Bão giá, lạm phát do khủng hoảng năng lượng đang làm bùng phát các cuộc biểu tình ở nhiều nước châu Âu, khiến khu vực này đứng trước nguy cơ bất ổn chính trị nếu không nhanh chóng đưa ra giải pháp đối phó.
Lạm phát ở Anh đã lên mức kỷ lục trong vòng 40 năm qua |
Căng thẳng bởi các cuộc biểu tình, đình công
Những ngày gần đây, trên khắp châu Âu liên tục diễn ra các cuộc biểu tình phản đối và đình công với số lượng người tham gia ngày càng cao. Tuần trước, hơn 100 nghìn người trên toàn nước Pháp đã tham gia các cuộc đình công yêu cầu tăng lương trong bối cảnh lạm phát leo thang. Các cuộc tuần hành của giáo viên, nhân viên đường sắt và y tế càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tại Pháp, trong bối cảnh công nhân tại các nhà máy lọc dầu lớn đã đình công nhiều tuần qua, gây ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu trên toàn quốc.
Tại Đức, hàng nghìn người đã tham gia các cuộc biểu tình quy mô nhỏ suốt nhiều tuần, yêu cầu chính phủ thiết lập trần giá điện, hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho các gia đình dễ bị tổn thương cũng như chấm dứt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Những cuộc biểu tình gần đây nhất, diễn ra ở Berlin, Potsdam và Leipzig vào tuần trước, được tổ chức bởi một liên minh công đoàn và các tổ chức môi trường, với khẩu hiệu: “Đã quá đủ, chúng tôi sẽ không chịu đóng băng vì lợi nhuận của các công ty năng lượng”.
Trong khi đó tại Anh, công nhân đường sắt, y tá, công nhân cảng, luật sư... đã tổ chức một loạt cuộc đình công trong những tháng gần đây yêu cầu tăng lương phù hợp với lạm phát đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua. Hàng trăm công nhân tại cảng Liverpool, một trong những cảng container lớn nhất của Anh, sẽ đình công thêm 2 tuần vì lương và việc làm kể từ ngày 24-10. Liên minh công nhân và truyền thông, đại diện cho 115 nghìn nhân viên bưu điện Royal Mail cảnh báo tiến hành nhiều cuộc đình công hơn sau nhiều tháng đàm phán thất bại về việc thay đổi lương và hoạt động. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Anh Liz Truss đã buộc phải từ chức sau khi các kế hoạch kinh tế của bà gây ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính và làm tổn hại thêm nền kinh tế ốm yếu.
Ở Romania, hàng nghìn người đã tham gia biểu tình để phản đối chi phí năng lượng, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác mà các nhà tổ chức cho rằng đang khiến hàng triệu công nhân rơi vào cảnh nghèo đói. Còn tại CH Czech, vào tháng trước, những đám đông lớn đã vẫy cờ ở Thủ đô Praha yêu cầu chính phủ liên minh từ chức. Họ chỉ trích chính phủ vì đã không hành động hiệu quả để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp đối phó với chi phí năng lượng cao.
Theo cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat), ước tính lạm phát ở 19 quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã lên tới 10% trong tháng 9, tăng so với mức 9,1% trong tháng 8. Đây là mức cao nhất kể từ khi đồng euro được đưa vào sử dụng năm 1999. Theo Eurostat, lạm phát tháng 9 ở mức cao chủ yếu do giá năng lượng tăng mạnh, lên tới 40,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, giá thực phẩm chưa chế biến cũng tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá hàng hóa công nghiệp không sử dụng năng lượng, như các dịch vụ, cũng tăng mạnh hơn.
Do mức lạm phát phi mã, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vốn đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2% đã bắt đầu tăng lãi suất sau thời gian dài do dự. Gần đây nhất trong tháng 9-2022, ECB đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75 điểm phần trăm lên 1,25%, lần tăng lãi suất lớn nhất kể từ khi đồng euro ra đời. Dự kiến, ECB có thể tiếp tục phải đưa ra các biện pháp đối phó mới, trong đó có một đợt tăng lãi suất mạnh tiếp theo.
