Hành trình xây dựng hơn 650km cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 dần hoàn tất, chặng đường thông 729km cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cũng đang được các chủ đầu tư, nhà thầu dồn lực chạy đua.

Đến hết năm 2024, thời gian di chuyển từ Hà Nội đi TP.HCM sẽ được rút ngắn đáng kể...

Hút đầu tư, thúc đẩy du lịch

Một năm kể từ ngày tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 khánh thành, làn sóng đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi có thêm hai dự án mới được đưa vào khai thác là QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu, nâng tổng số chiều dài cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa phương này lên gần 100km.

Chạy đua làm cao tốc, kéo Bắc - Nam gần lại- Ảnh 1.

Kiểm tra dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt ngày 16/4, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục nỗ lực để dịp 30/4 thông xe 30km đầu tuyến, 19km còn lại phải đảm bảo hoàn thành trong tháng 6/2024.

Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tuyến cao tốc đã và đang tạo động lực quan trọng, mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội cho địa phương. Từ ngày tuyến cao tốc thông xe, đến nay toàn tỉnh đã thu hút được 66 dự án (49 dự án đầu tư trong nước, 17 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 15.200 tỷ đồng và hơn 276 triệu USD.

Một số dự án lớn có thể kể đến như: Nhà máy sản xuất dụng cụ thể thao Outdoor Gear Việt Nam tại xã Nga Trường, huyện Nga Sơn (tổng vốn đầu tư hơn 868 tỷ đồng); Dự án sân golf tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương (tổng vốn đầu tư 1.616 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu tại cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa (tổng vốn đầu tư 996 tỷ đồng)...

Không chỉ thu hút đầu tư, hạ tầng giao thông còn đang tạo cú hích cho ngành du lịch xứ Thanh cất cánh.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, việc thông tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Thanh Hóa đã rút ngắn được thời gian đi lại từ các tỉnh phía Bắc, đặc biệt từ Hà Nội đến Thanh Hóa. Đây là thị trường khách chiếm thị phần lớn trong lượng khách nội địa đến Thanh Hóa (chiếm trên 65%).

Do giao thông kết nối thuận lợi, du lịch Thanh Hóa liên tục tăng trưởng. Riêng quý I/2024, tổng lượt khách du lịch đến Thanh Hóa đạt hơn 2,5 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Khách quốc tế cũng tăng tới 11%. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 2.4000 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước.

Từ Hà Nội vào Vinh chỉ còn 3,5 giờ

Nhiều tháng qua, ám ảnh về ùn tắc trên quốc lộ 1 ra Thủ đô của người dân Nghệ An cũng dần được xóa bỏ từ khi tuyến cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu được hoàn thành.

Chạy đua làm cao tốc, kéo Bắc - Nam gần lại- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy kiểm tra công trường dự án cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh.

Theo ông Phan Huy Chương, Phó ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh Nghệ An, nếu trước đây, thời gian di chuyển ô tô từ Hà Nội về Vinh phải mất hơn 5 giờ thì nay chỉ còn khoảng 3,5 giờ. Khoảng thời gian này sẽ được tiếp tục rút ngắn khi dịp 30/4, dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt được đưa vào khai thác đến quốc lộ 46B, ngay sát TP Vinh.

"Tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đi qua địa bàn tỉnh Nghệ An dài 43,5km, có 3 nút giao lên xuống, gồm quốc lộ 48D, 48B và 7A. Các nút giao này đều kết nối với các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của các địa phương của tỉnh Nghệ An thông qua các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ hiện hữu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương", ông Chương nói.

Theo ông Nguyễn Quang Tiêu, Phó chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò, hiện công tác chuẩn bị cho Năm du lịch 2024 của địa phương đã cơ bản hoàn tất. Năm nay được dự đoán sẽ là một năm bội thu với du lịch biển Cửa Lò nhờ có đường cao tốc, bên cạnh các công trình lớn được đầu tư trước đó như quốc lộ 1, sân bay Vinh, ga đường sắt.

