Canada từng không cho ba người liên quan đến Huawei nhập cư với nghi ngờ họ là gián điệp.
Một buổi ra mắt sản phẩm của Huawei ở Bắc Kinh ngày 29/1. Ảnh: AFP.
Bắt đầu vào mùa thu 2013, trong khoảng 10 tháng, ba công dân Trung Quốc không liên quan đến nhau nộp đơn xin nhập cư vào Canada. Hai người muốn định cư ở Toronto, một người đến Saint John ở New Brunswick.
Bên cạnh quốc tịch, điều duy nhất mà ba người này có điểm chung là họ hoặc bạn đời của họ làm việc cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei.
Cả ba hồ sơ sau đó đều được xử lý bởi một nhân viên di trú Canada ở Hong Kong, được xác định trong các tài liệu SCMP thu được bằng tên viết tắt JW00237.
Đương đơn A nộp hồ sơ xin nhập cư Canada vào ngày 3/7/2014 với tư cách là lao động trình độ cao. Ngày 18/3/2016, người này nhận được email từ JW00237 thông báo hồ sơ sẽ bị từ chối.
"Có cơ sở hợp lý để tin rằng anh nằm trong nhóm người không được chấp nhận theo mục 34(1)(f) của Đạo luật bảo vệ người nhập cư và tị nạn", email có đoạn viết. Mục 34(1)(f) đề cập đến những người thuộc tổ chức gián điệp, lật đổ chính phủ hoặc khủng bố.
Ngày 21/3/2016, hai đương đơn khác nhận được email tương tự, với lý do rằng bạn đời của họ - những nhân viên của Huawei - bị nghi ngờ là gián điệp.
Mặc dù hồ sơ của hai người này nộp cách nhau 10 tháng vào năm 2013 và 2014, hồ sơ của họ được xử lý bởi JW00237 vào cùng một buổi chiều năm 2016, chỉ cách nhau 37 phút.
Ba hồ sơ được xử lý bởi cùng một người. Ảnh: SCMP.
Luật sư Canada sống tại Hong Kong Jean-Francois Harvey, người đại diện cho cả ba người nói trên, ban đầu cho rằng những cáo buộc này chỉ đơn giản là quyết định cá nhân của JW00237. Tuy nhiên, ông giờ có cái nhìn khác khi ngày càng có nhiều thông tin về chiến dịch phức tạp kéo dài nhiều năm của Mỹ để nhắm vào Huawei, đỉnh điểm là việc Canada bắt giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu vào ngày 1/12/2018 theo yêu cầu của Mỹ.
Harvey nghi ngờ việc ba khách hàng từng bị từ chối hồ sơ xin nhập cư là chiến dịch bí mật và có hệ thống nhằm nhắm vào các nhân viên của Huawei.
Luật sư nhận xét việc ba hồ sơ được chuyển đến cho cùng một nhân viên di trú xem xét trong vài ngày rất khó xảy ra. "Họ có hàng nghìn hồ sơ cần xử lý", ông nói. "Sao mà trùng hợp thế được?".
Một cựu nhân viên di trú Canada giấu tên nói rằng họ không được tự chọn xử lý hồ sơ nào. Vì vậy, việc trường hợp các hồ sơ vô tình vào tay cùng một người xử lý là rất khó xảy ra.
"Khó có khả năng cả ba trường hợp Huawei ngẫu nhiên rơi vào một người, họ hẳn phải có thảo luận với cấp trên", ông nhận xét.
Cơ quan Di trú, Tị nạn và Nhập tịch Canada (IRCC) cho biết các hồ sơ được xử lý theo thứ tự thời gian, ai gửi trước được xử lý trước.
Khi được hỏi vì sao ba hồ sơ liên quan đến Huawei lại cùng về tay JW00237, phát ngôn viên của IRCC cho biết "để đạt hiệu quả cao nhất, thỉnh thoảng một số hồ sơ nhất định được giao cho cùng một người đánh giá". Phát ngôn viên từ chối bình luận về các hồ sơ cụ thể.
Luật sư Jean-Francois Harvey. Ảnh: SCMP.
Huawei từ lâu đã là mục tiêu của Mỹ. Theo bản cáo trạng công bố hồi tháng một, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tháng 7/2007 đã thẩm vấn người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, cha của Mạnh Vãn Chu, ở New York về việc kinh doanh của công ty ở Iran.
"Cá nhân 1 nói sai sự thật rằng Huawei không có hoạt động nào vi phạm luật xuất khẩu của Mỹ", bản cáo trạng có đoạn viết. "Cá nhân 1" ám chỉ ông Nhậm Chính Phi, theo SCMP.
