Hiện các nước châu Âu đang chạy đua chuẩn bị cho kịch bản thiếu năng lượng cho mùa Đông sắp đang đến gần. Hồi tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra các đề xuất nhằm giảm bớt áp lực lên người tiêu dùng, bao gồm cả việc hạn chế bắt buộc sử dụng điện. Một số chuyên gia năng lượng lo ngại rằng, các khoản trợ cấp năng lượng trực tiếp của chính phủ sẽ cản trở nỗ lực hạn chế nhu cầu.

Một loạt giải pháp

Ngày 19/9, Đức cho biết, nước này đang tìm cách ký thỏa thuận mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) với các nhà sản xuất Vùng Vịnh. Các nước châu Âu khác cũng đã đặt ra giải pháp nhằm tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh dòng khí đốt từ Nga đang ở mức thấp nghiêm trọng khi mùa Đông sắp đến gần. Đức cho biết, nước nước này muốn ký hợp đồng LNG ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để cung cấp cho các kho cảng mà Berlin đang xây dựng, do đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 vận chuyển khí đốt từ Nga đã dừng hoạt động.

20
Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1. Ảnh: Reuters.

“Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, các nguồn dự trữ tại Đức ở mức cao và chúng ta có một chút may mắn với thời tiết… chúng ta sẽ có cơ hội vượt qua mùa Đông tới một cách dễ chịu”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết sau chuyến thăm trạm LNG tương lai ở miền Bắc nước này. Đức có thể bắt đầu nhận khí đốt của Pháp từ tháng 10 tới, người đứng đầu Cơ quan quản lý năng lượng CRE của Pháp, bà Emmanuelle Wargon, cho biết.

Trước đó, Tổng thống Pháp tuyên bố sẵn sàng cung cấp khí đốt cho Đức, còn Đức có thể chuyển điện cho Pháp để giúp nhau ứng phó khủng hoảng năng lượng. Theo bà Emmanuelle Wargon, nếu việc sửa chữa lò phản ứng hạt nhân của tập đoàn năng lượng EDF bị chậm trễ, các biện pháp “ngoại lệ” Pháp có thể thực hiện trong mùa đông tới là cắt điện cục bộ. “Tuy nhiên, sẽ không có chuyện cắt khí đốt cho các hộ gia đình”, quan chức trên cho hay.

Trong khi đó, Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha Reyes Maroto nói rằng, việc bắt buộc các công ty sử dụng nhiều năng lượng phải đóng cửa trong giai đoạn tiêu thụ cao điểm là một lựa chọn trong mùa Đông tới nếu cần thiết.

Theo bà, các công ty sẽ được bồi thường về tài chính nếu bị buộc phải đóng cửa, nhưng hiện tại chưa cần phải áp dụng biện pháp như vậy. Tại Phần Lan, nhà vận hành mạng lưới điện quốc gia Fingrid đã cảnh báo người dân nên chuẩn bị cho khả năng thiếu điện. Trong khi đó, Công ty bán lẻ điện Phần Lan Karhu Voima Oy cho biết, họ đã nộp đơn xin phá sản do giá điện tăng quá cao.

Ở Bồ Đào Nha, chính phủ cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung nhằm tăng cường an ninh năng lượng. “Giống như tất cả các nước châu Âu khác, Bồ Đào Nha cũng đang chuẩn bị cho một mùa Đông khó khăn”, Bộ trưởng Năng lượng và môi trường Duarte Cordeiro nói, đồng thời thúc giục Ủy ban châu Âu thúc đẩy kế hoạch về nền tảng thu mua khí đốt chung EU và xác định giá nhập khẩu.

Quyết tâm thoát khí đốt của Nga

Các nước châu Âu đã thành công trong việc đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên bổ sung để thay thế một phần khí đốt của Nga. Tuần trước, EU đã đưa ra các đề xuất nhằm giảm bớt áp lực lên người tiêu dùng, bao gồm cả việc hạn chế bắt buộc sử dụng điện.

Một số chuyên gia năng lượng lo ngại rằng các khoản trợ cấp năng lượng trực tiếp của chính phủ sẽ cản trở nỗ lực hạn chế nhu cầu. Khi mùa Đông đang đến gần, các nước châu Âu sẽ dễ bị tổn thương hơn do thiếu hụt khí đốt. Nếu thời tiết khắc nghiệt hơn bình thường, dẫn đến việc tiêu thụ năng lượng tăng lên, châu Âu sẽ đối mặt với viễn cảnh khó khăn. Ngoài ra, duy trì sự thống nhất của châu Âu trong suốt mùa Đông cũng có thể yêu cầu một số nước phải chia sẻ khí đốt dự trữ với những quốc gia khác.

Trong khi có dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Nga đối với nguồn cung năng lượng của châu Âu đang suy giảm, giá khí đốt và điện, vốn đã tăng sau thông báo khóa van vô thời hạn Dòng chảy phương Bắc 1, đã nhanh chóng đảo ngược. Ngày 16/9, khí đốt bán buôn giao dịch ở mức khoảng 185 euro/MWh.

Con số này cao gần gấp 3 lần so với một năm trước và hơn gấp đôi mức vào đầu tháng 6, khi Nga bắt đầu giảm nguồn cung thông qua Dòng chảy phương Bắc 1. Bên cạnh đó, giá điện đã giảm một nửa so với khoảng thời gian cao kỷ lục. “Có vẻ tình hình đang ổn định trở lại”, ông David den Hollander, đồng sáng lập công ty kinh doanh điện năng DC Energy Trading của Hà Lan cho biết.

Các giải pháp thay thế cho nguồn cung cấp khí đốt của Nga, bao gồm khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và các quốc gia khác, đang giúp lấp đầy khoảng trống khí đốt do Nga để lại. Kho chứa khí đốt dự trữ dưới lòng đất của châu Âu đã đạt 85% công suất, vượt mục tiêu 80% vào cuối tháng 10.

Ông Simon Quijano-Evans, nhà kinh tế tại Gemcorp Capital LLC, một quỹ đầu tư có trụ sở tại London, cho biết, ngay cả khi nguồn cung khí đốt của Nga ngừng hoàn toàn, Moscow vẫn tiếp tục xuất khẩu khoảng 80 triệu m3 khí đốt mỗi ngày sang EU thông qua Ukraine và đường ống TurkStream. Điều này có thể giúp EU có đủ khí đốt cho mùa đông tới. Vị chuyên gia này ước tính mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên trung bình của EU từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau vào năm 2018 đến năm 2021 là 256 tỷ m3. Sự khác biệt có thể được tạo nên bằng việc giảm nhiệt độ sưởi ấm xuống một độ C sẽ tiết kiệm 10 tỷ m3.

Bên cạnh việc tìm nguồn cung thay thế trên thị trường khí đốt toàn cầu vốn đã căng thẳng, một số nước châu Âu nói rằng họ có thể sẽ phải sử dụng nhiều than đá hơn, gia hạn vòng đời của các nhà máy điện hạt nhân và tăng sản lượng năng lượng tái sinh.

“Sự gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu vẫn là một rủi ro lớn với nhiều hệ lụy. Châu Âu có một số lựa chọn nguồn cung thay thế và với nhu cầu thấp vào những tháng mùa Hè sắp tới, họ không chịu rủi ro cạn kiệt nguồn cung trong năm nay”, nhà phân tích Norbert Rücker tại ngân hàng tư nhân Julius Baer cho biết.

Ngày đăng: 08:31 | 21/09/2022

Khổng Hà / CAND