Những đòn tấn công bất ngờ từ phía Ukraine đang gây ra những tổn thất không nhỏ cho các lực lượng Nga tại Crimea, đặc biệt là tổn thất về phương tiện quân sự.

Trong chiến dịch quân sự đặc biệt, để bảo vệ khu vực bán đảo Crimea mà quân đội Nga đang kiểm soát, họ đã bố trí tới 5 khẩu đội tên lửa đất đối không S-400 cùng các hệ thống radar phòng không hiện đại. 

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chưa đầy một tháng gần đây, Ukraine đã phá huỷ 2 khẩu đội phòng không hiện đại S-400. Các chuyên gia quân sự nhấn mạnh rằng, mỗi lần Ukraine phá hủy một tổ hợp S-400 đều cho thấy sự yếu kém trong công tác phòng thủ của Hạm đội biển Đen tại khu vực cảng Sevastopol. 

Vụ tập kích đầu tiên diễn ra vào ngày 23/8, đã phá huỷ khẩu đội S-400 mà Nga bố trí ở khu vực Cape Tarkhankut trên bờ biển phía tây bắc của Bán đảo Crimea. Ngày 14/9 một khẩu đội S-400 khác cách thành phố Yevpatoriya gần 60 km về phía nam, cũng đã trở thành mục tiêu tiếp theo bị phá huỷ.

Vũ khí được sử dụng trong các cuộc tấn công trên được Ukraine cho biết, chính là tên lửa hành trình chống hạm phóng từ mặt đất R-360 Neptune phiên bản mới nhất, được sửa đổi để tập kích tổ hợp S-400 của Nga.

R-360 Neptune được Viện thiết kế Luch của Ukraine lần đầu công bố tại một triển lãm quốc phòng ở thủ đô Kiev năm 2014. Tên lửa Neptune cũng chính là vũ khí đã đánh chìm tàu tuần dương hạm Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen vào tháng 4/2022, đánh dấu thành công đầu tiên của vũ khí này.

Phiên bản đầu tiên của Neptune chỉ có tầm bắn 280 km và mang theo theo đầu đạn nặng150 kg. Tuy nhiên phiên bản sửa đổi tầm bắn tăng lên đến 400 km, mang theo đầu đạn nặng 350 kg.

Hình ảnh được cắt từ video cho thấy tổ hợp S-400 bị phá hủy.

Hình ảnh được cắt từ video cho thấy tổ hợp S-400 bị phá hủy.

“Ukraine mở đường cho phi đội F-16 trong tương lai”

Mục tiêu trước mắt của hải quân Ukraine trong việc tấn công vào những tổ hợp S-400, là nhằm dọn đường cho lực lượng không quân của họ tấn công vào Hạm đội biển Đen đang neo đậu tại Sevastopol do Nga kiểm soát.

Các vụ tấn công gần đây của Ukraine bằng tên lửa Neptune đã dẫn đến sự thiếu hụt các đơn vị S-400 được Nga bố trí bảo vệ cảng Sevastopol, nên khả năng bảo vệ của Hạm đội Biển Đen đã bị tổn hại đáng kể.

Vì sao S-400 thất bại trước R-360?

 

Hệ thống phòng không S-400 là một trong những vũ khí tiên tiến và có năng lực nhất trên thế giới, được thiết kế để chống lại nhiều mối đe dọa, bao gồm cả tên lửa hành trình như R-360 Neptune. 

Tuy nhiên, hiệu quả của các hệ thống phòng không dù tiên tiến hiện đại đến đâu cũng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như kịch bản giao chiến cụ thể, chiến thuật tấn công mà đối phương sử dụng và khả năng chống trả của tên lửa. Trường hợp tổ hợp phòng không S-400 thất bại trước R-360 Neptune, đã có một số lý do được giải thích như sau.

