Kỷ niệm 47 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022), là lúc cần nhìn lại diện mạo đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – Vùng đất giàu tiềm năng đang đứng trước nhiều thách thức và cơ hội phát triển. Tương lai của vùng châu thổ này ra sao phụ thuộc vào tư duy phát triển vùng, việc chọn lựa mô hình phát triển và hành động…

Thách thức trên chính “đôi chân”

Tài nguyên đất và nước được ví như đôi chân kiến tạo và phát triển ĐBSCL. Đôi chân đó đang đứng trước thách thức ở nhiều cấp độ. Tác động tiêu cực xuyên biên giới do biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hội nhập, cạnh tranh quốc tế. Việc các quốc gia đầu nguồn xây đập thủy điện, “trích máu dòng sông” bằng các dự án chuyển nước sông Mê Kông làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, nguồn lợi thuỷ sản, xâm nhập mặn, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội vùng hạ du.

Thách thức còn bị nhân lên từ hoạt động kinh tế với cường độ cao ở nội vùng gây nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, trong khi quản lý Nhà nước “thiếu phối hợp, thừa chồng chéo”. Các thách thức đó không riêng lẻ, mà đang tác động tích lũy, liên hoàn, đòi hỏi sự nhận diện hệ thống, có chiến lược ứng phó dài hạn, sự tiếp cận đa ngành và phối hợp giải quyết liên ngành. Phát triển vùng ĐBSCL trong điều kiện các nguồn lực phân tán, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn nhiều bất cập vẫn đang còn tồn tại các điểm nghẽn.

Chautho_4-1651203313988
Thương lái thu mua lúa cho người dân ở tỉnh Sóc Trăng

Trong đó nổi lên 3 điểm nghẽn là thiếu vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, nguồn nhân lực có khởi sắc nhưng chưa đủ sức tạo ra động lực mới; đặc biệt là chưa vận hành được một cơ chế điều phối phát triển vùng, liên vùng thực sự hiệu quả. Nhìn tổng thể hạ tầng giao thông ĐBSCL và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác vẫn đang vướng các điểm nghẽn. Các nút thắt lớn là thiếu vốn, thi công chậm tiến độ, đầu tư không đồng bộ theo kiểu “ngắt khúc”, thiếu kết nối. Mạch máu giao thông vận tải, logistics của vùng vẫn chưa thông suốt. Tình trạng đường chờ cầu nâng tải trọng, cảng chờ luồng thôi ách tắc, đường thủy vướng tĩnh không cầu, quá tải giao thông vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Vùng vẫn đang “đói” đường cao tốc, khát đường giao thông.

Để chuyển đổi sang mô hình phát triển mới, rất cần tư duy mới trên đôi chân phát triển đồng bằng. Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ xác định tầm nhìn dài hạn, cách tiếp cận tổng hợp, tư duy kiến tạo, thích ứng thuận theo tự nhiên, yêu cầu phải chuyển đổi mô hình phát triển vùng, định hướng bố trí không gian, huy động nguồn lực, tăng cường liên kết vùng và liên vùng với TP Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là bản quy hoạch tích hợp cấp vùng đầu tiên trên cả nước được ban hành theo Luật Quy hoạch. Theo đó, ĐBSCL phát triển theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy con người làm trung tâm, coi tài nguyên nước là cốt lõi.

Đầu tháng 3 vừa qua, tại tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chủ trì hội nghị về thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, với chủ đề “Khát vọng nông nghiệp đất Chín Rồng xanh - sinh thái - bền vững”. Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu chỉ ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng ĐBSCL; trả lời câu hỏi tại sao vùng ĐBSCL được Đảng, Nhà nước rất quan tâm chỉ đạo, đầu tư, song vẫn chưa phát triển như mong muốn. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các đại biểu tập trung vào các vấn đề: tư duy đột phá để phát triển ĐBSCL; tầm nhìn chiến lược để phát triển ĐBSCL. Trong số đó, phải đề xuất thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển ĐBSCL; quy hoạch vùng nguyên liệu; phát triển hạ tầng; đào tạo, phát huy nguồn nhân lực; đầu tư khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất lao động; cách thức tổ chức, quản trị; mở rộng thị trường tìm đầu ra cho các sản phẩm trong vùng…

Tàu đi đúng hướng và tăng tốc

Con tàu phát triển vùng châu thổ Cửu Long vẫn đang đi đúng hướng. Thực tế cho thấy, trước tác động to lớn của đại dịch COVID-19, toàn nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng đồng bằng vẫn xuất hiện nhiều điểm sáng. Nông nghiệp - trụ cột phát triển của vùng vẫn là trụ đỡ, hệ đệm của nền kinh tế. Bức tranh giao thông vùng cũng tạo ra được các dấu son với hệ thống đường dọc, trục ngang, các cầu vượt sông lớn, cụm cảng và luồng, các sân bay trong vùng được đầu tư và đang được kỳ vọng sự “bứt tốc” thoát khỏi “vùng trũng” trong 5 năm tới.

