Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 trong những toa tàu không còn một chỗ trống trên tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông.

Hai ngày đầu chính thức đi vào vận hành, hình ảnh ấn tượng của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông là dòng người chen chúc giữa lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để trải nghiệm tàu điện trên cao sau hơn một thập kỷ chờ đợi.

Trong ngày đầu lăn bánh, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã thực hiện 109 lượt chạy tàu phục vụ 25.680 hành khách đi tàu. Ngày thứ 2 vận hành, bên trong các toa tàu cũng là cảnh tượng không còn một chỗ trống.

Chen chân trải nghiệm tàu Cát Linh-Hà Đông: Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh - 1
Toa tàu điện trên cao tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông không còn một chỗ trống. (Ảnh: Nguyễn Hà)

Mặc dù tại sân ga luôn có loa tuyên truyền về phòng, chống dịch, yêu cầu hành khách tuân thủ 5K, nhưng không cản được dòng người “tò mò, háo hức trải nghiệm” phương tiện mới. Theo quan sát, lượng người tới ga đông, nên khâu khai báo y tế bị “lãng quên” ngoại trừ việc đo thân nhiệt và sát khuẩn tay được thực hiện ngoài cổng ra vào.

Dù tất cả hành khách đi tàu đều đeo khẩu trang song không thể đáp ứng về việc giữ khoảng cách. Theo đó, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong không gian kín. Nhất là khi số ca mắc mới COVID-19 tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng tăng, với nhiều ca mới được phát hiện trong cộng đồng.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, nhiều hoạt động được nới lỏng để trở về trạng thái bình thường mới. Trong đó, nhiều hoạt động đi lại được nới lỏng cũng sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh qua giao tiếp giữa người với người, giữa người nhiễm virus với người lành.

Người nhiễm ở đây có thể là ca mắc đang “lẩn khuất âm thầm trong cộng đồng”, đặc biệt, là người về từ vùng dịch, nơi vừa qua có tỷ lệ nhiễm cao và dịch bùng phát.

Ông Phu nhận định, trong tuần qua, tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội đã có những diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch mới và nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, người dân tại Hà Nội vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó gồm phòng bệnh trên các phương tiện giao thông công cộng.

“Thực tế hiện nay, mầm bệnh đã ngấm sâu vào cộng đồng, do vậy, sẽ không thể biết ai là F0, thậm chí bản thân chúng ta cũng là F0 mà không hay biết, bởi nhiều trường hợp mắc COVID-19 không hề có triệu chứng. Ngành giao thông vận tải của Hà Nội cũng đã có những quy định phòng, chống dịch trên các phương tiện giao thông công cộng. Trên toa tàu cũng giống như trên xe buýt đều là không gian kín và dễ lây nhiễm dịch bệnh”, ông Phu nói.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng cho rằng, trong những ngày qua, nhiều người dân không thực hiện nghiêm túc các quy tắc phòng, chống dịch. Do vậy, nếu có một trường hợp F0 trên một toa tàu thì nguy cơ lây lan và bùng phát dịch là rất cao.

Chen chân trải nghiệm tàu Cát Linh-Hà Đông: Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh - 2
Hành khách đo thân nhiệt ở cổng vào của ga.

Với những người muốn trải nghiệm tàu điện trên cao thì tôi khuyên rằng, không nên đi vào các giờ cao điểm hoặc không nên đi vào thời điểm này, để ưu tiên cho những người đi làm. Đặc biệt, là người già và người có bệnh nền cũng không nên đi tàu vào thời điểm đông người, bởi những trường hợp này và những người chưa tiêm vaccine nếu mắc COVID-19 thường sẽ trở nặng, phải nhập viện và có nguy cơ tử vong”, ông Phu khuyến cáo.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định 1839, ban hành hướng dẫn tạm thời tổ chức hoạt động vận tải đường sắt thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Trong đó, điều kiện đầu tiên đối với hành khách tham gia giao thông vận tải đường sắt là tuân thủ “Thông điệp 5K” và khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế.

Với Hà Nội, trong Kế hoạch số 243/KH-UBND về thực hiện quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” cũng đã quy định, người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, người đi theo phương tiện, hành khách: Tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế, quét mã QR theo quy định; Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn trên phương tiện giao thông của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế.

Đối với cảng hàng không, bến xe, bến tàu, ga đường sắt, các trạm dừng nghỉ: Xây dựng và triển khai phương án, kế hoạch đón, trả hành khách bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19; Bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR.

Đối với hoạt động vân tải đường sắt tất cả các cá nhân, cơ quan, đơn vị thực hiện theo Quyết định số 1839/QĐ-BGTVT ngày 20/10/2021 của Bộ Giao thông vận tải Ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải đường sắt thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

THIÊN BÌNH

Ảnh: Hành khách trải nghiệm tàu Cát Linh-Hà Đông Ảnh: Hành khách trải nghiệm tàu Cát Linh-Hà Đông
Đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông sẵn sàng đón khách Đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông sẵn sàng đón khách
Giá vé tàu đường sắt Cát Linh-Hà Đông 30.000đ/ngày, không hạn chế lượt đi Giá vé tàu đường sắt Cát Linh-Hà Đông 30.000đ/ngày, không hạn chế lượt đi

Ngày đăng: 08:48 | 08/11/2021

/ vtc.vn