Việc dự chi 104 tỉ đồng cho công tác tổ chức sự kiện kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa là quá phù phiếm, lãng phí, không cần thiết- đó là nhận định của nhiều chuyên gia.
Để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa, Sở VH-TT-DL tỉnh này đã có tờ trình khái toán kinh phí cho hoạt động này với số tiền lên tới hơn 104 tỉ đồng, chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Các hoạt động sẽ được tổ chức là: tổ chức kỷ niệm 600 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, tưởng niệm 585 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và Lễ hội Lam Kinh năm 2018 (chi khoảng 8 tỉ đồng, 5 tỉ đồng từ ngân sách); tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về Thanh Hóa, in nhân bản đĩa CD, DVD các ca khúc viết về Thanh Hóa (khoảng 4,5 tỉ đồng); tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa năm 2019 (dự chi hơn 23 tỉ đồng, hơn 17 tỉ đồng từ ngân sách)...
Rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã lên tiếng về thông tin này. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Trọng Hiền, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, việc chi 104 tỉ đồng cho công tác tổ chức sự kiện kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa là quá phù phiếm. Theo ông, đời sống của người dân Thanh Hóa còn rất nghèo mà chính quyền lại có kế hoạch dùng quá nhiều tiền vào những lễ lạt văn hóa như thế là quá lãng phí.
“Từng đó tiền có thể xây bao nhiêu trường học, trạm xá, cây cầu để giúp trẻ em đến trường, đời sống người dân tốt hơn. Cần đặt ra câu hỏi về việc, sự kiện văn hóa kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa có ý nghĩa đến đâu đối với nền kinh tế và sự phát triển của địa phương này?”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền
Ông khẳng định thêm, tất cả những lễ lạt kỷ niệm phải căn cứ vào đời sống vật chất và tinh thần của người dân. “Khi có một mức sống cao thì người ta mới nghĩ đến đời sống tinh thần phong phú. Người Việt vẫn có câu “phú quý sinh lễ nghĩa”. Xét về mặt lễ hội, nếu đời sống cao thì nên phát triển các lễ nghĩa. Có phú quý thì mới sinh lễ nghĩa. Ông bà ta đã đúc kết như vậy.
Nhưng khi đời sống người dân còn nghèo, y tế còn kém, lễ lạt như thế là bày đặt, phù phiếm, hoang phí tiền bạc của người dân”, chuyên gia văn hóa phân tích.
Cũng bàn về vấn đề này, PGS Trần Lâm Biền đặt câu hỏi về việc số tiền 104 tỉ đồng sẽ được sử dụng như thế nào cho một sự kiện như lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa.
“Không biết đến mốc thời gian 1.000 năm (như 1.000 năm Thăng Long mà Hà Nội từng tổ chức), họ sẽ còn chi ngân sách bao nhiêu tỉ đồng. Không thể tưởng tượng được.
Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền
Bỏ ra 104 tỉ đồng trong hoàn cảnh kinh tế đất nước hiện tại chỉ để tổ chức một sự kiện văn hóa tại một địa phương như sự kiện 990 danh xưng Thanh Hóa hay bất kỳ một sự kiện nào tương tự cũng là quá phung phí. Những người thực hiện đề án hay nghĩ ra mức kinh phí này thực sự là quá phóng tay”, PGS Lâm Biền nhấn mạnh.
GS Nguyễn Chí Bền, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: “Nếu đây là ý tưởng của một cá nhân thì không có vấn đề gì, vì mỗi người đều có quyền đưa ra quan điểm của mình. Nhưng khi đã là ý tưởng của một cơ quan công quyền thì cần phải cân nhắc và có trách nhiệm. 990 năm hay bao nhiêu năm cho một danh xưng cũng chỉ là một cột mốc nhỏ trong tiến trình lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Nên việc bỏ ra hàng trăm tỉ đồng chỉ để dựng lên một lễ hội kỷ niệm danh xưng, thực sự không giải quyết được vấn đề gì".
GS Nguyễn Chí Bền
"Đặt trong tương quan giữa thu và chi ngân sách, sẽ thấy mức chi này là quá lớn. Hơn nữa, Thanh Hóa không phải là địa phương giàu. Thiên tai, lũ lụt hàng năm khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Chỉ riêng việc lấy tiền thuế của người dân để làm việc đó đã là không được. Chưa kể hiệu quả đến đâu, có tác dụng gì đến sự phát triển của kinh tế địa phương đó hay chỉ đơn giản là nhắc lại một kỷ niệm nào đó\', GS Bền phân tích.
GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam cũng bày tỏ thái độ phản đối. Ông nhấn mạnh: “Thật lãng phí và hồ đồ khi bỏ ra một số tiền lớn đến thế chỉ để tổ chức một lễ hội kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa. Dù một phần nguồn kinh phí được xã hội hóa nhưng một phần trích từ ngân sách, tiền thuế của người dân thì không thể tùy tiện sử dụng như thế".
GS Ngô Đức Thịnh
"104 tỉ đồng để tổ chức lễ hội văn hóa, ai nghe cũng thấy vô lý, bất cập rồi. Người dân mình còn nghèo, học sinh miền núi còn không đủ cơm để ăn, áo ấm để mặc thì danh xưng này kia để làm gì?", GS Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh.
Về phía Bộ VHTTDL, ông Nguyễn Thái Bình- Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của bộ cũng có ý kiến: "Đây là hoạt động thuộc thẩm quyền của địa phương, tuy nhiên cũng là một vấn đề dư luận quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên Bộ đã có trao đổi nhanh với đại diện chính quyền địa phương. Theo ý kiến của đại diện chính quyền địa phương, hiện nay, chưa có quyết định cụ thể của Tỉnh về kinh phí tổ chức. Thực tế cho thấy để đưa đến quyết định cuối cùng về các nội dung như trên, các địa phương, cơ quan phải có sự trao đổi, bàn bạc, thống nhất trong tập thể lãnh đạo và đặc biệt là cần tạo được sự đồng thuận của người dân địa phương.
Đối với việc tổ chức lễ kỷ niệm, các địa phương phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về tổ chức lễ kỷ niệm, trong đó có Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/2/2017 về chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, đồng thời căn cứ thực tế tình hình của địa phương, của vùng để xác định quy mô và nội dung phù hợp để lễ kỷ niệm thực sự là hoạt động có ý nghĩa giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào và là động lực phát triển kinh tế-xã hội đối với đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương".
Xin chi 104 tỷ kỷ niệm danh xưng: Không cần thiết!
Trong khi Thanh Hóa còn nghèo, người dân còn đang gặp nhiều khó khăn thì việc muốn chi 104 tỷ để kỷ niệm danh xưng ... |
Dự chi 104 tỷ đồng cho kỷ niệm danh xưng Thanh Hóa: Lãnh đạo tỉnh lên tiếng
Người phát ngôn UBND tỉnh Thanh Hoá lên tiếng trước thông tin đề xuất chi hơn 100 tỷ đồng cho lễ kỷ niệm 990 năm ... |
Ngày đăng: 15:00 | 30/06/2018
/ http://danviet.vn