Châu Âu một lần nữa lại trở thành “tâm chấn” của Covid-19. Làn sóng lây nhiễm thứ 4 đang lan mạnh, cuốn châu lục này vào vòng luẩn quẩn: phong tỏa, mở cửa rồi lại phong tỏa. Mùa đông khắc nghiệt đang tràn tới, khiến thách thức mà lục địa già này phải đối mặt càng nặng nề thêm.

Châu Âu trong vòng luẩn quẩn với Covid-19 ảnh 1
Các hướng dẫn người dân về biện pháp phòng dịch được tăng cường ở Đức trong bối cảnh Covid-19 bùng phát mạnh

Lại trở thành tâm dịch toàn cầu

Tổ chức y tế thế giới (WHO) mới đây cho biết châu Âu đã một lần nữa trở thành tâm dịch toàn cầu. Trên khắp châu lục, tỷ lệ lây nhiễm đã tăng hơn 55% trong tuần qua. Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng 21-11-2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 257.406.397 ca mắc, trong đó tăng nhanh nhất là ở châu Âu. Trong 24 giờ, Đức ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất thế giới (59.200 ca), tiếp sau là Anh (40.941 ca), Nga (37.120 ca).

Theo đánh giá của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu, trong số 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU), các nước Đức, Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria, Croatia, CH Czech, Estonia, Hy Lạp, Hungary và Slovenia nằm trong danh sách “rất đáng lo ngại”. Các quốc gia khác được xếp vào loại “đáng lo ngại” là Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Ireland, Latvia, Litva, Luxembourg, Romania và Slovakia. Phần lớn các quốc gia nhằm trong nhóm đáng báo động nằm ở Trung, Đông và Bắc Âu, trong khi các nước Tây Âu và ven Địa Trung Hải dường như chịu ảnh hưởng nhẹ hơn.

Tại Đức, nơi dịch bệnh đang lan rất nhanh, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel gọi tình hình đất nước là “kịch tính”. Bộ trưởng y tế Đức Jens Spahn cho biết không loại trừ khả năng phải áp đặt “tình trạng khẩn cấp quốc gia”. Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Đức đã thông qua Luật phòng chống lây nhiễm sửa đổi, theo đó bổ sung một số hạn chế mới để hạn chế sự lây nhiễm dịch bệnh.

Tại Hà Lan, số ca mắc mới trong những ngày gần đây tăng gần gấp đôi so với hồi tháng 12-2020, khiến số giường trống tại phòng chăm sóc đặc biệt đến ngày 18-11 chỉ còn chưa đầy 200 giường. Cơ quan y tế Hà Lan cho biết họ đã phải trì hoãn điều trị cho một số bệnh nhân ung thư và mắc bệnh tim để có không gian điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.

Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, Áo đã phải quyết định phong toả toàn bộ đất nước bắt đầu từ ngày 22-11. Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg tuyên bố: “Không có lựa chọn nào khác ngoài việc áp đặt những hạn chế này. Lệnh phong toả sẽ được áp dụng cho tất cả người dân trong tối đa 20 ngày”. Học sinh Áo sẽ phải quay lại học trực tuyến. Các nhà hàng và hầu hết các cửa hàng sẽ phải đóng cửa, các sự kiện văn hóa sẽ bị hủy bỏ.

Theo các chuyên gia, sự bùng phát dịch trở lại tại các nước Trung, Đông và Bắc Âu là do nhiều nguyên nhân. Lý do đầu tiên mà các chuyên gia y tế thường đề cập đến là thời tiết. Khi mùa Đông đến gần, người dân thường có xu hướng tụ họp nhau trong các không gian kín và trong bối cảnh các biện pháp giãn cách như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, hạn chế số lượng người trong không gian kín… đã được các nước châu Âu bãi bỏ từ nhiều tháng qua, nguy cơ lây nhiễm khi tụ họp đông người trong không gian kín gia tăng. Việc thời tiết lạnh, nhiệt độ giảm mạnh cũng được nhiều người cho là nguyên nhân khiến virus lây lan nhanh hơn, do ít có biện pháp thông gió hơn.

Tuy nhiên, một lý do rất quan trọng khác mà, dù muốn hay không, báo chí và các chuyên gia y tế châu Âu cũng đã bắt đầu phải đề cập, đó là vấn đề hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine. Mặc dù châu Âu là châu lục có độ phủ vaccine cao nhất thế giới hiện nay, với đa số các nước đã tiêm đủ cho khoảng 70% dân số, cá biệt một số nước Nam Âu (như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha) còn tiêm đủ cho trên 80% dân số, nhưng số ca nhiễm vẫn gia tăng. Điều này bắt buộc phải đặt ra câu hỏi nghiêm túc về hiệu quả thực sự của các loại vaccine ngừa Covid-19 được châu Âu sử dụng, như Pfizer, Moderna, AstraZeneca hay Janssen.

