Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic ngày 6/9 cho rằng, việc từ bỏ hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt của Nga sẽ là một "nhiệm vụ bất khả thi", vào thời điểm Ủy ban châu Âu (EC) vừa đề xuất thực hiện lâu dài kế hoạch mua chung khí đốt trong EU nhằm tránh phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga.
Trả lời phỏng vấn tờ Handelsblatt của Đức, ông Maros Sefcovic cho biết, châu Âu đã giảm nhập khẩu khí đốt của Nga từ 150 tỷ mét khối xuống dưới 80 tỷ mét khối vào năm 2022. Năm nay, dự kiến lượng nhập khẩu sẽ giảm, nhưng vẫn nằm trong khoảng 40 tỷ mét khối, bao gồm cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). "Vì vậy, tôi có thể nói rằng, từ bỏ hoàn toàn khí đốt Nga vẫn là nhiệm vụ gần như bất khả thi", ông khẳng định. Ông Sefcovic cũng nhấn mạnh, nếu Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thiết lập các mối quan hệ đối tác mới, biện pháp này có thể làm giảm thêm lượng nhập khẩu LNG từ Nga trong những tháng tới. Phó Chủ tịch EC đồng thời nhấn mạnh, mỗi nguồn lực quan trọng mang tính chiến lược phải đến từ ít nhất 3 nhà cung cấp.
Nhận định của Phó chủ tịch EC chỉ ra một nghịch lý tại châu Âu. Các nước châu Âu đã nỗ lực tìm phương án thay thế khí đốt chảy qua đường ống của Nga, nhưng lại quay sang nhập LNG từ Nga, vì LNG là mặt hàng không bị trừng phạt. Thủ tướng Áo Karl Nehammer hôm 4/9 thừa nhận, nước này chắc chắn sẽ tiếp tục nhận phần lớn khí đốt từ Nga trong những năm tới. "Bản chất khí đốt của Nga không rẻ hơn bất kỳ loại khí đốt nào khác. Tuy nhiên, cách bố trí hệ thống đường ống ở châu Âu đồng nghĩa với việc nhiên liệu của Nga thống trị thị trường năng lượng ở Đông và Trung Âu trong nhiều thập kỷ".
Tờ Financial Times hôm 30/8 cũng trích dẫn dữ liệu của Global Witness cho thấy, EU có kế hoạch nhập khẩu khối lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cao kỷ lục từ Nga. Cụ thể, Bỉ và Tây Ban Nha lần lượt xếp thứ hai và thứ ba với tư cách là khách hàng mua LNG của Nga sau Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay. Số liệu do công ty năng lượng Tây Ban Nha Enagas công bố cũng cho thấy, Nga đã trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của nước này trong tháng 6. Khí đốt từ Nga chiếm 26,8% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Tây Ban Nha, nhiều hơn vị trí thứ hai và ba là Algeria với 21% và Mỹ với 18,5%.
Trên thực tế, trong hơn 50 năm, Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên đáng tin cậy cho châu Âu. Đất nước này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mô hình kinh doanh dựa trên xuất khẩu và năng lượng giá rẻ của châu Âu. Mô hình này đã "trật nhịp" khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022. Điều này kéo theo một loạt lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây nhằm vào Nga. Moscow phản ứng với việc EU hỗ trợ Ukraine bằng cách thắt chặt nguồn cung cấp khí đốt cho các nước thành viên EU, bao gồm việc "gã khổng lồ" năng lượng Gazprom đã cắt dòng chảy khí đốt qua Nord Stream 1. Châu Âu, kể từ đó, loay hoay giải bài toán thay thế khí đốt vốn đã quá quen thuộc từ Nga.
Trong động thái mới nhất, Ủy ban châu Âu (EC) vừa đề xuất thực hiện lâu dài kế hoạch của EU về mua chung khí đốt nhằm đảm bảo nhu cầu của các nước thành viên cũng như tránh phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga. Reuters ngày 5/9 (giờ địa phương) dẫn lời các quan chức châu Âu cho biết đề xuất trên được đưa ra sau khi nhu cầu trên thực tế vượt quá con số ước tính trong cuộc đấu thầu quốc tế đầu tiên mà EU khởi động hôm 10/5. Các cuộc đấu thầu này thuộc chính sách mua chung khí đốt của EU, một phần của các biện pháp mà EU thông qua năm 2022 để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng xảy ra khi đó. Tỷ lệ dự trữ khí đốt của EU tại các cơ sở lưu trữ tự nhiên đã đạt hơn 90% và thị trường tương đối hạ nhiệt.
Mặc dù vậy, EU vẫn lo ngại nguy cơ khan hiếm khí đốt nếu một sự cố bất ngờ xảy ra trong tương lai như vụ nổ đường ống khí Nord Stream 2 dưới Biển Baltic hồi năm ngoái. Chính sách mua chung nói trên dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 12 tới. Vì vậy, EC đề xuất đưa chính sách này thành một kế hoạch lâu dài như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm cải tổ các quy tắc thị trường khí đốt của EU.
Theo Reuters, đề xuất nêu rõ, các công ty châu Âu tham gia mua chung khí đốt trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, nếu EU gặp phải khủng hoảng nguồn cung nhiên liệu, việc mua chung sẽ trở thành bắt buộc để tránh tình trạng cạnh tranh giữa các nước EU khi nguồn cung khan hiếm. Việc mua chung chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng nhu cầu khí đốt khoảng 360 tỷ m3 của EU. Tuy nhiên, chính sách này giúp các nước thành viên có đủ dự trữ để chuẩn bị cho mùa Đông khi nhu cầu của châu Âu về khí đốt sưởi ấm lên đến đỉnh điểm. Các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu sẽ thảo luận đề xuất trên vào cuối tháng 9 này, đặt mục tiêu hoàn thành khung pháp lý vào cuối năm nay.
Mặc dù vậy, The Guardian dẫn nguồn tin từ chính quyền Tây Ban Nha cho rằng, việc EU mua khí đốt Nga sẽ không thể dừng lại cho tới khi các nước châu Âu đạt được một thỏa thuận phù hợp. Điều này cũng tương đồng với tuyên bố mà Thủ tướng Áo Karl Nehammer đưa ra hôm 4/9, rằng: "Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là đảm bảo an ninh năng lượng. Nếu vi phạm điều này, hệ thống sản xuất, cung cấp năng lượng cho người dân sẽ bị gián đoạn. Trước hết, chúng ta nghĩ đến việc đảm bảo an ninh năng lượng. Và với tư cách Thủ tướng, nghĩa vụ của tôi là phải làm điều đó". Con đường từ bỏ hoàn toàn khí đốt Nga của châu Âu chắc chắn sẽ chưa thể sớm xảy ra.
https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/chau-au-van-loay-hoay-voi-bai-toan-khi-dot-nga-i706246/
Ngày đăng: 08:13 | 07/09/2023
An Nhiên / cand.com.vn