Nhật Bản hoàn toàn không có lỗi, nhưng việc dùng thẻ phạt như tiêu chí phân thứ bậc tại World Cup cần được xem xét lại.
Khoảng 10 phút cuối trận đấu trên sân Volgograd, Nhật Bản bị dẫn trước 1-0 nhưng chỉ chuyền bóng qua lại bên sân nhà. Ba Lan cũng không quyết tâm tranh bóng, bởi họ đã bị loại và trận này chỉ mang ý nghĩa thủ tục. Bên ngoài đường biên, Jakub Blaszczykowski đứng khoảng năm phút để chờ vào sân thay người, nhưng trận đấu không có điểm dừng.
Cuối cùng, hai đội đều đạt mục đích, chỉ có khán giả là thua cuộc.
Nhật Bản kiểm soát 70% thời lượng bóng trong năm phút cuối, nhưng chỉ quanh quẩn ở giữa sân. Ảnh: Opta. |
Ngồi trong cabin của đài BBC, các bình luận viên tỏ vẻ thất vọng. “Đúng là một tấn trò hề”, Mark Lawrenson nói. Leon Osman – cựu tiền vệ Everton – bổ sung: “Hai đội thật đáng xấu hổ. Không ai muốn xem màn trình diễn 10 phút cuối trận như thế. Sân đấu đã bị biến thành rạp xiếc”. HLV đội Bắc Ireland – Martin O’Neill – thì hồi tưởng: “Tôi cứ tưởng những trận đấu như này chỉ diễn ra ở World Cup 1982 hay 1986. Tôi không thể hiểu tại sao một HLV lại phó mặc số phận đội bóng của họ vào tay đội bóng khác. Tôi từng có chút cảm mến với Nhật Bản. Nhưng sau trận này, mong họ sẽ bị hủy diệt ở vòng sau”. Không ít CĐV có chung quan điểm với HLV O’Neill, ngay cả là người Nhật Bản.
Nhưng cũng rất nhiều người nghĩ khác. “Nếu đang dẫn trước vào cuối trận, các đội bóng không nên tìm thêm bàn thắng. Ở một góc độ nào đó, Nhật Bản đang đứng trên Senegal. Vì thế nhiệm vụ của Senegal là ghi thêm bàn, còn Nhật Bản phải phòng ngự. Chỉ khác là họ không thi đấu trên cùng một sân, trong khi Ba Lan cũng không còn động lực tấn công”, CĐV có tài khoản ShoutsAtClouds viết trên diễn đàn lớn bậc nhất thế giới Reddit và nhận gần 500 lượt Thích (Upvotes).
Vị trí chạm bóng của các cầu thủ Nhật Bản từ phút 76 - thời điểm Colombia mở tỷ số trận gặp Senegal. Ảnh: Opta. |
Nếu rơi vào trường hợp của Nhật Bản, các đội khác có lẽ cũng không thể làm khác. Tại World Cup 2010, Chile bị Tây Ban Nha dẫn 2-1 ở lượt cuối vòng bảng. Nhưng đại diện Nam Mỹ vẫn không chịu tranh bóng khi Tây Ban Nha đá ma câu giờ những phút cuối. Bởi ở trận cùng giờ Thụy Sĩ cần ghi hai bàn vào lưới Honduras để đảo ngược tình thế. Trường hợp của Peru - Colombia tại vòng loại World Cup 2018, hay Blackburn – Man Utd ở Ngoại hạng Anh 2010-2011, là ví dụ điển hình.
Sau nhiều năm bị giới chuyên môn chê trách bởi lối đá cống hiến nhưng ngây thơ, Nhật Bản bất ngờ thực dụng. Họ bị Ba Lan dẫn, nhưng cùng thời điểm, Senegal cũng thua Colombia tại Cosmos Arena. Kết quả khiến hai đội bằng điểm, hiệu số, bàn thắng và đối đầu. Nhưng Nhật Bản xếp trên theo chỉ số Fair-play nhờ ít hơn hai thẻ vàng.
Fair-play (đá đẹp) là tiêu chí xếp hạng lần đầu xuất hiện ở World Cup. Nhật Bản không chỉ muốn cầm bóng chắc để giữ tỷ số, còn hạn chế nguy cơ dính thẻ vàng do tranh chấp sai luật hay lỗi kéo dài thời gian. Khi trận đấu tại Cosmos kết thúc, một số cầu thủ Senegal tỏ vẻ ngơ ngác, chưa hiểu chuyện. Chỉ khi được HLV Aliou Cisse báo tin, họ mới đổ gục.
Nỗi buồn của Sadio Mane khi Senegal bị loại bởi hai thẻ vàng. Ảnh: AP. |
Nhiều người tiếc nuối cho Senegal khi bị loại chỉ bởi hai thẻ vàng. Sane, Gueye, Niang, N’Doye hay Sabaly có thể sẽ tự vấn vì những thẻ vàng đã phải nhận qua ba trận vòng bảng. Nhưng HLV Cisse lại nghĩ khác. “Chúng tôi đáng bị loại. Nhưng tôi không thể bắt các học trò hạn chế thẻ vàng", ông nói. "Để thắng, các cầu thủ cần có quyết tâm. Khi quyết tâm, lại khó tránh được thẻ phạt”. Từ phát biểu của Cisse, có thể thấy ông không đồng ý hoàn toàn với tiêu chí Fair-play.
