Chương trình tiêm vaccine Covid-19 gặp nhiều trở ngại do cơ sở hạ tầng hạn chế, người dân không tin vào vaccine.

Đầu tháng 2, tại Banda Aceh, giới chức y tế chạy đua với thời gian để đưa vaccine Covid-19 đến Sabang, thành phố miền núi Weh Island chỉ trong một buổi chiều. Indonesia đã chậm triển khai kế hoạch tiêm chủng cho các nhân viên y tế, bước quan trọng trong chiến dịch đầy tham vọng.

Các liều vaccine do Sinovac mất ba giờ vận chuyển từ Jakarta đến Banda Aceh, nhưng mất tới 4 tiếng để đi bằng phà và xe bọc thép tới trung tâm phân phối ở Sabang. Iman Murahman, phát ngôn viên Cơ quan Y tế Aceh, cho biết: "Đây là nỗ lực phút chót. Chúng tôi hy vọng vẫn có thể kịp giờ".

Vaccine Covid-19 đem lại niềm hy vọng giúp thế giới thoát khỏi đại dịch đã cướp đi mạng sống của hàng triệu người. Indonesia ghi nhận 1,5 triệu ca nhiễm và 40.000 trường hợp tử vong, tính đến ngày 25/3. Trong những tháng gần đây, chính phủ chuyển từ chiến lược dập dịch sang tiêm chủng, mong vaccine giúp mở cửa lại nền kinh tế, giảm bớt số ca nhập viện và bảo vệ người dân khắp cả nước.

Nhưng giai đoạn đầu trong cuộc hành trình của vaccine Sinovac ở Aceh đã lệch hướng bởi thông tin sai lệch, trở ngại về địa lý và thực tiễn. Thành phố có cơ sở hạ tầng yếu kém. Ngay cả các giải pháp sáng tạo như cải tiến xe chở cá thành kho lạnh trữ đông vaccine cũng gặp trở ngại.

3622 indo png 1616665514 7886 1616665656

Lực lượng cảnh sát cơ động hỗ trợ vận chuyển lô vaccine Sinovac ở Banda Aceh, Indonesia. Ảnh: Washington Post

Tháng 1, Indonesia bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm phòng cho 180 triệu trong số 270 triệu dân. Đất nước mua khoảng 330 triệu liều vaccine, trong đó 125,5 triệu liều CoronaVac của Sinovac, 50 triệu liều Novavax và 54 triệu liều từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đến nay, chính phủ mới nhận được vaccine của Sinovac, đủ dùng cho nhân viên y tế, công chức và người cao tuổi.

Song với tốc độ triển khai hiện tại, Indonesia sẽ mất 10 năm mới đạt được mục tiêu. Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết các quan chức sẽ cho tiêm 1 triệu liều mỗi ngày, song không nói rõ khả năng mở rộng chương trình.

Cuối tháng 2, giới chức hy vọng đẩy nhanh quá trình bằng cách đề nghị các doanh nghiệp nhập vaccine từ nhà nước để tiêm chủng cho nhân viên. Một số người chỉ trích động thái này làm gia tăng bất bình đẳng và tước đi quyền tiêm chủng của những người cần nhất.

"Việc công ty tư nhân hợp tác với chính phủ rất có lợi nếu muốn đẩy nhanh tiến trình chủng ngừa. Nhưng chúng ta nên tập trung và các nhóm dễ tổn thương trước", Pandu Riono, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Indonesia, nhận định.

Nước này cũng gặp khó khăn khi thuyết phục người dân tiêm chủng. Cuộc khảo sát của tổ chức Nghiên cứu Saiful Mujani hồi tháng 12 cho thấy 23% số người được hỏi nghĩ vaccine không an toàn. Phân tích khác của trung tâm nghiên cứu Indikator Politik Indonesia hồi tháng 2 cho thấy 55% sẽ từ chối vaccine Covid-19.

Sự hoài nghi của công chúng càng rõ ràng khi những liều CoronaVac có mặt ở Sabang, được đoàn xe cảnh sát và những binh lính có vũ trang hộ tống. Người dân tự hỏi "có gì quý giá đến thế?".

"Cứ như là chúng tôi sẽ ăn cắp vaccine không bằng", Abdullah, 59 tuổi, chủ ki-ốt tạp hóa tại đây, nói. Giống với nhiều người Indonesia, ông không có kế hoạch tiêm chủng.

Fitriliani, chủ nhà hàng 26 tuổi, không biết về chương trình chủng ngừa. "Tôi không nghĩ ở đây có virus. Sao chúng tôi lại cần vaccine", cô nói.

