Các đám cháy kỷ lục ở cánh rừng nhiệt đới Amazon tuần qua lan nhanh với tốc độ chóng mặt. Giới chuyên gia cảnh báo rằng, nếu tình trạng này không sớm được kiểm soát, nó sẽ trở thành thảm họa môi trường toàn cầu. Và để dập tắt đám cháy, Brazil cần những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Thảm hoạ của cả thế giới
Ngày 24.8, phần lớn người dân thành phố Sao Paulo (Brazil) phải ở trong nhà cả ngày để tránh bụi. Trên bầu trời, cuộn khói bụi khổng lồ giống như mây bão khiến cả thành phố rộng lớn tối sầm dù đang giữa ban ngày. Theo Independent, cuộn khói bụi đó là từ các đám cháy kỷ lục kéo dài nhiều ngày trước đó ở cánh rừng nhiệt đới Amazon - nơi tạo ra gần 20% oxy trong khí quyển Trái đất. Gió mạnh đã thổi khói bụi bay gần 3.000km tới thành phố lớn nhất Nam Mỹ này. Khói và tàn tro như một tấm màn dày đặc và độc hại che kín không cho ánh mặt trời xuyên qua và Sao Paulo chỉ là một trong hàng trăm thành phố lớn, nhỏ ở Nam Mỹ đang đau đầu với thảm cảnh này.
Trước đó, giáo sư - nhà sinh học Marta Marcondes đưa ra lời báo động sau khi phân tích các vết nước mưa có màu xám vào ngày 19.8 tại Sao Paulo. "Tôi chưa bao giờ thấy như thế, đây quả là một giai đoạn nghiêm trọng" - nhà sinh học Marta Marcondes nói với hãng tin AFP. Điều làm giáo sư Marcondes rất hoảng sợ đó là mùi gỗ cháy từ các hạt mưa đó. Sao Paolo nằm gần bờ biển, cách các khu rừng bị cháy hàng nghìn kilômét như vậy tình hình ở các vùng nằm sâu hơn trong đất liền chắc chắn còn nghiêm trọng hơn.
Không chỉ gây ô nhiễm không khí ở Brazil, các vụ cháy ở Amazon còn gây lo ngại ngày càng nhiều cho cộng đồng quốc tế, khiến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải lên tiếng vì khu rừng nhiệt đới này có vai trò rất quan trọng trong công cuộc chống biến đổi khí hậu. "Ngôi nhà của chúng ta đang bốc cháy. Rừng mưa Amazon - lá phổi của trái đất sản sinh 20% lượng oxy toàn cầu - đang bốc cháy. Đây là một cuộc khủng hoảng quốc tế. Các thành viên của Hội nghị Thượng đỉnh G7 hãy thảo luận về trường hợp khẩn cấp này" - Tổng thống Macron viết thông điệp trên mạng xã hội Twitter hôm 22.8.
Tuần trước, theo các số liệu của Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE), khu vực rừng mưa Amazon ở Brazil đang trải qua nạn cháy rừng kỷ lục với khoảng 74.000 vụ hỏa hoạn được ghi nhận trong 8 tháng đầu năm nay, tăng 40.136 vụ tức 83% so với cùng kỳ năm 2018 và cao nhất kể từ năm 2013. Nhà khoa học của INPE Alberto Setzer cho hay, con người cả vô tình lẫn cố ý là nguyên nhân gây ra 99% số vụ hỏa hoạn.
Theo báo USA Today, khoảng 60% rừng Amazon nằm ở Brazil. Bất kỳ sự tàn phá nào đối với "lá phổi" này cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với khí hậu, lượng mưa toàn cầu, kinh tế thế giới và chính sách ngoại giao. Bình thường, rừng Amazon hấp thụ nhiều khí CO2 hơn là lượng khí phát thải ra, góp phần điều hòa sự nóng lên của bầu khí quyển. Nhưng khả năng này của Amazon đang suy giảm cùng với đà phá rừng và hậu quả trước mắt của các vụ cháy rừng ở Amazon sẽ sinh ra một lượng khí CO2 rất lớn. Đó là chưa kể sự tàn phá đối với tính đa dạng sinh thái của rừng nhiệt đới này.
Tàn phá như vũ khí huỷ diệt hàng loạt
Tờ The Atlantic nhận định, sự phá huỷ của vụ cháy rừng Amazon được cho là nguy hiểm hơn nhiều so với vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Hậu quả của vụ cháy rừng thảm khốc đang diễn ra sẽ diệt chủng các loài động thực vật và đẩy nhanh cuộc khủng hoảng khí hậu kéo dài đến muôn đời. Chỉ cần mất 1/5 rừng Amazon sẽ kích hoạt một quá trình gọi là “dieback”, tạo ra cái mà tờ The Intercept gọi là “quả bom ngày tận thế của carbon lưu trữ”.