“Thẻ vàng là án phạt dành cho cá nhân, chứ không ảnh hưởng đến tập thể. Trong một số giải đấu, cầu thủ nhận thẻ vàng ở hai trận liên tiếp sẽ phải nghỉ đá trận tiếp theo. Còn đội bóng vẫn ra sân như thường”, nhà báo Christian Helms bình luận trên tờ báo Đức Spiegel. “Chính vì vậy, dùng số thẻ phạt để phân hạng là bất công. Những trận đấu quyết liệt, cầu thủ va chạm nhiều hơn, sẽ có nhiều thẻ vàng hơn. Còn ở thế trận chặt chẽ thì ngược lại. Đó là chưa kể trọng tài cũng có nhiều kiểu. Có người nghiêm khắc, người bắt nhẹ tay”.
Helms cho rằng các trận đấu sẽ bớt hấp dẫn nếu tiêu chí Fair-play được áp dụng trong giải. Trong khi đó, xu hướng rút thẻ của các trọng tài cũng có chênh lệch không nhỏ. Thống kê của Whoscored ở Ngoại hạng Anh 2017-2018 chỉ ra rằng trọng tài Kevin Friend có tần suất rút thẻ vàng cao nhất giải (4,7 thẻ/trận). Trong khi đó, trọng tài "dễ tính" nhất – Graham Scott – chỉ rút 2,6 thẻ vàng/trận. Trọng tài ở mỗi quốc gia cũng không giống nhau. Ở La Liga mùa trước, các trọng tài phạt thẻ trung bình từ 3,4 đến 5,9 thẻ vàng/trận.
“Trong bóng đá, bàn thắng là thứ có ý nghĩa duy nhất. Những thứ khác như dứt điểm trúng đích, phạt góc hay thứ hạng FIFA đều không quan trọng. Đội thắng là đội ghi nhiều bàn hơn đối phương. Chấm hết”, Helms nhấn mạnh.
Giới chuyên môn đã bắt đầu đưa ra giải pháp thay cho FIFA. Lawrenson đề nghị xét đến số bàn thắng trung bình ở vòng loại, còn Helms muốn tổ chức thêm một trận play-off để xét vị trí. Ở những kỳ Euro gần đây, UEFA đưa vào tiêu chí “Thành tích ở vòng loại” và “Thứ bậc trên bảng điểm UEFA”. Chúng được xét sau những chỉ số thông thường như hiệu số, bàn thắng, đối đầu. Tiêu chí cuối vẫn là bốc thăm may rủi.
CĐV Nhật Bản chia vui cùng cầu thủ sau trận thua Ba Lan. Ảnh: AP. |
Lần gần nhất bốc thăm xuất hiện ở World Cup đã cách đây 28 năm, ở trận Ireland - Hà Lan tại Italy 1990. World Cup mất 28 năm mới lại xuất hiện tình trạng hai đội cùng điểm, hiệu số, bàn thắng và đối đầu. Trùng hợp, khi đây cũng là lần đầu Fair-play xuất hiện. Giả sử tiêu chí này chưa được áp dụng, rất có thể Nhật Bản sẽ vùng lên trong những phút cuối gặp Ba Lan. Bởi nếu tiến vào bốc thăm may rủi, họ chỉ có 50% cơ hội thắng. Còn liều chiến với đội đã chắc chắn bị loại như Ba Lan, biết đâu họ lại có khả năng thắng cao hơn.
Khi đó, sẽ không còn những tiếng la ó trên khán đài, như ở Volgograd hôm qua.
Trong cờ vua, tồn tại tiêu chí xếp hạng mang tên Buchholz: Đội nào có kết quả tốt hơn trước đối thủ thứ hạng cao hơn thì sẽ xếp trên. Nhật Bản thắng Colombia (6 điểm), hòa Senegal (4 điểm), thua Ba Lan (3 điểm). Với hệ số nhân cho chiến thắng là 1, hòa là 0,5 và thua là 0, chúng ta có hệ số Buchholz của Nhật Bản là 6 x 1 + 4 x 0,5 + 3 x 0 = 8. Tương tự, hệ số Buchholz của Senegal là 3 x 1 + 4 x 0,5 + 6 x 0 = 5. Trong giả thuyết này, Nhật Bản vẫn đi tiếp, do thắng được đội nhất bảng là Colombia. |
World Cup 2018: Kịch tính, bất ngờ, tranh cãi và hấp dẫn nhất lịch sử? Ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới mới đi được nửa chặng đường, nhưng những hỉ, nộ, ái, ố trên đất Nga đang dần ... |
7 "viên ngọc thô" lộ diện sau vòng bảng World Cup 2018 World Cup 2018 đã đi qua được một nửa chặng đường. Hãy cùng điểm lại những tài năng trẻ đã "bước ra ánh sáng" sau ... |
Ngày đăng: 19:31 | 29/06/2018
/ VnExpress