Lý do đầu tiên khiến S-400 thất bại có thể là các chiến thuật được Ukraine áp dụng. Tên lửa R-360 Neptune được biết có khả năng cơ động tốt ở độ cao thấp, vì vậy việc phát hiện và đánh chặn chúng cực kỳ khó khăn.

Một yếu tố khác có thể góp phần dẫn đến thất bại của S-400 đó là các biện pháp đối của R-360 Neptune. Tên lửa hành trình này sử dụng nhiều biện pháp khác nhau như gây nhiễu radar hoặc tung ra nhiều mồi bẫy để gây nhầm lẫn và né tránh các hệ thống phòng không của Nga.

Lý do tiếp theo có thể bắt nguồn từ những hạn chế cố hữu của chính hệ thống phòng không của Nga. Mặc dù S-400 rất hiện đại, nhưng chẳng có hệ thống phòng không nào là hoàn hảo tuyệt đối, luôn có những lỗ hổng hoặc điểm yếu tiềm ẩn có thể bị khai thác. Có thể thiết kế hoặc đặc điểm bí mật nào đó của R-360 Neptune đã đặt ra thách thức quá lớn, khiến cho radar và tên lửa S-400 không được tối ưu hóa để chống lại hiệu quả.

Tổ hợp tên lửa S-400.

Tổ hợp tên lửa S-400.

Tên lửa R-360 Neptune

Tên lửa hành trình R-360 Neptune của Ukraine là hệ thống tên lửa chống hạm hiện đại. Nó được thiết kế để tấn công các tàu mặt nước và các mục tiêu hải quân ở khoảng cách lên tới 280 km. Tên lửa này là bước tiến đáng kể trong khả năng phòng thủ của Ukraine và thể hiện một bước tiến lớn trong công nghệ tên lửa nội địa của nước này.

Tên lửa R-360 Neptune.

Tên lửa R-360 Neptune.

Tên lửa hành trình R-360 Neptune hoạt động bằng cách kết hợp dẫn đường quán tính và dẫn đường bằng radar chủ động. Nó được trang bị động cơ tên lửa nhiên liệu rắn cung cấp lực đẩy trong suốt chuyến bay. Hệ thống dẫn đường của tên lửa sử dụng các điểm định hướng được lập trình sẵn và cập nhật radar để điều hướng tới mục tiêu. Khi nó đến gần mục tiêu, radar tìm kiếm chủ động sẽ đảm nhận việc tiếp cận mục tiêu một cách chính xác.

Về vật liệu, tên lửa hành trình R-360 Neptune được chế tạo chủ yếu bằng vật liệu composite nhẹ và bền. Những vật liệu này mang lại tỷ lệ độ bền trên trọng lượng cao, cho phép tên lửa đạt được tầm bắn và khả năng cơ động cao hơn. Việc sử dụng vật liệu tổng hợp cũng giúp giảm tiết diện radar của tên lửa, khiến hệ thống radar đối phương khó phát hiện và theo dõi hơn.

Tên lửa hành trình R-360 Neptune được trang bị cảm biến và vũ khí tiên tiến để nâng cao hiệu quả tấn công. Tính năng tìm kiếm radar chủ động của tên lửa có thể phát hiện và theo dõi mục tiêu ngay cả trong điều kiện môi trường phức tạp.

Đầu đạn của tên lửa được thiết kế để xuyên thủng hệ thống phòng thủ của tàu hải quân hiện đại, đảm bảo gây sát thương tối đa khi va chạm. Ngoài ra, tên lửa có thể thực hiện các động tác lẩn tránh để chống lại các biện pháp đối phó của đối phương và tăng cơ hội tiếp cận mục tiêu thành công.

https://vtc.vn/chi-hon-20-ngay-nga-mat-40-he-thong-phong-thu-s-400-o-crimea-ar821676.html

Ngày đăng: 08:25 | 22/09/2023

LÊ HƯNG(Nguồn: Bulgarian Military) / LÊ HƯNG(Nguồn: Bulgarian Military)