng Trung Quốc không có lợi thế đó. "Tàu ngầm Trung Quốc sẽ phải đi qua nhiều eo biển đóng vai trò như yết hầu nếu muốn tiến ra Thái Bình Dương. Điều này cho phép đối thủ như Mỹ và đồng minh giám sát chặt chẽ mọi động thái của tàu ngầm Trung Quốc, đề ra phương án đối phó nếu nguy cơ xung đột trở nên hiện hữu", Shugart nói.
Một tàu ngầm lớp Soryu của Nhật nổi lên trong diễn tập hồi năm 2019. Ảnh: JMSDF. |
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hôm 16/4 ra thông cáo chung nhấn mạnh "tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan", đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo hai nước đề cập tới Đài Loan kể từ năm 1969. Điều này đã dẫn tới nhiều cuộc thảo luận về phương án phối hợp giữa Washington và Tokyo khi căng thẳng leo thang.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuần trước cũng đề xuất khái niệm "răn đe tích hợp", trong đó kêu gọi các đồng minh phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh trong tương lai, với những đặc điểm khác xa những cuộc chiến mà ông từng trải qua trong 20 năm qua.
Jeffrey Hornung, nhà khoa học chính trị tại Viện RAND của Mỹ, cho rằng kiểm soát những yết hầu trên biển là đóng góp quan trọng nhất của Nhật Bản cho liên quân Mỹ trong kịch bản bùng phát xung đột quân sự với Trung Quốc.
Theo Hornung, những "yếu hầu" này nằm dọc chuỗi đảo Nansei, trải dài từ cực nam đảo Kyushu đến phía bắc đảo Đài Loan. Nó gồm những chuỗi đảo nhỏ như Osumi, Tokara, Amami, Okinawa, Miyako và Yaeyama.
Đây là một phần trong "chuỗi đảo thứ nhất", thuật ngữ dùng để chỉ khu vực bên trong vành đai nối từ quần đảo Kuril qua Nhật Bản, đảo Okinawa, đảo Đài Loan và tới Philippines. "Chuỗi đảo thứ hai" bắt đầu từ quân cảng Yokosuka ở Nhật đến Indonesia, với trung tâm là đảo Guam của Mỹ.
"Khi xung đột nổ ra, phòng vệ Nhật Bản có thể huy động tàu ngầm và rải thủy lôi để bịt kín hoàn toàn những yết hầu này, buộc tàu chiến Trung Quốc di chuyển vòng qua đảo Đài Loan hoặc tiến thẳng vào không gian tác chiến trên biển Hoa Đông, nơi mà Mỹ và Nhật có khả năng kiểm soát gần như hoàn toàn", Hornung nói.
Trong thời bình, tàu chiến Trung Quốc thường xuyên phải di chuyển qua eo biển Miyako để ra Thái Bình Dương. "Nhật có thể tập trung phòng thủ khu vực này, sử dụng tên lửa hành trình diệt hạm hoặc máy bay săn ngầm P-3C, nhằm giải phóng nguồn lực để quân đội Mỹ tập trung chiến đấu", chuyên gia của Viện RAND nhận định.
Vị trí chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai. Đồ họa: Cofda. |
Shugart cho rằng đội tàu ngầm diesel - điện của Nhật Bản là phương án tốt nhất cho nhiệm vụ chặn đường hải quân Trung Quốc. "Chúng có độ ồn rất thấp và dễ ẩn mình, rất thích hợp để triển khai bảo vệ vị trí cố định trên biển", ông nêu quan điểm, thêm rằng tàu ngầm hạt nhân trong biên chế Mỹ phù hợp với nhiệm vụ trên đại dương rộng lớn hơn.
Nhật Bản đang biên chế 20 tàu ngầm diesel-điện lớp Oyashio và Soryu, trong đó Soyru được coi là một trong những loại tàu ngầm khó phát hiện nhất thế giới, ngang ngửa Đề án 636 của Nga và Type-209 Đức. Nước này đặt mục tiêu sở hữu lực lượng tàu ngầm 22 chiếc vào năm 2022.
Mỹ và đồng minh đang tìm kiếm nhiều phương án để đối phó với năng lực tác chiến ngày càng tăng của Trung Quốc. "Số lượng khí tài áp đảo của Bắc Kinh buộc Washington và Tokyo phải phối hợp chặt chẽ và đưa ra quyết định nhanh chóng hơn. Các bên đều phải hiểu vai trò của mình và phản ứng chớp nhoáng ngay khi phát hiện mối đe dọa, không cần chờ tham vấn lẫn nhau", tướng về hưu Wallace Gregson, cựu chỉ huy lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tại Thái Bình Dương, cho hay.
Vũ Anh (Theo Nikkei)
Hé lộ đường hầm bí mật chứa tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Trung Quốc
Một số căn cứ của Hải quân Trung Quốc thậm chí còn cẩn trọng hơn khi xây dựng mạng lưới hầm ngầm để bảo vệ ... |
Thái Lan có thể chi gần 400 triệu USD mua thêm tàu ngầm Trung Quốc
Hải quân Thái Lan đang chờ quốc hội phê duyệt ngân sách để mua tiếp một tàu ngầm S26T từ Trung Quốc theo hợp đồng ... |
Các mẫu ngư lôi trang bị trên tàu ngầm Trung Quốc
Từ một quả ngư lôi Mỹ trôi dạt trên biển, Trung Quốc sao chép và cho ra đời nhiều mẫu ngư lôi hiện đại trang ... |
Ngày đăng: 10:00 | 07/05/2021
/ vnexpress.net