"Năm 2024, mục tiêu của chúng tôi là đón hơn 4 triệu lượt khách du lịch, tăng 15% so với năm 2023, khách lưu trú đạt 1,45 triệu lượt, tăng 15%; Doanh thu dịch vụ du lịch đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 18%", ông Tiêu chia sẻ.

Gỡ điểm nghẽn giao thông đối ngoại

"Điểm nghẽn giao thông đối ngoại của tỉnh đã cơ bản được tháo gỡ. Giờ đây Bình Thuận đã gần hơn các trung tâm kinh tế lớn", ông Nguyễn Quốc Nam, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận chia sẻ với PV Báo Giao thông khi nói về hai đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh được đưa vào khai thác cách đây không lâu.

Chạy đua làm cao tốc, kéo Bắc - Nam gần lại- Ảnh 3.

Nút giao Vĩnh Hảo, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: Tạ Hải.

Theo ông Nam, ngay sau thông xe hai tuyến cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, tổng lượng khách đến tỉnh trong quý I/2024 ước đạt 2,2 triệu lượt, tăng khoảng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu ước đạt 5.700 tỷ đồng. Riêng dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn thu hút 205.000 lượt khách (tăng 28% so dịp Tết năm 2023).

"Dịp 30/4 này, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo kết nối Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa tiếp tục được thông xe, trục cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Bình Thuận cơ bản hoàn thành và kết nối toàn tuyến cao tốc từ Nha Trang đến TP.HCM. Đây là cơ hội lớn để kinh tế tỉnh nhà sẽ tiếp tục khởi sắc trong tương lai", ông Nam bày tỏ.

Tiếp tục chạy đua thông tuyến sớm

Hơn một năm lăn lộn với công trường dự án đoạn Vân Phong - Nha Trang, niềm vui lớn nhất với ông Trần Văn Tuyên, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 7 chính là sự nỗ lực của nhà thầu, đưa kết quả thực hiện vượt kế hoạch ngay cả khi thời gian về đích của dự án có sự điều chỉnh sớm hơn dự kiến.

Chạy đua làm cao tốc, kéo Bắc - Nam gần lại- Ảnh 4.

Các dự án cao tốc Bắc - Nam đã đưa vào khai thác và đang triển khai. Đồ họa: Nguyễn Tường.

Đến trung tuần tháng 4/2024, sản lượng thi công dự án đạt khoảng 47% giá trị hợp đồng, vượt 2,5% so với kế hoạch điều chỉnh (về đích tháng 6/2025, sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch ban đầu). Giá trị thực hiện tại dự án bình quân đạt 300 tỷ đồng/tháng. Tại cả hai gói thầu, công tác thảm bê tông nhựa đã sớm được triển khai.

Trải dài trên hơn 80km toàn tuyến, 42 mũi thi công đang được huy động. Mục tiêu đặt ra đến ngày 30/4/2025, toàn bộ hạng mục cầu sẽ hoàn thành. Trước ngày 30/6/2025, phần đường cũng sẽ được thảm những lớp bê tông nhựa cuối cùng để phục vụ thông xe.

Trên cùng chặng đua rút ngắn tiến độ 5-6 tháng so với kế hoạch, hơn 1 tháng qua, 50 mũi thi công với gần 800 đầu máy, thiết bị cũng đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, miệt mài "3 ca, 4 kíp" để tăng tốc các hạng mục chính dự án Hàm Nghi - Vũng Áng.

Theo ông Nguyễn Khắc Trung, Giám đốc điều hành dự án, những tháng đầu năm, công trường gặp nhiều bất lợi bởi những trận mưa kéo dài. Khó khăn là rất lớn, song sản lượng thi công hiện đã đạt 25% giá trị hợp đồng, tăng khoảng 7-8% so với thời điểm tết Nguyên đán.