Đầu năm 2014, Mạnh Vãn Chu bị chặn lại ở sân bay John F. Kennedy tại New York. Trước khi bà được cho phép đi tiếp, các đặc vụ Mỹ đã kiểm tra các thiết bị điện tử và tìm thấy các tập tin liên quan đến cách công ty kinh doanh ở Iran.
Tháng 10/2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ kết luận Huawei đặt ra mối đe dọa an ninh quốc gia và nên bị cấm mua bán hay sáp nhập ở Mỹ. Động thái này khiến các nước đồng minh suy xét có nên làm ăn với Huawei hay không.
Việc Canada từ chối hồ sơ của ba người xin nhập cư là đáng chú ý vì những người này nộp hồ sơ vào thời điểm Mạnh nằm trong tầm ngắm của FBI. Canada và Mỹ thuộc mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo của 5 quốc gia phương Tây, cùng với Anh, Australia và New Zealand.
Trong khi đó, một giám đốc bán hàng Trung Quốc của Huawei và một cựu nhân viên tình báo Ba Lan đã bị bắt tại Ba Lan vào tháng trước vì nghi ngờ gián điệp.
Một nguồn tin của SCMP quen biết ba thân chủ của Harvey cho biết mặc dù cả ba bác bỏ họ liên quan đến hoạt động gián điệp, một người trong số đó cho rằng một số cáo buộc về Huawei "có thể đúng".
"Không có lửa thì sao có khói. Họ nói rằng cá nhân họ không tham gia vào bất kỳ hoạt động gián điệp nào. Nhưng dựa trên những gì một người nói với tôi, tôi cho rằng Huawei có thể có hoạt động gián điệp", nguồn tin nói.
Trong khi đó, Huawei ra thông cáo, nhấn mạnh công ty "có hoạt động kinh doanh và nghiên cứu vững chắc ở Canada từ năm 2008".
"Các nhân viên của chúng tôi đi lại giữa Canada và Trung Quốc thường xuyên bằng visa và giấy phép lao động do chính phủ Canada cấp. Nhiều nhân viên cũ hoặc nhân viên nghỉ hưu của Huawei đã nhập cư thành công vào Canada và họ có nhắc đến quá trình công tác ở Huawei trong hồ sơ".
Huawei đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc gián điệp. Ông Nhậm Chính Phi khẳng định công ty ông không làm việc gây hại cho các chính phủ nước ngoài.
Cuối cùng, năm 2017, Canada cho phép ba thân chủ của Harvey nhập cư sau khi Harvey nộp cho họ bản cam đoan từ những người này rằng họ không phải là gián điệp.
Nếu vụ này bị đưa ra tòa, danh tính của JW00237 có thể phải được công bố, Harvey nhận xét. Tuy nhiên, sau khi nhận được bản cam đoan, chính phủ Canada đã chấp thuận hồ sơ mà không tiến hành thủ tục pháp lý nào.
"Điều ngạc nhiên trong ba trường hợp này là không có phản hồi nào từ IRCC sau khi chúng tôi nộp bản cam đoan. Rồi đột ngột, ba người đó được trao visa", Harvey nói.
Dù còn nhiều thắc mắc, Harvey không theo đuổi vấn đề này thêm. "Với tư cách là luật sư, mối quan tâm duy nhất của tôi là thân chủ. Chúng tôi đã có được thị thực, vì vậy tôi dừng lại ở đó".
Ảnh quảng cáo tiết lộ cụm camera ‘khủng’ của Huawei P30 Pro
Tài khoản Twitter WinFuture vừa đăng tải ảnh dựng của smartphone cao cấp P30 và P30 Pro. Qua đó, thông tin về cụm camera và ... |
\'Công chúa Huawei\' - tù nhân sống xa hoa tại Canada
Hơn 3 tháng kể từ thời điểm bị chính quyền Canada bắt, Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu vẫn có cuộc sống vương ... |
Canada và chiến dịch bí mật cấm nhập cư với 3 "gián điệp" Huawei
Hồ sơ nhập cư của 3 người có liên hệ với Huawei cùng được một viên chức di trú Canada xử lý, dù các hồ ... |
Giám đốc tài chính Huawei kiện ngược chính phủ Canada
Các luật sư của Giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) Meng Wanzhou hôm 3-3 cho biết họ đã khởi kiện chính phủ, ... |
Huawei P30 Pro lộ ảnh thực tế - ống kính Leica, zoom 10x
Nhiều khả năng máy sẽ được trang bị hệ thống camera hỗ trợ zoom quang học 10x. |
Ngày đăng: 09:04 | 07/03/2019
/