3614 indo 2 png 1616665506 6399 1616665656

Hai hành khách điền phiếu thông tin xét nghiệm tại Sân bay Quốc tế Sultan Iskandar Muda ở Banda Aceh. Ảnh: Washington Post

Cuộc khảo sát của WHO, UNICEF, Bộ Y tế Indonesia và Nhóm Tư vấn Kỹ thuật Indonesia về Tiêm chủng trên 100.000 người ở 34 tỉnh cho thấy Aceh có tỷ lệ tin tưởng vào vaccine thấp nhất, ở mức 46%.

Để xoa dịu hoài nghi, Hội đồng Hồi giáo Ulema Indonesia chứng nhận vaccine không làm từ thịt lợn (chứng nhận halal). Thông thường, chỉ lượng nhỏ thịt lợn trong các sản phẩm, chế phẩm sinh học cũng khiến người dân theo đạo Hồi từ chối sử dụng.

Thay vì giãn cách xã hội, tiêm chủng hay phong tỏa, nhiều người cho rằng cầu nguyện sẽ đẩy lùi Covid-19.

"Chúng ta đã trải qua rất nhiều đợt dịch kể từ thời nhà tiên tri Muhammad. Chẳng có cách chữa trị nào ngoài cầu nguyện và tạ ơn thánh Allah", Zakaria, 53 tuổi, nhân viên khu vui chơi tại Banda Aceh, cho biết.

Trong khi đó, chính quyền trung ương chuyển sang trừng phạt người từ chối tiêm chủng bằng cách cắt giảm trợ cấp xã hội hoặc hạn chế tiếp cận dịch vụ công. Một nhân viên y tế của khu hồi sức tích cực cho biết chính phủ không cho phép cô và các đồng nghiệp quyền lựa chọn.

"Tôi không tin vaccine CoronaVac, nhưng liệu tôi còn sự lựa chọn nào khác không?", cô nói.

Cô đã tiêm chủng sau khi Thống đốc Aceh Nova đưa ra tối hậu thư, cho biết y bác sĩ từ chối tiêm vaccine có thể bị hủy hợp đồng.

Trong khi các nhà chức trách nhấn mạnh tác dụng phụ của vaccine, chẳng hạn mệt mỏi và sốt, sẽ giảm dần theo thời gian, người dân vẫn lo ngại về các hậu quả lâu dài, chủ yếu do tin tức sai lệch và thông điệp mơ hồ của chính phủ. Một số đặc biệt quan ngại về CoronaVac, với lý do Sinovac thiếu minh bạch khi công bố dữ liệu.

Đối với nhiều người ở Aceh, tiêm chủng không cấp thiết. Thành phố đã phong tỏa hồi tháng 4 năm ngoái, xong rút lại quyết định chỉ sau một tuần. Đối với nhiều người, Covid-19 dường như chỉ còn là ký ức đã lùi xa. Các địa điểm công cộng vẫn mở cửa, hầu hết người dân không đeo khẩu trang. Trường học hoạt động trở lại đầu năm nay. Nhiều người tin rằng chỉ cần tập thể dục là tránh được virus.

3618 indo 3 png 1616665565 8513 1616665656

Người dân trò chuyện bên ngoài Nhà thờ Hồi giáo Baiturrahman ở Banda Aceh. Ảnh: Washington Post

Putra Siregar, một họa sĩ 27 tuổi, nói: "Tôi chỉ tin tưởng những thứ có nguồn gốc hữu cơ. Ngay cả khi chịu hình phạt của chính phủ, tôi vẫn không tiêm vaccine đâu".

Aribowo Sasmito, người đồng sáng lập Hiệp hội Chống Vu khống Indonesia, tổ chức phi lợi nhuận ngăn ngừa tin đồn vô căn cứ, cho biết tin giả là nguyên nhân chính dẫn đến sự do dự của người dân. Tổ chức của ông đã ghi nhận 712 tin sai lệch về vaccine từ tháng 1 đến tháng 11/ 2020. Bộ Thông tin Truyền thông báo cáo hơn 2.000 bài báo lá cải về đại dịch.

Phong trào Bài vaccine và Tiêm chủng, một nhóm chống vaccine trên Facebook, có gần 2.800 thành viên, đã hoạt động kể từ năm 2013. Trong phần mô tả, thành viên ban quản trị trích dẫn Kinh Koran để giải thích luận điểm "Chúa đã cung cấp cho con người đủ tài nguyên để chống lại bệnh tật".

Thục Linh (Theo Washington Post)

Indonesia - đại công xưởng của các hãng xe Nhật Indonesia - đại công xưởng của các hãng xe Nhật
Núi lửa Indonesia phun dung nham đỏ rực Núi lửa Indonesia phun dung nham đỏ rực
Vì sao Indonesia từ chối Trung Quốc rót tiền vào quỹ đầu tư quốc gia? Vì sao Indonesia từ chối Trung Quốc rót tiền vào quỹ đầu tư quốc gia?

Ngày đăng: 09:38 | 26/03/2021

/ vnexpress.net