Từ đầu tháng 2-2024, ngành Thể thao đã thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với 89 HLV, VĐV đã giành vé hoặc đang trong hành trình giành vé dự Olympic 2024. Giải pháp này dù cần thiết nhưng so với yêu cầu của thể thao đỉnh cao thì vẫn chưa đủ để giúp VĐV phát huy tốt nhất năng lực của mình.
Đến hẹn lại áp dụng
Thực tế, việc áp dụng chế độ đặc thù trên cũng không phải mới. Từ khoảng 3 năm gần đây, ít tháng trước mỗi kỳ cao điểm chuẩn bị Olympic hay các Đại hội thể thao quốc tế quan trọng khác, thể thao Việt Nam lại áp dụng chế độ dinh dưỡng đặc thù cho những HLV, VĐV trọng điểm theo mức chi được đề cập ở Thông tư 86/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành năm 2020.
Thông tư này đã quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với HLV và VĐV thể thao thành tích cao. Theo đó, các HLV, VĐV được hưởng chế độ dinh dưỡng là 320.000 đồng/ người/ ngày khi tập trung tại đội tuyển quốc gia. Mức chi chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với HLV, VĐV được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia để chuẩn bị tham dự SEA Games, ASIAD và Olympic là 480.000 đồng/người/ngày trong thời gian không quá 90 ngày. Đối với HLV, VĐV được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia và có khả năng giành HCV tại ASIAD, Olympic trẻ, đạt chuẩn tham dự Olympic sẽ được hưởng chế độ dinh dưỡng 640.000 đồng/người/ngày.
Hiện tại, mức chi dinh dưỡng 640.000 đồng/người/ngày đang là mức cao nhất từ nguồn ngân sách áp dụng trong ngành thể thao, dành cho những HLV, VĐV thuộc diện trọng điểm và ưu tú nhất.
Tất nhiên khi đi vào thực tế, việc áp dụng chế độ này đương nhiên sẽ chiếm một phần đáng kể trong kinh phí phân bổ cho ngành thể thao. Nhưng tất cả đều coi đó là việc đương nhiên nhằm có thể chăm sóc, đầu tư tốt nhất trong mức có thể cho VĐV. Và như các HLV, VĐV, chuyên gia thể thao từng nhiều lần bộc lộ thì sẽ là tốt nhất nếu được áp dụng chế độ này trong cả năm.
Tuy vậy, ai cũng hiểu rằng với nguồn kinh phí được phân bổ khoảng hơn 700 tỷ đồng (mức dành cho năm 2023, cũng là mức cao nhất từ trước cho đến năm 2023) thì ngành phải đặt ra thời điểm áp dụng cụ thể để phù hợp với tình hình thực tế. Bởi bên cạnh việc áp dụng chế độ dinh dưỡng đặc thù cho các HLV, VĐV trọng điểm, ngành thể thao còn phải chi nhiều khoản, từ tiền công, tiền ăn, tập huấn, thi đấu, thuê chuyên gia, y tế…
Cũng vì thế, trong kế hoạch hoạt động của năm 2024, phải đến đầu tháng 2-2024, chế độ dinh dưỡng 640.000 đồng/ người/ ngày mới được áp dụng cho 89 HLV, VĐV sẽ thi đấu chính thức tại Olympic Paris (Pháp) năm 2024 cũng như chuẩn bị cho các vòng loại Olympic 2024 ở các môn gồm: bơi, xe đạp, bắn súng, cầu lông, cử tạ, canoeing, rowing, taekwondo, judo, bắn cung, điền kinh, thể dục dụng cụ, boxing, bóng bàn. Đây là những môn đã có VĐV giành vé dự Olympic 2024 (bắn súng, bơi, xe đạp) hoặc đang có cơ hội giành vé chính thức dự Olympic 2024.
Theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các VĐV và các HLV đang huấn luyện các VĐV giành vé dự Olympic 2024 hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù trên từ ngày 1-2-2024 đến ngày tham dự của từng môn tại Olympic 2024. Trong khi đó, HLV, VĐV các môn khác trong danh sách hưởng chế độ từ ngày 1-2-2024 đến ngày hoàn thành vòng loại Olympic 2024 các môn (riêng 2 tay vợt đội tuyển bóng bàn quốc gia là Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Khoa Diệu Khánh hưởng chế độ này từ ngày 22-2 do trước đó chỉ tập huấn tại địa phương).
