Mức bảo hiểm tiền gửi 75 triệu đồng đã gây tranh cãi suốt cả chục năm nay, song vẫn chưa có một câu trả lời thỏa đáng.
Hạn mức chi trả 75 triệu đồng, không đủ để bảo vệ người gửi tiền |
Người gửi tiền một lần nữa lại thấp thỏm, kỳ vọng vào luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, thảo luận tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14.
Bảo hiểm thấp nhất trong khu vực
Theo quy định của luật Tổ chức tín dụng (TCTD) hiện hành, khách hàng sẽ được Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) trả 75 triệu đồng/người/TCTD nếu ngân hàng nơi gửi tiền phá sản. Cơ quan soạn thảo luật trên là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất sửa theo hướng không nên quy định “cứng” mà giao cho Chính phủ được quyết định biện pháp chi trả vượt mức cho từng khách hàng, tùy từng thời điểm và điều kiện. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng chủ trương chung của nhà nước không dùng tiền ngân sách hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng (NH) yếu kém, thua lỗ. Vì vậy, vẫn giữ mức chi trả tối đa 75 triệu đồng và để đảm bảo các TCTD an toàn, cho phép Chính phủ áp dụng biện pháp đặc biệt.
Báo cáo giải trình của NHNN đặt vấn đề: BHTG hiện nay có thể tiềm ẩn nguy cơ người gửi tiền cá nhân rút tiền hàng loạt tại nhiều TCTD. Từ đó có thể dẫn đến đổ vỡ dây chuyền hệ thống các TCTD khác. Trong khi đó, TCTD là trung gian tài chính bao gồm các NH, công ty tài chính, quỹ tín dụng… chiếm 90% nguồn vốn sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, đầu tư… Vì thế, nếu các TCTD bị đổ vỡ thì dòng vốn có thể bị tắc nghẽn, khiến cho nền kinh tế đối mặt nguy cơ suy thoái, tăng trưởng thụt lùi, lạm phát và thất nghiệp tăng cao.
Ngoài ra, việc người gửi 1 tỉ đồng, 10 tỉ đồng hay 100 tỉ đồng thì cũng chỉ được 75 triệu đồng. Điều này gây ra bất bình đẳng, và như báo cáo giải trình của NHNN đặt ra rủi ro là: “Khi không được chi trả đầy đủ tiền gửi, người gửi tiền có thể tụ tập, khiếu kiện đông người gây mất trật tự, an toàn xã hội”.
Nhìn ra thế giới, hạn mức chi trả được điều chỉnh linh hoạt theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Ở một số quốc gia, trong bối cảnh suy thoái kinh tế hay kinh tế bất ổn, khi có dấu hiệu rút tiền ồ ạt, một trong những nguyên nhân gây đổ vỡ NH, các hệ thống BHTG tăng hạn mức chi trả tiền bảo hiểm. Ví dụ, để đối phó với khủng hoảng tài chính xuất hiện từ năm 2008, Mỹ ban đầu tăng mức chi trả từ 100.000 USD, sau đó cam kết chi trả 250.000 USD, được duy trì lâu dài.
So sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, hạn mức chi trả BHTG của VN đang thấp nhất về số tiền tuyệt đối và hầu hết các tiêu chí khác, như hạn mức/GDP bình quân đầu người, tỷ lệ phần trăm người gửi tiền được bảo vệ toàn bộ, tỷ lệ phần trăm giá trị tiền gửi được bảo vệ toàn bộ. Ví dụ, về con số tuyệt đối quy ra USD, Thái Lan hơn 709.220 USD, Indonesia 153.257 USD, Malaysia 59.666 USD, Singapore 35.971 USD, Philippines 10.346 USD, trong khi VN khoảng 3.300 USD (theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF).
Người gửi tiền chỉ được chi trả tối đa 75 triệu đồng là con số quá ít so với thu nhập bình quân đầu người ở nước ta hiện nay khoảng hơn 2.300 USD, tương đương hơn 52 triệu đồng.
Nên tăng và linh hoạt hạn mức
Để bảo đảm quyền lợi người gửi tiền cũng như an ninh, an toàn hoạt động của hệ thống NH, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm cho rằng nên để Chính phủ quyết định mức cho vay đặc biệt, lãi suất cho vay đặc biệt của NHNN đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt. Qua đó, có căn cứ chi trả số tiền gửi của cá nhân còn lại sau khi đã được tổ chức BHTG chi trả theo quy định và cơ chế xử lý từ ngân sách nhà nước đối với số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được.
Trên thực tế, việc quy định biện pháp này, theo TS Kiêm và một số chuyên gia, là rất cần thiết, vì sẽ bảo đảm tạo lập cơ sở pháp lý cho việc áp dụng biện pháp khi cần thiết; việc áp dụng hay không áp dụng biện pháp này sẽ tùy thuộc vào tình hình ngân sách theo từng thời kỳ và theo mức độ tác động của từng trường hợp phá sản cụ thể. Ngoài ra, hạn mức chi trả vượt mức được tính toán, quyết định trong thời kỳ, không phải là chi trả toàn bộ trong mọi trường hợp, TS Kiêm lưu ý.
Việc xem xét để điều chỉnh hạn mức phù hợp, theo nghiên cứu của thạc sĩ - chuyên gia kinh tế Lê Thị Nga, cần được căn cứ vào một số yếu tố về phát triển kinh tế xã hội, GDP bình quân đầu người và trong đó phải kể đến tình hình lạm phát.
Đánh thuế tiền lãi tiết kiệm: Sao cho khéo, cho vừa?
Một trong những ý kiến được đưa ra gần đây tại một hội thảo về sửa đổi 5 luật thuế là nghiên cứu cho phép ... |
Trước khi đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm - hãy nghĩ về 500 tấn vàng còn tồn trữ trong dân!
Năm 2013, vấn đề đánh thuế lãi tiền gửi tiềt kiện đã được nêu ra, nhưng sau đó bị gác lại. Tuy nhiên, những ngày ... |
Lại đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng thu nhập từ tiết kiệm mà tới vài trăm triệu đồng nên gọi là đầu tư và phải ... |
(http://thanhnien.vn/kinh-doanh/chi-tra-75-trieu-dong-co-du-bao-ve-nguoi-gui-tien-892706.html)
Ngày đăng: 09:38 | 23/10/2017
/ Theo Tiêu Phong/Thanh niên