Quốc hội khóa XV đã quyết định sử dụng 347.000 tỷ đồng (khoảng 15 tỷ USD) trong 2 năm 2022-2023 để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau COVID-19.

Tại Diễn Kinh tế- Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã quyết định sử dụng 347.000 tỷ đồng (khoảng 15 tỷ USD) trong 2 năm 2022-2023 để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.

Đây là Nghị quyết thể chế hóa Kết luận của Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương khóa XIII. Cùng với việc thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV hỗ trợ tích cực, thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội không chỉ trong năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định chính nhờ các quyết sách đúng đắn, kịp thời của Trung ương, Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục ổn định và đạt được những kết quả rất tích cực, quan trọng.

12
Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau khi giảm sâu nhất trong quý III/2021 (âm 6,02%), kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP, tăng trưởng từng bước phục hồi từ quý IV/2021 và phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm 2022 đến nay.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng: dịch bệnh được kiểm soát; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt; hoạt động bán lẻ phục hồi mạnh; xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực, cán cân thương mại xuất siêu gần 4 tỷ USD; giải ngân FDI khả quan; thu ngân sách đạt khá nhờ kinh tế phục hồi; lạm phát thấp, lãi suất, tỷ giá chịu áp lực tăng song vẫn trong tầm kiểm soát; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân tiếp tục phục hồi.

Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB... dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ 6,7-7,5%, lạm phát dưới 4%. Mới đây, trong tháng 8/2022, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 8,5% năm 2022, mức cao nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 6/9/2022, tổ chức này nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định.

Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.

Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn; việc giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô mà nói rộng hơn là nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội còn rất nhiều thách thức, như: Rủi ro, thách thức do suy giảm kinh tế, bất ổn tài chính trên thế giới. Một số cấu phần của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội triển khai còn chậm, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ. Giải ngân đầu tư công còn chậm và vẫn là điểm nghẽn, đến hết tháng 8 mới chỉ đạt 39,2%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021. Lạm phát tăng chậm lại song vẫn duy trì ở mức cao và áp lực tăng trở lại khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Nợ xấu tiềm ẩn, xử lý các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại hệ thống tài chính - ngân hàng còn nhiều thách thức, khó khăn; thị trường tiền tệ, chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp...), thị trường bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro, phát triển thiếu lành mạnh, bền vững.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu, nhất là do kinh tế nước ta có độ mở rất lớn và tình hình thế giới, khu vực luôn có biến động bất thường, khó dự báo. Bài học thực tiễn qua hơn 35 năm đổi mới, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, thử thách khắc nghiệt như trong 2 năm qua có thể nói rằng bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố “ bất biến’’ để ứng với “ vạn biến’’ của tình hình kinh tế quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về: phân tích, đánh giá, làm rõ thực trạng, bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ khu vực, thế giới; dự báo xu hướng trung hạn, dài hạn; đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng kinh tế - xã hội, nhất là tình hình kinh tế vĩ mô, năng lực chống chịu của nền kinh tế Việt Nam; tình hình triển khai và kết quả thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/NQ/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ; kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam trong củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường năng lực chống chịu và tự cường của nền kinh tế, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong năm 2023 và định hướng cho cả nhiệm kỳ 2021-2025.

Ngày đăng: 13:43 | 18/09/2022

Phạm Duy / VTC News