Trong danh sách trên, có khoảng 30 gương mặt được dự báo tiệm cận gần nhất với trình độ có thể tranh vé chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Và đến lúc này, như Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho hay thì thể thao Việt Nam vẫn đang hướng tới mục tiêu giành tối thiểu 12 suất chính thức dự Olympic 2024.
Cần thêm “đặc thù”
Dù chế độ dinh dưỡng quan trọng nhưng rõ ràng, vẫn cần đến các yếu tố cơ bản khác trong quy trình đầu tư, huấn luyện VĐV cũng như quá trình tập luyện của VĐV như thi đấu quốc tế liên tục đến việc chăm sóc y tế, dinh dưỡng cho các VĐV. Trong vài năm gần đây việc thi đấu quốc tế của các VĐV trọng điểm đã được cải thiện đáng kể. Trong đó, các bộ môn thuộc Cục TDTT cũng như các Liên đoàn thể thao quốc gia, các đơn vị chủ quản của VĐV dồn kinh phí để VĐV được thi đấu quốc tế tối đa.
Tất nhiên, việc này chỉ đáp ứng được nhu cầu thi đấu quốc tế nhằm nâng cao trình độ, tích điểm trên bảng xếp hạng thế giới của 1-2 VĐV thuộc mỗi bộ môn. Và hiệu quả cũng rõ nét ở các môn bắn súng, cầu lông... Trong khi đó, mỗi môn cần có ít nhất 6-8 VĐV thường xuyên thi đấu quốc tế nhằm mang đến nhiều cơ hội tranh HCV ASIAD hay tranh vé dự Olympic. Tuy vậy, nguồn kinh phí để trang trải cho việc thi đấu quốc tế cho số VĐV trên dường như quá sức với nhiều bộ môn của Cục TDTT, Liên đoàn thể thao quốc gia hay các đơn vị chủ quản.
Ngay như đội tuyển bóng bàn quốc gia chuẩn bị cho vòng loại Olympic 2024 cũng chỉ có thể tập huấn khoảng hơn 3 tuần tại Nam Ninh (Trung Quốc) do nguồn kinh phí được phân bổ cho bộ môn bóng bàn (Cục TDTT) có hạn. Ngay cả kinh phí để di chuyển từ nơi ở đến địa điểm thi đấu giải trong thời gian tập huấn giờ cũng là vấn đề với người trong cuộc.
Ở góc khác, việc có đội ngũ chuyên gia y tế đồng hành liên tục với các VĐV trọng điểm để lo việc hồi phục, điều trị chấn thương, nâng cao thể lực… từ khi tập trung tập huấn cho đến khi thi đấu vẫn luôn là vấn đề nan giải với các đội tuyển quốc gia. Điều này đến ngay từ danh sách tập trung các đội tuyển quốc gia khi theo quy định, không có hạng mục liên quan đến bác sĩ, chuyên gia y tế, hồi phục, dinh dưỡng cho mỗi đội tuyển. Bởi chỉ riêng việc có chuyên gia dinh dưỡng cũng là điều đã được đề cập nhiều năm nay.
Tất cả người trong cuộc đều hiểu, mỗi môn có đặc thù riêng nên phải có chế độ dinh dưỡng riêng nhưng hiện tại, chuyên gia dinh dưỡng cho từng môn vẫn là điều xa xỉ với hầu hết các đội tuyển quốc gia. Đến việc khác cũng cần thiết, có thể áp dụng ngay là chuyên gia hồi phục cho riêng các VĐV trọng điểm cũng chưa thể thực hiện thì khó nói đến chuyện khác, có vẻ “xa xôi” hơn. Quá trình đầu tư cho VĐV trọng điểm dù được quan tâm hơn vẫn còn thiếu nhiều yếu tố cơ bản cũng là vì vậy…
Áp dụng chế độ dinh dưỡng đặc thù cho các HLV, VĐV trọng điểm rốt cuộc cũng chỉ nên xem như một trong nhiều giải pháp cần thực hiện để hoàn thành mục tiêu ở ASIAD, Olympic như mong muốn của người có trách nhiệm. Còn cần nhiều giải pháp khác phải được thực hiện đồng thời mới mong có sự phát triển ổn định cho thể thao Việt Nam ở các đấu trường quốc tế.
Ngày đăng: 21:48 | 29/02/2024
Minh Hà / cand.com.vn