Lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc họp ngày 2/6 đã đồng ý với lệnh cấm vận nhập khẩu dầu thô sẽ có hiệu lực hoàn toàn vào cuối năm 2022.

Theo đó, EU sẽ cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga cho liên minh gồm 27 quốc gia, với 450 triệu dân này. Hungary cùng với Slovakia và Cộng hòa Séc vẫn nhập khẩu được dầu thông qua tuyến đường ống Druzhba.

Đòn trừng phạt của EU đối với việc nhập khẩu dầu Nga qua đường biển được áp đặt với thời hạn theo từng giai đoạn, 6 tháng đối với dầu thô và 8 tháng đối với các sản phẩm dầu tinh chế.

1200x-1
Ảnh minh họa

Ngoài việc cấm nhập khẩu bằng đường biển vào châu Âu, các biện pháp trừng phạt mới cũng bao gồm lệnh cấm ngay lập tức đối với việc bảo hiểm các tàu chở dầu của Nga.

Gói trừng phạt thứ 6 của EU cũng bao gồm việc loại ngân hàng lớn nhất của Nga - Sberbank khỏi hệ thống giao dịch thanh toán quốc tế SWIFT.

Gói trừng phạt này có hiệu lực vào lúc 7h ngày 3/6 giờ địa phương (tức 14h theo giờ Việt Nam), trừ khi một quốc gia thành viên phản đối. Việc áp đặt trừng phạt sẽ sớm diễn ra sau đó.

Phản ứng trước thông tin trên, Nga cảnh báo người tiêu dùng châu Âu sẽ là người đầu tiên phải chịu hậu quả sau khi EU đưa ra lệnh cấm vận một phần đối với dầu mỏ của Nga.

Phát biểu trên truyền hình, Phó Thủ tướng Alexander Novak khẳng định: "Hậu quả của những quyết định trên là người tiêu dùng châu Âu sẽ phải chịu đầu tiên."

Ông cũng cho biết thêm rằng quyết định này có thể gây ra "sự thâm hụt lớn" về các sản phẩm dầu mỏ trong EU.

Ngày đăng: 08:26 | 03/06/2022

P.V / Theo Nghề nghiệp Cuộc sống