Vấn đề cốt lõi của châu thổ Cửu Long vẫn là định vị lại vùng này, bố trí không gian và huy động các nguồn lực phát triển. “Trục xương sống” của vùng vẫn là cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và chất lượng nguồn nhân lực. Ba khâu then chốt này vẫn cần được coi là chiến lược quan trọng nhất của quy hoạch vùng. Chúng ta đang ở thời điểm tái cấu trúc, định hình lại cách thức phát triển, tính toán nguồn lực để huy động, chuẩn bị các kịch bản phát triển sau đại dịch COVID-19. Cùng với định hướng huy động, bố trí nguồn lực, cần xác định rõ đâu là nhiệm vụ trọng tâm, địa chỉ chịu trách nhiệm từng đầu việc, thời hạn hoàn thành nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. Theo đó, cần ưu tiên tập trung 3 nhóm giải pháp vượt điểm nghẽn, tạo chuyển biến.

Một là, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển vùng. Tiếp tục xây dựng, bổ sung cơ chế phối hợp, giám sát, đánh giá tiến độ và hiệu quả của Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP. Tổ chức rà soát, đánh giá, tổng kết cơ chế thí điểm điều phối vùng theo Quyết định số 593/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế liên kết hiệu quả các tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, tiểu vùng giữa sông Tiền, sông Hậu và ven biển phía Đông.  Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL với sự tham gia của các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã được thành lập cần có thực quyền, nên tập trung ba lĩnh vực then chốt là điều phối quy hoạch, quản lý, sử dụng tài nguyên nước và quyết định các dự án đầu tư có tính liên kết vùng theo quy mô, tính chất dự án. 

Để phục vụ cho hoạt động điều phối hiệu quả, cần cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản để cập nhật đầy đủ các thông tin, dữ liệu toàn vùng, phục vụ công tác quy hoạch không gian lãnh thổ, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý và quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng. Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ chế điều phối và vận hành Trung tâm thông tin dữ liệu vùng để bảo đảm cung cấp thông tin, dữ liệu chính xác, kịp thời cho việc ra quyết định của Hội đồng điều phối vùng và chính quyền địa phương.

Hai là, tổ chức huy động nguồn lực. Xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm phát triển, thu hút đầu tư, bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương trong vùng và với các khu vực khác. Cần ban hành các cơ chế, chính sách mang tính đột phá nhằm thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách, nhất là vốn trong khối tư nhân; những việc, lĩnh vực mà tư nhân có thể thực hiện cần được tạo điều kiện cho tư nhân. Thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư, các cơ chế huy động vốn khuyến khích cho vay, tăng cường năng lực cho các thành phần kinh tế.  Xây dựng cơ chế tài chính riêng cho vùng thông qua nguồn lực ngoài nước, vốn ODA và hoàn thiện thể chế về môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư tư nhân là điều kiện cần để giải quyết điểm nghẽn vốn đầu tư.

Xây dựng chương trình trọng điểm quốc gia cho vùng ĐBSCL để triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ tới theo hướng nghiên cứu xây dựng cơ chế ưu tiên phân bổ nguồn lực từ ngân sách Nhà nước.

Ba là, đầu tư, phát triển hạ tầng theo quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ, giải quyết các “điểm nghẽn” phát triển trong lĩnh vực giao thông vận tải, thích ứng biến đổi khí hậu phù hợp với quy hoạch vùng được phê duyệt. Thực hiện nhiệm vụ cấp bách về chống sạt lở, sụt lún nghiêm trọng tại một số khu vực bờ biển, bờ sông. Các dự án đầu tư và phát triển hạ tầng phải đảm bảo thống nhất, tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình hợp lý. Để đạt được yêu cầu đó, phải huy động vốn đầu tư toàn xã hội, sức lực, trí tuệ của các nhà khoa học, các tổ chức tư vấn, phát huy vai trò của chính quyền các cấp, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò của người dân. Nhà nước bớt chỉ đạo, tăng kiến tạo, doanh nghiệp hành động, người dân hưởng ứng là cần thiết.

Tầm nhìn dài hạn, mục tiêu phát triển ĐBSCL trở thành vùng đất an toàn, trù phú, thịnh vượng trong tương lai đến nhanh hay chậm đang đòi hỏi những nỗ lực vượt qua các thách thức, tận dụng thời cơ, hành động đột phá và không hối tiếc. Diện mạo tương lai đồng bằng đã được định hình rõ, cần những gam màu sáng bằng tư duy, cách tiếp cận và hành động thực tế…

Ngày đăng: 08:28 | 03/05/2022

/