Trước tình trạng nông sản ùn tắc ở cửa khẩu những ngày qua, chuyên gia cho rằng có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, trong đó một phần lỗi do doanh nghiệp và cuối cùng người nông dân lại gánh hậu quả khi giá nông sản giảm mạnh.

Doanh nghiệp chậm thay đổi, làm ăn không nghiêm túc

Mới đây, tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) lại xuất hiện tình trạng xe container chở nông sản xuất sang Trung Quốc ùn tắc, xếp hàng dài chờ thông quan. Có thời điểm, lượng xe tắc tại cửa khẩu lên tới hơn 500 xe container, tức hàng ngàn tấn nông sản.

Các cơ quan Trung ương, địa phương đã phải đồng loạt vào cuộc tìm cách giải quyết tình trạng trên. Thậm chí còn phải đàm phán với Trung Quốc kéo dài thời gian thông quan hàng hóa.

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thanh long đang vào vụ thu hoạch rộ, lượng xe chở mặt hàng này lên cửa khẩu xuất sang Trung Quốc tăng đột biến. Trong khi đó, phía hải quan Trung Quốc lại thay đổi phương thức kiểm tra thông quan nên dẫn tới việc ùn tắc.

Nhiều chuyên gia cho biết, do doanh nghiệp không làm ăn nghiêm túc, bao bì in một đằng, giấy tờ làm một nẻo là nguyên nhân khiến Trung Quốc thay đổi phương thức kiểm tra thông quan

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đợt đi kiểm tra, giám sát vừa rồi với mặt hàng thanh long cho thấy, Trung Quốc đang tiến tới tiệm cận quy định của các nước tiên tiến. Tất nhiên, việc họ thông báo cho ta và ta thông báo cho khu vực sản xuất và nhà xuất khẩu phải xem xét lại, hai bên cùng trao đổi rút kinh nghiệm để chủ động hơn.

Hiện nay, Trung Quốc đưa ra ngày càng nhiều các tiêu chí về chất lượng, quy chuẩn, tiêu chuẩn rất chặt chẽ và khắt khe về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Nếu đảm bảo hai yếu tố đó thì họ mới nhập hàng. Cách đây hơn 1 năm, phía Trung Quốc đã cảnh báo về điều này nhưng sự bắt nhịp, chuyển biến của các doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được yêu cầu.

Liên quan đến thông tin hàng trăm xe chở thanh long, chôm chôm,... của Việt Nam bị tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn những ngày qua, ông Ðặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó vấn đề đảm bảo truy xuất nguồn gốc chưa tốt.

“Ngoài ra còn có trục trặc về giấy tờ. Bao bì in một đằng, giấy tờ khai đánh máy một nẻo, kiểm dịch hải quan Trung Quốc phát hiện sai sót nên tăng cường kiểm tra, kiểm soát,... dẫn đến chậm thông quan”, ông Nguyên nói.

Trong khi đó, trên Tiền Phong, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn Nguyễn Quốc Hải cho hay, việc Trung Quốc siết các quy định quản lý về nhập khẩu không phải là chuyện mới. Mọi thông báo về chính sách đã được đưa ra trước đó, các bộ ngành, cơ quan quản lý đã có cảnh báo về việc này nhiều lần. Các doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu không cập nhật chính sách.

Theo ông Hải, việc Trung Quốc đưa ra biện pháp siết chặt quản lý cũng là do tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi làm ăn không nghiêm túc. Thực tế, có trường hợp Trung Quốc phát hiện doanh nghiệp Việt khai hàng hóa trong container không giống trong tờ khai. Sự việc lặp lại nhiều, sau đó phía bạn mới thay đổi cách kiểm tra, kiểm tra cả cabin xe. 

Những sự việc như vậy khiến Hải quan Trung Quốc siết lại việc kiểm tra nên dù Việt Nam tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhưng rất khó để có thể quay lại việc kiểm tra thông thoáng như trước đây, ông Hải chia sẻ.

Xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó do xe hàng ùn tắc ở cửa khẩu nên giá thanh long ở Tiền Giang giảm mạnh

Nông dân lãnh hậu quả

Sau 10 ngày, tình trạng xe chở nông sản xuất khẩu ùn tắc tại cửa khẩu đã chấm dứt nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng. Song, sau sự cố này, người nông dân lại là người thiệt hại nhiều nhất.

VOV đưa tin, mấy ngày gần đây, tại Tiền Giang thanh long giảm giá mạnh, người trồng thanh long lao đao. Cụ thể, với thanh long ruột trắng (loại tốt) giá giảm chỉ ở còn từ 7.000-10.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ chưa đến 15.000 đồng/kg, giảm hơn 5.000 đồng/kg so tuần trước. Với trái thanh long “quá lứa”, bị khuyết tật chỉ 2.000-3.000 đồng/kg, rất khó tiêu thụ.

Các doanh nghiệp thu mua thanh long cho biết, mặt hàng này rớt giá là do thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc đang gặp khó khăn, nhất là nhiều phương tiện chưa qua được cửa khẩu dẫn đến "dội hàng".

Trong khi đó, với diện tích vườn thanh long được các Tổ hợp tác, HTX bao tiêu để xuất sang các thị trường khó tính thì giá vẫn ở mức cao. 

Theo ông Huỳnh Hồng Ưng, một nhà vườn trồng thanh long ở xã Quơn Long (Chợ Gạo, Tiền Giang), thanh long Việt Nam vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc nên khi gặp khó là giá sản phẩm giảm mạnh.

Tại Bình Thuận, một số nhà vườn trồng thanh long cũng cho biết, vài ngày nay dù rao bán với giá 7.000-10.000 đồng/kg hàng loại 1 nhưng vẫn chưa có khách mua. Nguyên nhân cũng là bởi lượng hàng cũ khách hàng vẫn chưa tiêu thụ hết nên thương lái tạm thời ngưng mua.

Nông dân vớt rươi, thu hàng chục triệu mỗi đêm
Nhiều nông dân tiêu biểu ở Huế thu cả tỷ đồng mỗi năm
Giá mít tăng cao, nông dân Tiền Giang trồng ồ ạt, bất chấp khuyến cáo

Ngày đăng: 09:09 | 26/10/2019

/ vietnamnet.vn