Phụ huynh Trường tiểu học Hàm Rồng ( thành phố Thanh Hóa - Thanh Hóa) vô cùng choáng váng trước loạt khoản thu gần 10 triệu đồng.
Tình trạng lạm thu đầu năm học lại tái diễn ở một số cơ sở trường học như một căn bệnh mãn tính trong ngành giáo dục.
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quán triệt, ban hành những văn bản chỉ đạo nhưng nhiều đơn vị vẫn đưa ra hàng loạt khoản thu khiến các phụ huynh cũng phải giật mình.
Đa số những khoản thu đều núp dưới tên gọi “tự nguyện, thỏa thuận” hay “xã hội hóa”.
Mới đây, phụ huynh tại Trường tiểu học Hàm Rồng đã phản ánh đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về tình trạng được cho là lạm thu của nhà trường với số tiền lên tới gần 10 triệu đồng/học sinh.
Trường Tiểu học Hàm Rồng, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa - Thanh Hóa (ảnh Bạch Mã)
Theo như danh sách các khoản thu mà phụ huynh cung cấp cho phóng viên, những khoản thu lên đến gần 20 khoản. Cụ thể bao gồm các khoản như sau:
Bảo hiểm y tế 941 nghìn đồng/học sinh; Qũy hội cha mẹ học sinh 200 nghìn đồng; Qũy khuyến học 62 nghìn đồng; Qũy đội 25 nghìn đồng; Qũy kế hoạch nhỏ 9 nghìn đồng;
Qũy chữ thập đỏ 10 nghìn đồng; Bảo hiểm thân thể 60 nghìn đồng; Nước uống 90 nghìn đồng; Vệ sinh 150 nghìn đồng; Mua đồ dùng học tập 20 nghìn đồng;
Tiền ăn bán trú 162 nghìn đồng x 9 tháng = 4.158 nghìn đồng; Phục vụ bán trú 170 nghìn x 9 tháng = 1.530 nghìn đồng; Xã hội hóa giáo dục 400 nghìn đồng; Mua máy tính 100 nghìn đồng; Thu học tiết 8 là 100 nghìn đồng x 9 tháng = 900 nghìn đồng;
Các khoản thu mà giáo viên Trường tiểu học Hàm Rồng phổ biến cho các phụ huynh đầu năm học 2017-2018 (ảnh Bạch Mã)
Học tiếng anh 50 nghìn đồng x 9 tháng = 450 nghìn đồng; Kỹ năng sống 50 nghìn đồng x 9 tháng = 450 nghìn đồng; Tin nhắn điện tử 90 nghìn đồng; Học thêm đầu năm học 200 nghìn đồng.
“Nhà trường vẫn công bố các khoản thu như vậy sau khi chúng tôi phản ánh đến lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa.
Vừa rồi gia đình tôi đã phải nộp cho cháu lớp lớn, còn cháu lớp 1, cháu lớp 2 thì chưa nộp.
Những khoản như xã hội hóa giáo dục, mua máy tính, học tiếng anh, kỹ năng sống, học thêm tiết 8, học thêm đầu năm, tiền vệ sinh, những khoản này theo tôi có bắt buộc phụ huynh đóng đâu.
Nhưng không đóng thì không được, nhà trường cứ nói là tự nguyện nhưng không đóng tiền thì đâu có được.
hường thì các thầy, cô giáo đến lớp là nhắc các em học sinh, sau đó các em về lại nói với phụ huynh chúng tôi.
Tôi bức xúc nhất là học môn tiếng anh và kỹ năng sống, nhà trường sắp xếp những buổi học rất phức tạp cho phụ huynh, nếu như không cho con em học thì các cô ấy bảo đến giờ các môn đó các phụ huynh tự đi đón con về, rồi hết giờ học đó thì đưa con lên để học môn khác tiếp.