Gấp rút với các biện pháp mạnh tay

Trước viễn cảnh có thể phải đối mặt với con số thêm 500.000 ca tử vong vì Covid-19 tính đến tháng 3-2022 nếu không hành động khẩn cấp theo như cảnh báo của WHO, nhiều nước châu Âu đã buộc phải có các biện pháp mạnh tay.

Hôm 19-1, Áo tuyên bố sẽ trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên áp dụng quy định tiêm vaccine ngừa Covid-19 bắt buộc đối với tất cả người dân. Hiện Chính phủ Áo đang chuẩn bị cơ sở pháp lý để quy định này sớm có hiệu lực. Mặc dù độ tuổi được yêu cầu tiêm chủng hiện vẫn chưa được xác định, nhưng chính phủ cho biết tất cả những người từ chối tiêm có khả năng bị phạt hành chính, thậm chí có thể chuyển thành án tù nếu không nộp phạt.

Đức thì đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn như áp đặt quy định 3G (đã tiêm, đã phục hồi và xét nghiệm âm tính) trên các phương tiện giao thông công cộng và tại nơi làm việc nhằm ngăn chặn nguy cơ hệ thống y tế đất nước rơi vào tình trạng quá tải. Quy định bắt buộc kiểm tra nghiêm ngặt đối với du khách và nhân viên trong các nhà dưỡng lão và viện điều dưỡng cũng được áp dụng. Những người sử dụng giấy chứng nhận hoặc xét nghiệm tiêm chủng giả sẽ phải chịu các mức phạt nghiêm khắc.

Tại Bỉ, giới chức nước này có thể bổ sung các biện pháp như yêu cầu người dân thực hiện giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc. Các câu lạc bộ đêm cùng với các sự kiện tư nhân hoặc cộng đồng có quy mô hơn 50 người tham gia trong không gian kín hoặc 100 người ở không gian mở sẽ phải đảm bảo thực hiện quy định về xuất trình chứng nhận Covid-19 và đeo khẩu trang.

Mặc dù mức độ bảo vệ khỏi biến chứng nặng hoặc tử vong của các loại vaccine mà châu Âu sử dụng vẫn ở mức rất cao, trung bình là 81,7% cho những người dưới 65 tuổi và 71,6% cho những người trên 65 tuổi, nhưng với kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả bảo vệ khỏi lây nhiễm Covid-19 của các loại vaccine này giảm rất mạnh theo thời gian, châu Âu đang tính thay đổi lại cách tiếp cận, không coi việc phủ rộng vaccine là yếu tố quyết định việc hạn chế số ca nhiễm Covid-19 gia tăng. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ở những người chưa tiêm, tiêm mũi tăng cường cho những người nguy cơ cao, cần phải tiếp tục truyền thông để người dân không mất cảnh giác, duy trì thường xuyên các biện pháp giãn cách như đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách hay tránh tụ tập quá đông người trong không gian kín. Nói cách khác là dù đã tiêm đủ vaccine cũng vẫn cần phải hết sức thận trọng.

Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) thì thông qua việc sử dụng khẩn cấp thuốc trị Covid-19 của hãng dược Mỹ Merck để điều trị cho người trưởng thành nhiễm Covid-19 chưa đến mức phải dùng oxy bổ trợ nhưng có nguy cơ bệnh trở nặng. EMA tuyên bố mặc dù thuốc của Merck chưa chính thức được thông qua, nhưng cơ quan này đưa ra khuyến nghị để từng nước thành viên EU có thể tự đưa ra quyết định trong trường hợp số ca nhiễm lên cao đến đỉnh. Ngoài ra, EMA cũng bắt đầu xem xét để cho phép sử dụng thuốc trị Covid của Pfizer.

Hà Nội ứng phó kịch bản 100.000 ca COVID-19 Hà Nội ứng phó kịch bản 100.000 ca COVID-19
Thảm cảnh của bệnh nhân COVID-19 ở nơi có nền y tế tiên tiến bậc nhất thế giới Thảm cảnh của bệnh nhân COVID-19 ở nơi có nền y tế tiên tiến bậc nhất thế giới
COVID-19 đang biến mất đột ngột? COVID-19 đang biến mất đột ngột?

Ngày đăng: 09:36 | 22/11/2021

/ anninhthudo.vn