Khó có giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu
“Bão” giá, lạm phát tăng vọt do khủng hoảng năng lượng được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự bất bình ngày càng tăng của người dân. Quyết định của Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu đã khiến giá điện và khí đốt tăng vọt. Căng thẳng địa chính trị giữa phương Tây và Nga càng khiến giá xăng dầu tăng cao, tác động trực tiếp đến châu Âu. Người dân châu lục này đang chứng kiến hóa đơn năng lượng và lương thực của họ tăng cao kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Nếu nguồn cung cấp khí đốt vào châu Âu trong mùa đông này bị gián đoạn, tình hình còn tồi tệ hơn.
Làm thế nào để ổn định giá năng lượng là một trong những câu hỏi trọng tâm với châu Âu hiện nay. Khu vực này hiện đang cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng bằng nhiều cách, bao gồm giảm tiêu thụ điện và khí đốt, đặt giá khí đốt nhập khẩu tối đa, quay trở lại sử dụng than, vận hành các nhà máy điện hạt nhân, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Để chống chọi với cuộc khủng hoảng năng lượng, Chính phủ Pháp đang có kế hoạch tái kích hoạt nhiều điện hạt nhân hơn. Tại Đức, Cơ quan mạng lưới Liên bang (BNetzA) thông báo nước này đã đạt được mục tiêu lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt trước thời hạn lên tới 95%. Tuy nhiên, người phát ngôn của BNetzA nói rằng, điều này là “chưa đủ”. Còn tại Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết, một đường ống dẫn khí đốt sẽ được xây dựng nối bán đảo Iberia với Pháp và phần còn lại của châu Âu. Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha đã đồng ý hợp tác trong dự án, dự kiến làm tăng đáng kể khối lượng của 2 tuyến liên kết hiện có giữa Tây Ban Nha và Pháp.
Trên phạm vi toàn châu lục, cuối tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh để xem xét các biện pháp tiếp theo có thể giúp giảm giá khí đốt. Hội nghị đã nhất trí về lộ trình ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay nhằm đạt được 3 mục tiêu: hạ giá năng lượng, đảm bảo an ninh nguồn cung và giảm nhu cầu. Có điều, hành động thế nào để đạt các mục tiêu này gặp nhiều trở ngại.
Theo giới phân tích, một trong những bất đồng lớn nhất là kế hoạch thiết lập giá trần mà các nước EU phải trả để nhập khẩu khí đốt. Giới chức châu Âu vẫn tự tin vào sức mạnh tập thể của kế hoạch này sẽ giúp tăng vị thế đàm phán của EU với tư cách là một bên mua duy nhất. Tuy nhiên, trong khi 15 quốc gia EU, trong đó có Bỉ, Pháp, Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha, Romania, Slovenia và Tây Ban Nha, ủng hộ áp giá trần khí đốt thì 11 quốc gia thành viên khác như Đức, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch và Hà Lan lại lên tiếng phản đối. Các nước phản đối lập luận rằng, biện pháp này sẽ phản tác dụng vì khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mà châu Âu đang rất cần sẽ được bán cho các đối thủ sẵn sàng trả giá cao hơn.
Một mối lo nữa là khi tình hình có những biến động khó lường khiến nguồn cung khan hiếm, nhu cầu lại tăng vọt (như mùa đông lạnh hơn) thì nguy cơ “mạnh ai nấy sống” hoặc những “ngoại lệ” hoàn toàn có thể xảy ra, chẳng hạn như khả năng bùng nổ cạnh tranh nội bộ giữa các nước thành viên EU để mua khí đốt. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã tuyên bố bất kỳ kế hoạch nào của EU nhằm áp giá trần khí đốt trong tương lai cũng sẽ không áp dụng với các thỏa thuận dài hạn, trong đó có thỏa thuận mà Hungary đã ký với Tập đoàn Gazprom của Nga thời hạn 15 năm. Những bất đồng và ngoại lệ này khiến khả năng EU đạt được các giải pháp toàn diện mang tính ràng buộc để ứng phó cuộc khủng hoảng năng lượng càng trở nên mong manh hơn.
Ngày đăng: 10:09 | 24/10/2022
/