Các chuyên gia cảnh báo, rừng Amazon cháy đồng nghĩa với việc thế giới mất đi một phần đa dạng sinh học. Và điều đáng lo ngại hơn cả là việc rừng liên tục mất cũng gây ra những biến động đáng kể đối với tình hình khí hậu, nhất là lượng mưa tại khu vực. Diện tích Amazon càng bị thu hẹp bao nhiêu thì cánh rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới này càng gần ngưỡng "cái chết không thể đảo ngược" bấy nhiêu. Tờ Economist cho rằng, nếu tình hình không sớm được khắc phục, hệ sinh thái Amazon sẽ bị xáo trộn đến mức không còn phù hợp để sinh sống, cây rừng chết khô dần từng mảng. Cuối cùng, toàn bộ rừng rậm Amazon sẽ chết mòn mà không sự can thiệp nào của con người có thể cứu vãn; xóa sổ sự sống của hàng triệu loài động thực vật.
Một con rắn chạy qua những cánh đồng đã cháy trụi ở khu vực Rondonia, Brazil. |
Chưa kể khoảng 1 triệu người bản địa từ 500 bộ lạc sống dưới tán rừng Amazon, theo News.com.au. Đa phần các bộ tộc vẫn giữ lối sống truyền thống, phụ thuộc hoàn toàn vào cánh rừng. "Thiệt hại quá khủng khiếp. Chúng tôi chỉ biết khóc khi nhìn thấy mọi thứ mình hết lòng yêu thương và bảo vệ bị tàn phá trong một đám cháy" - người phụ nữ bản địa tên Zonalia Santos nói với Aljazeera.
Các đám cháy đáng báo động xảy ra từ cuối tháng 7, nhưng phải mất hơn 3 tuần sau, khi Amazon chìm trong biển lửa và gần như mất kiểm soát, thế giới mới thực sự nhận ra sự tình nghiêm trọng. "Tất cả những gì bạn có thể nhìn thấy là cái chết. Đây không chỉ là một khu rừng đang cháy mà gần như là một nghĩa trang" - Rosana Villar của tổ chức Hòa Bình Xanh nói với CNN.
Martinane Muelbert, một nhà sinh thái học nghiên cứu về việc phá rừng ở Amazon đóng vai trò như thế nào trong biến đổi khí hậu, cho rằng đây không chỉ là một vài thảm kịch mà thực sự là thảm họa. Bà Muelbert cho biết, còn quá sớm để tính toán lượng carbon có thể phát ra từ vụ cháy rừng Amazon trong tháng 8 này. "Đây là một tội ác chống lại hành tinh, chống lại loài người" - Martinane Muelbert nói.
Nhiệm vụ hiện tại quá lớn, gần như là không thể làm được gì. Ở những nơi khói lửa dữ dội nhất, mặt trời hầu như không thể tỏa sáng trên sông. Ngọn lửa gần như nuốt chửng toàn bộ những gì còn lại trong rừng trên đường đi của nó. Không có dấu hiệu nào của cuộc sống con người, chỉ có gia súc bị cuốn vào những đám mây khói bụi mù mịt và ngọn lửa. Ngày tận thế dường như là đây!
Chúng ta có thể làm gì?
Tình hình rừng Amazon đã nguy kịch đến mức đây không còn là chuyện nội bộ của Brazil hay các nước Nam Mỹ nói chung, mà đã trở thành vấn đề khẩn cấp của quốc tế. Các nhà lãnh đạo G7 tới đây có khả năng sẽ đưa ra tuyên bố mạnh mẽ lên án sự gia tăng của nạn phá rừng gần đây và kêu gọi Brazil khôi phục các biện pháp bảo vệ Amazon như trước đây khiến quốc gia này trở thành lãnh đạo môi trường toàn cầu. Áp lực hiện đang gia tăng lên Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro để buộc ông thay đổi chính sách.
Ông Jair Bolsonaro thừa nhận với Reuters rằng, Brazil thiếu nguồn lực để chống lại các vụ hỏa hoạn. Nước này đã thông qua luật môi trường để tạo ra một chương trình giúp bảo vệ rừng Amazon. Thêm vào đó, các thỏa thuận toàn cầu tư nhân như Amazon Beef và Soy Moratorium, nơi các công ty đồng ý không mua đậu nành hoặc gia súc liên quan đến nạn phá rừng bất hợp pháp, cũng bị giảm đáng kể. Điều này sẽ góp phần ngăn chặn nạn phá rừng bên cạnh các công cụ tài chính, ngoại giao và chính trị mà Brazil có thể sử dụng ngay bây giờ.
Giới chuyên gia cho rằng, để dập tắt đám cháy, Brazil rõ ràng cần những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Tổng thống Mỹ Donald Trump - người nổi tiếng cứng rắn trong vấn đề môi trường - cho biết, ông đã buộc phải điện đàm với người đồng cấp Brazil để trao đổi về nạn cháy rừng ở Amazon, đồng thời thông báo Mỹ sẵn sàng giúp đỡ quốc gia Nam Mỹ giải quyết đám cháy. "Rừng Amazon nhất định phải được bảo vệ” - Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antono Guterres cũng lên tiếng.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hứa sẽ trợ giúp 10 triệu bảng Anh (hơn 12 triệu USD) để giúp bảo vệ môi trường sống trong lòng Amazon, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đẩy mạnh nỗ lực cứu các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Ngày đăng: 23:19 | 30/08/2019
/ laodong.vn