Chúng tôi thấy cô giáo mà nói như vậy khiến phụ huynh chúng tôi rất ức chế và bức xúc. Như thế thì mang nặng tính chất bắt buộc các phụ huynh phải cho con em đi học", phụ huynh N.M.H cho biết.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng phản ứng về việc trường tiểu học Hàm Rồng tổ chức dạy cho các học sinh trước năm học nhưng không tiến hành họp phụ huynh, phổ biến việc học thêm có thu tiền. Tuy nhiên khi bước vào năm học, các buổi học trước đó nhà trường lại thu tiền.
"Tôi nhận thấy số tiền như học thêm 200 nghìn đồng đầu năm, đáng lẽ trước khi học ôn kiến thức cho các em 10 buổi thì nhà trường phải họp lấy ý kiến của phụ huynh là có nên cho con em đi học hay không?
Đùng một cái, ngày 25/8 nhà trường có nhắn tin về cho phụ huynh là đưa con em tới trường, sau đó nhà trường tổ chức học thêm nửa buổi, từ ngày hôm đó cho đến ngày khai giảng là khoảng 10 buổi.
Đến khi thu tiền đầu năm thì nhà trường tổ chức thu tiền số buổi học thêm này, khi đó các phụ huynh mới biết là phải đóng tiền học thêm trước khi vào năm học", phụ huynh H. cho biết thêm.
Về khoản tiền ăn bán trú, phía phụ huynh cho rằng quá cao.
"Một khoản tiền nữa là suất ăn của các em là hơn 30 nghìn đồng/bữa ăn. Số tiền này cũng khá cao, nhưng không biết suất ăn có được đảm bảo?.
Bình thường chúng ta ăn ở ngoài quán cũng chỉ khoảng 20 đến 25 nghìn đồng/suất", phụ huynh H. nói.
Giải thích về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hàm Rồng cho biết, nhà trường đã làm đúng theo quy định và không có gì cần phải kiểm tra.
“Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã trao đổi với chúng tôi, cũng không có gì phải kiểm tra cả, vì lãnh đạo phòng cũng nắm rất rõ về các khoản thu mà chúng tôi đưa ra.
Có gì đâu mà phải kiểm tra lại, vì chúng tôi cũng chưa nhận được phản ánh gì của phụ huynh.
Nhà trường đang thực hiện các khoản thu đúng theo quy định.
Khi nhà trường triển khai thu thì không có mức bình quân xã hội hóa, nhưng căn cứ vào nhu cầu thực tế, và nhu cầu xây dựng của nhà trường trong năm nay thì nhà trường mới vận động phụ huynh, học sinh tham gia xã hội hóa giáo dục.
Số tiền đó từ 50 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng đối với khối lớp 2,3,4, 5 và từ 50 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng đối với lớp khối lớp 1.
Chúng tôi đưa ra mức vận động như thế và việc tự nguyện đóng góp là của phụ huynh, học sinh. Về phía nhà trường thì không có vấn đề cào bằng hay bình quân hóa đâu.
Mức đó nhà trường chỉ đưa ra để thảo luận thôi", ông Tuấn cho biết.
Liên quan đến việc trên, ông Tạ Hồng Lựu, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa cho biết, đơn vị sẽ cho kiểm tra lại các khoản thu tại Trường Tiểu học Hàm Rồng.
Còn bao nhiêu Hiệu trưởng có nguy cơ vướng vòng lao lý?
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhận định: "Nơi nào lạm thu, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm, đừng núp bóng phụ huynh, cũng đừng núp ... |
Thu hàng tỷ đồng của học sinh sai quy định, hiệu trưởng bị khởi tố, bắt giam
Thông tin từ Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) cho biết ngày 10/10, cơ quan công an tỉnh Hưng Yên đã khởi ... |
Học sinh phải đóng tiền xây dựng nông thôn mới, huy động hay \'bóp nặn\'?
Với mức thu 400.000 đồng/học sinh này, với trên 2.000 học sinh, xã dự tính sẽ huy động được ngót 1 tỷ đồng nữa... |
http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Chi-chit-khoan-thu-o-truong-Ham-Rong-phu-huynh-choang-vang-nop-10-trieu-dong-post180679.gd
Ngày đăng: 10:56 | 26/10/2017
/ Theo Giáo dục Việt Nam