Đợt nắng nóng được ví như “địa ngục” đang thiêu đốt nhiều quốc gia châu Âu khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và buộc hàng ngàn người khác phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn do các đám cháy rừng ngày càng lan rộng.
Mùa hè thường là khoảng thời gian ít áp lực với các dịch vụ y tế ở châu Âu, do phần lớn các quốc gia ở “lục địa già” có thời tiết tương đối mát mẻ. Tuy nhiên, tình hình năm nay có diễn biến khác thường khi đợt nắng nóng kỉ lục kéo dài suốt tuần qua đã khiến hàng ngàn người gặp biến cố về sức khỏe, đồng thời kéo theo nhiều đám cháy rừng quy mô lớn.
Reuters cho biết, đến ngày 18/7, gần một nửa khu rừng bên dãy núi Sierra de la Culebra nằm ở phía Tây Bắc Tây Ban Nha đã bị thiêu rụi, trở thành đám cháy lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử quốc gia Nam Âu.
Tuần qua, nhiều khu dân cư ở Tây Ban Nha ghi nhận mức nắng nóng 42 độ C. Nhiệt độ được dự báo có thể hạ xuống trong tuần này, song giới chức Tây Ban Nha vẫn cảnh báo chúng có thể “cao bất thường” và ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu người. Theo dữ liệu do Viện Y tế Carlos III thống kê, ít nhất 360 trường hợp tử vong do nắng nóng đã được ghi nhận ở Tây Ban Nha trong tuần qua và con số này có thể gia tăng những ngày tới.
Một lính cứu hỏa cố gắng kiểm soát đám cháy rừng ở thị trấn Baiao, phía Bắc Bồ Đào Nha. Ảnh: EPA
Tại quốc gia láng giềng Bồ Đào Nha, các đám cháy rừng cũng được mô tả là đang bùng phát ở quy mô chưa từng có, trong bối cảnh nhiệt độ ngoài trời luôn ở mức cao, có thời điểm vượt 50 độ C. Hàng ngàn gia đình ở phía Bắc Bồ Đào Nha đã được đề nghị sơ tán, và khoảng 1.000 lính cứu hỏa đã được huy động tới kiểm soát các đám cháy. Hôm 15/7, một phi công lái máy bay chữa cháy đã thiệt mạng khi tham gia dập lửa ở khu vực Foz Côa, gần biên giới Tây Ban Nha. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên do cháy rừng ở Bồ Đào Nha trong năm nay. Tuy nhiên, Bộ Y tế Bồ Đào Nha xác nhận tổng số người thiệt mạng vì đợt nắng nóng này lên đến 659 người, phần lớn là người cao tuổi.
Với nước Anh, các quan chức chính phủ cũng phát cảnh báo cần chuẩn bị đối phó với những ngày nóng nhất từng ghi nhận trong các ngày 18, 19 và 20/7 với nhiệt độ dự báo đạt mức kỷ lục 40 độ C. Cơ quan khí tượng Anh lần đầu tiên đã phát cảnh báo đỏ về nắng nóng, có nghĩa là không chỉ những người dễ bị tổn thương mà cả những người khỏe mạnh cũng có thể mắc bệnh hay thậm chí thiệt mạng.
Trong ngày 18/7, ít nhất 15 tỉnh của Pháp phát cảnh báo mức cao nhất khi đợt nắng nóng bao trùm đất nước đã lên tới đỉnh điểm. Các đám cháy rừng ở Pháp đã buộc hơn 16.000 người, bao gồm cư dân và du khách, phải di tản. Nhiệt độ tăng cũng khiến nông dân phải làm việc ban đêm để giảm thiểu nguy cơ các thiết bị thu hoạch có thể gây cháy.
Nhà chức trách ở dãy núi Alps đoạn đi qua Pháp đã kêu gọi những người leo núi đang tìm cách leo lên Mont Blanc (ngọn núi cao nhất châu Âu) hoãn chuyến leo núi, do đá rơi liên tục vì “các điều kiện khí hậu đặc biệt” và “hạn hán”. “Đây không còn là mùa hè. Nó giống như “địa ngục” và sẽ sớm đặt dấu chấm hết cho sự sống của con người, nếu chúng ta tiếp tục không hành động vì khí hậu”, nữ nghị sĩ Melanie Vogel thuộc Đảng Xanh (Pháp) bình luận trên Twitter hôm 16/7.
Giới khoa học và các chính khách châu Âu đổ lỗi cho tình trạng hiện nay là do biến đổi khí hậu, bên cạnh các yếu tố như: hệ thống áp suất cận nhiệt đới lan về phía Bắc, gió thổi khí nóng từ sa mạc Sahara và Bắc Phi lên. “Biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng trở nên nóng hơn và kéo dài hơn trên khắp thế giới. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nhiều đợt nắng nóng đặc biệt dữ dội hơn do sự thay đổi khí hậu do con người gây ra”, bà Vikki Thompson, nhà khoa học khí hậu tại Viện Cabot của Đại học Bristol, giải thích trên Guardian.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, thiệt hại lớn về người mà khu vực này hứng chịu còn bởi nhiều người ở châu Âu chưa kịp thích nghi với những rủi ro sức khỏe gây ra bởi tình trạng nắng nóng, cũng như chưa kịp thay đổi các quy định liên quan đến thói quen làm việc để hạn chế tác động từ thời tiết cực đoan. Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu, với xu hướng hiện tại và nếu khả năng thích ứng ở châu Âu không được cải thiện, số người chết hàng năm liên quan đến nắng nóng tại các quốc gia EU có thể tăng từ mức khoảng 2.700 người/năm lên 30.000 - 50.000 người vào năm 2050.
Ngoài ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, nắng nóng kéo dài ở châu Âu còn có nguy cơ khiến mùa màng thất thu, từ đó tác động tiêu cực tới nguồn cung lương thực trên toàn cầu, vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Bên cạnh đó, tình trạng thời tiết khắc nghiệt cũng khiến chất lượng môi trường giảm sút.
“Nắng nóng và nhiệt độ cao không phải là điều gây nguy hiểm duy nhất. Bầu khí quyển đang ngưng trệ lưu thông và nó biến thành cái nắp giữ các chất ô nhiễm trong khí quyển, bao gồm cả các vật chất dạng hạt. Điều này dẫn đến suy giảm chất lượng không khí và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến cả thảm thực vật”, ông Lorenzo Labrador thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới thông tin.
Châu Á cũng đau đầu với nhiệt độ cao
Không chỉ châu Âu, tình trạng nắng nóng cũng đang “tấn công” nhiều quốc gia châu Á. Tại Trung Quốc, đợt nắng nóng hiện nay đã kéo dài hơn 30 ngày, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và đời sống của hơn 900 triệu dân. Một số nước đã quen với khí hậu ôn hòa như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang ghi nhận mức nhiệt độ từ 35 đến 40 độ C. Ở Nhật Bản, tính đến ngày 18/7, hơn 15.000 người đã phải nhập viện do kiệt sức và sốc nhiệt từ đầu mùa hè. Còn tại Hàn Quốc đã có người tử vong do nắng nóng.
https://cand.com.vn/the-gioi-24h/chau-au-vat-lon-trong-nang-nong-nhu-dia-nguc-i660894/
Ngày đăng: 09:51 | 19/07/2022
Thái Hà / Công an nhân dân