Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cùng lãnh đạo 3 quốc gia châu Phi khác đã lên đường tới Nga và Ukraine nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột.
TASS hôm nay (16/6) dẫn lời ông Yuri Ushakov, cố vấn đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận, phái đoàn hòa bình châu Phi, dẫn đầu bởi Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa sẽ tiến hành các cuộc đối thoại ở thủ đô Kiev của Ukraine vào ngày 16/6, sau đó đến thành phố St.Petersburg của Nga vào ngày 17/6.
Cùng đi với ông Ramaphossa là Tổng thống Zambia Hakainde Hichilema, Tổng thống Senegal Macky Sall và Tổng thống Comoros Azali Assoumani, người đồng thời là Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU).
Theo thông báo trước đó, phái đoàn hòa bình châu Phi gồm 7 nguyên thủ. Tuy nhiên, Ai Cập đã cử Thủ tướng Mostafa Madbouly dẫn đầu nhóm quan chức nước này. Tổng thống Uganda Yoweri Museveni mới đây được chẩn đoán nhiễm COVID-19, còn Tổng thống CH Congo Denis Sassou Nguesso quyết định không tham gia nên cử đại diện.
Nội dung chi tiết sáng kiến mà các lãnh đạo châu Phi dự kiến trình bày với lãnh đạo Nga-Ukraine chưa được tiết lộ. Trước khi thực hiện chuyến công du, Tổng thống Ramaphosa mô tả "xung đột giữa Ukraine và Nga là một tình huống nghiêm trọng ảnh hưởng đến tất cả chúng ta trong một thế giới liên kết".
Reuters ngày 15/6 đưa tin các lãnh đạo châu Phi có thể đề xuất hàng loạt "biện pháp nhằm xây dựng lòng tin", hướng đến tạo môi trường thuận lợi để thiết lập lệnh ngừng bắn và đàm phán hòa bình.
Hồi tháng 5/2023, ông Ramaphosa từng khẳng định, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều đã ngỏ ý sẵn sàng đón tiếp các lãnh đạo châu Phi để "thảo luận về cách chấm dứt xung đột". Mỹ và Trung Quốc được cho là cũng ủng hộ nỗ lực của các lãnh đạo châu Phi.
Theo RT, Nam Phi là một thành viên tích cực của nhóm BRICS cùng với Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nước này từ chối tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga của phương Tây. Nam Phi cũng kiên định lập trường trung lập và cam kết không bị kéo vào cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc.
Đối với Nga, việc một quốc gia duy trì thái độ trung lập là yếu tố tiên quyết để trở thành một nhà hòa giải.
https://cand.com.vn/the-gioi-24h/chau-phi-khoi-dong-no-luc-hoa-giai-nga-ukraine-i697129/
Ngày đăng: 09:03 | 16/06/2023
Thái Hà / CAND