"Nếu thời tiết thuận lợi, dự kiến đến tháng 6 năm nay, chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu vượt tiến độ", ông Trung nói và cho hay, dự án muốn về đích sớm, hai "nút thắt" lớn phải được giải quyết là xử lý hơn 10km nền đất yếu và công tác nổ mìn, phá đá đoạn đồi cao Km 560 với khoảng 1,5 triệu m3.

Rà soát phương án tối ưu thời gian

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về việc tối ưu thời gian thi công các dự án thành phần, hiện nay, các ban quản lý dự án đã gửi kế hoạch dự kiến tiến độ hoàn thành.

Theo báo cáo ban đầu, đối với dự án có yêu cầu xử lý kỹ thuật phức tạp (xử lý nền đất yếu, hầm có chiều dài lớn, vướng mặt bằng…), việc rút ngắn được tiến độ là tương đối khó như Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Một số dự án khác, chủ đầu tư, nhà thầu cũng đã xây dựng lại kế hoạch thi công, rút ngắn tiến độ 1-6 tháng so với mốc thời gian 31/12/2025.

"Trên cơ sở báo cáo, Cục Quản lý đầu tư xây dựng sẽ phối hợp rà soát, đánh giá thực tiễn triển khai. Dự án nào báo cáo chỉ rút được một tháng nhưng có thể rút hơn sẽ được yêu cầu lập lại. Dự án nào báo cáo rút ngắn được 3 tháng, 6 tháng nhưng còn nhiều rủi ro cũng sẽ được cân nhắc kỹ để việc rút ngắn thời gian thi công phù hợp với thực tế", ông Minh nói.

Đưa vào khai thác hơn 1.200km cao tốc Bắc - Nam

Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, theo Quy hoạch trục cao tốc Bắc - Nam từ cửa khẩu Hữu Nghị đến TP Cà Mau dài 2.063km.

Với hai đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo được đưa vào khai thác năm 2024 (tổng chiều dài 129km), tổng chiều dài đường bộ cao tốc đang khai thác trên tuyến Bắc - Nam được nâng lên 1.206km. Tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước được nâng lên hơn 2.000km.

Hiện tại, trong 799km cao tốc Bắc - Nam đang triển khai thi công, có 729km thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Đến nay, các dự án thành phần đều triển khai đáp ứng tiến độ yêu cầu trong đó sản lượng đạt trung bình gần 30% giá trị hợp đồng.

Cùng với các dự án đang triển khai, cơ quan chức năng cũng đang chuẩn bị đầu tư 43km. Còn 15km cầu Cần Thơ 2 sẽ sớm được đầu tư trong giai đoạn 2026-2030.

30/4, thông xe 2 dự án PPP cao tốc

Tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dài hơn 49km đi qua tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, dự kiến thông xe khoảng 30km từ đầu tuyến đến nút giao với quốc lộ 46B dịp 30/4. Đoạn còn lại 19km có nền đất yếu cần thời gian chờ gia tải nên hoàn thành sau.

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt được khởi công tháng 5/2021 với tổng vốn đầu tư hơn 11.150 tỷ đồng, đoạn qua Nghệ An dài 44,4km, Hà Tĩnh dài 4,9km. Nếu thông tuyến, cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian từ Hà Nội về TP Vinh (Nghệ An) còn 3,5 giờ thay vì mất 5 giờ nếu đi quốc lộ 1.

Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thiện, sớm hơn một tháng so với kế hoạch, sẵn sàng thông xe dịp 30/4. Sau khi thông xe, quãng đường từ TP.HCM đến thành phố du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) được rút ngắn còn gần 5 giờ đi ô tô, thay vì mất 8 giờ nếu đi quốc lộ 1.

Dự án có chiều dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa (gần 5km), Ninh Thuận (63km), Bình Thuận (gần 12km), do liên doanh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 làm nhà đầu tư. Đây là là một trong ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Ngày đăng: 09:02 | 28/04/2024

Theo Báo Giao thông /