Châu bản triều Nguyễn được bảo quản và phát huy giá trị như thế nào sau 5 năm được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới? Vấn đề này dự kiến sẽ được làm rõ cùng với những góc nhìn đa chiều về Châu bản của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tại hội thảo khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới” vào ngày 23/12.
Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước – cơ quan bảo quản Châu bản triều Nguyễn đồng thời là đơn vị tổ chức hội thảo, Châu bản triều Nguyễn là khối tài liệu hành chính còn lại duy nhất, tương đối toàn vẹn của chế độ quân chủ cuối cùng ở Việt Nam có lưu bút tích của các Hoàng đế. Mỗi trang tài liệu là một câu chuyện sống động đương thời. Đó không chỉ là câu chuyện lịch sử của một triều đại, lịch sử của một dân tộc, quốc gia mà còn là lịch sử của khu vực và thế giới.
Trước khi được đưa về bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước vào năm 1991, Châu bản đã trải qua quá trình thiên di kéo dài cùng những biến động, thăng trầm của đất nước. Chuyển từ Nội các về lưu trữ tại Viện Văn hóa Huế năm 1942, Châu bản sau đó được đưa sang bảo quản tại Viện Đại học Huế theo lệnh của Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hoà năm 1959. Hai năm sau, Châu bản được di chuyển lên Đà Lạt trước khi về lại Sài Gòn vào tháng 3 năm 1975 rồi giao cho Kho Lưu trữ trung ương II năm 1978.
Dưới triều Nguyễn, Châu bản là nguồn sử liệu đáng tin cậy phục vụ việc biên soạn chính sử và các sách điển lệ của vương triều trong suốt hơn 100 năm. Năm 2017, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Sau những năm tháng lặng yên dưới lớp bụi thời gian, Châu bản lại nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Hội thảo “Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới” là dịp để nhìn lại công tác bảo quản và phát huy giá trị khối tài liệu này sau 5 năm trở thành Di sản tư liệu. Hội thảo quy tụ các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, dự kiến mang đến nhiều góc nhìn đa chiều về một trong số ít Di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam. Giá trị, vai trò, ý nghĩa của di sản này trong đời sống đương đại, cụ thể là trong nghiên cứu khoa học, ở các địa phương, phục dựng lễ hội, lịch sử… sẽ được các học giả, nhà nghiên cứu làm rõ hơn trong dịp này.
N.H
Đà Nẵng tiếp nhận 19 châu bản triều Nguyễn về Hoàng Sa |
Ngày đăng: 16:08 | 22/12/2021
/ cand.com.vn