Nội dung vừa được Chính phủ đưa ra trong báo cáo gửi Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ cho hay, tổng mức đầu tư của 11 dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam khoảng 102.500 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách 50.800 tỉ đồng, phần còn lại 51.702 tỉ đồng sẽ huy động từ tư nhân.

Bộ GTVT đã cơ bản hoàn thành công tác khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán về tiến độ lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án BOT cao tốc Bắc – Nam. Từ tháng 8/2019, công tác thẩm định thiết kế đã được thực hiện. Dự kiến trong tháng 10/2019, Bộ sẽ phê duyệt toàn bộ thiết kế kỹ thuật các gói thầu và phê duyệt dự toán khoảng tháng 11/2019.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt 8 khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 8 dự án.

Hiện nay, các địa phương đã được Bộ GTVT bàn giao toàn bộ cọc giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án thành phần, nguồn vốn bố trí cho công tác GPMB đã được chuyển về Kho bạc các địa phương.

Hội đồng GPMB cũng đã được các địa phương thành lập. Đơn vị tư vấn cũng đã được lựa chọn và đang triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm, lập phương án hỗ trợ, đền bù GPMB.

 Tổng mức đầu tư của 11 dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam khoảng 102.500 tỉ đồng. (Ảnh minh họa)

Sau khi hủy thầu quốc tế 8 dự án BOT cao tốc Bắc - Nam, ngày 10/10, Bộ GTVT đã tiến hành tổ chức sơ tuyển đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư trong nước thực hiện các dự án.

Bộ GTVT cho biết, thời gian tối thiểu để nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự sơ tuyển trong nước 30 ngày, dự kiến mở sơ tuyển nhà đầu tư vào tháng 11/2019. Theo quy định thời gian đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển khoảng 30 ngày, thẩm định, phê duyệt khoảng 40 ngày. Như vậy, trường hợp thuận lợi sẽ hoàn thành sơ tuyển nhà đầu tư trong nước làm cao tốc Bắc - Nam vào tháng 2/2020.

Bộ GTVT sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, theo quy định thời gian tối đa để thực hiện đấu thầu chọn nhà đầu tư 270 ngày, thời gian thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư 40 ngày, phê duyệt hồ sơ mời thầu 20 ngày, dự kiến phát hành hồ sơ mời thầu nhà đầu tư vào tháng 4/2020.

Nhà đầu tư có thời gian tối thiểu 60 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu, dự kiến đóng thầu vào tháng 6/2020, thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu khoảng 90 ngày, thẩm định, phê duyệt kết quả đấu thầu khoảng 50 ngày.

Trường hợp thuận lợi có thể hoàn thành công tác đấu thầu nhà đầu tư vào tháng 11/2020.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết sẽ chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị có giải pháp rút ngắn tối đa thời gian trong phạm vi pháp luật cho phép nhằm đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến vào cuối tháng 8/2020 sẽ chọn được nhà đầu tư làm 8 dự án BOT trên tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Báo cáo của Chính phủ về "Tình hình thực hiện dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gửi Quốc hội" do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể ký cũng nêu rõ, phương án triển khai chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, báo cáo nêu khá nhiều thông tin về quá trình sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư và những khó khăn dẫn đến việc ngày 14/9/2019 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế và chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. 

Về kế hoạch giải ngân vốn, Bộ trưởng Thể cho biết, tổng nguồn vốn đã bố trí theo nghị quyết của Quốc hội là 55.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 27.306 tỷ đồng để thực hiện toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng 11 dự án và xây dựng 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước. 27.694 tỷ đồng hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cho 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP để đảm bảo tính khả thi.

Năm 2018 đã giải ngân 142,141 tỷ đồng cho công tác chuẩn bị đầu tư. Năm 2019 tính đến tháng 9, toàn bộ các dự án thành phần đã giải ngân được 988,015 tỷ đồng. Năm 2020 dự kiến giải ngân khoảng 11.037 tỷ đồng.

Đối với số vốn còn lại khoảng 36.759 tỷ đồng, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng phương án xử lý, hiện nay Thủ tướng đang giao cho các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền phù hợp với quy định pháp luật và nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội.

Doanh nghiệp Việt xây cao tốc Bắc – Nam: Vốn ở đâu và làm sao tránh nạn ‘sân trước sân sau’?
Dự án cao tốc Bắc – Nam: Tổ chức đấu thầu một cách công khai, minh bạch
Đường sắt cao tốc Bắc – Nam: Chọn sai là có tội với dân, với nước

Ngày đăng: 16:20 | 14/10/2019

/ vtc.vn