Xung đột Nga - Ukraine đang đẩy châu Âu vào vòng xoáy khủng hoảng khi phải đối mặt với loạt thách thức chưa có lời giải.

Châu Âu từng được biết đến là miền đất hứa, nơi mà nhiều người từ khắp các châu lục trên thế giới mong muốn được đặt chân đến. Giấc mơ “trời Âu” luôn là niềm khao khát của rất nhiều người. Thế nhưng, viễn cảnh về một châu Âu thịnh vượng, ổn định… giờ đây trở nên mong manh hơn bao giờ hết trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn.

Đó là một châu Âu đầy rẫy những bất ổn, khó khăn chồng chất khó khăn và thách thức từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Châu Âu đang đối mặt với làn sóng tị nạn mới từ Ukraine, khủng hoảng năng lượng do hậu quả từ các đòn trừng phạt Nga, lạm phát tăng cao kỷ lục, nông dân và công nhân biểu tình ở nhiều nơi…

Khủng hoảng di cư?

Mới đây, Quyền Giám đốc Cơ quan bảo vệ bờ biển và biên phòng (FRONTEX) Aija Kalnaja cảnh báo, Liên minh châu Âu (EU) nên chuẩn bị cho "làn sóng di cư" mới trong bối cảnh khủng hoảng lương thực. Không chỉ người tị nạn đến từ Ukraine, thiếu lương thực tại nhiều quốc gia trên thế giới sẽ là nguy cơ tiềm ẩn dòng người tị nạn tìm đến châu Âu.

Châu Âu ‘rối như tơ vò’ giữa khủng hoảng Nga - Ukraine - 1
 Châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng tị nạn mới từ khủng hoảng Nga - Ukraine.

“Chúng tôi cũng phải chuẩn bị cho những người tị nạn đến từ các khu vực khác bởi vì an ninh lương thực. Việc vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine bị gián đoạn và điều đó sẽ tạo ra làn sóng di cư mới", bà Aija Kalnaja nói. 

Cuộc khủng hoảng lương thực và khủng hoảng năng lượng hiện nay có thể dẫn đến những tình huống mất an ninh khiến mọi người rời bỏ đất nước của mình. Đó là một thách thức rất lớn và không ai có thể đoán trước được số lượng người đến.

Mới đây, EU cũng đã vạch ra kịch bản mà liên minh này phải đối mặt từ hậu quả tiềm tàng của xung đột Ukraine - Nga, trong đó có cảnh báo về "một nạn đói thảm khốc" mà Bắc Phi phải hứng chịu. Nạn đói có thể gây ra làn sóng biểu tình, di cư trong nước, di cư sang các khu vực lân cận và có thể hướng tới châu Âu.

Theo EU, nếu kịch bản như vậy diễn ra, Tây Ban Nha và Italy sẽ là nơi đối mặt với làn sóng di cư này bởi đây là những quốc gia giáp biển Địa Trung Hải, nơi mà người di cư từ Bắc Phi sẽ tìm cách vượt qua để đến với miền đất hứa. 

Tháng trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết trong suốt cuộc khủng hoảng ở Ukraine, 7,5 triệu người tị nạn Ukraine đã nhập cảnh vào EU và 3 triệu người vẫn đang ở EU. Số lượng lớn nhất người tị nạn Ukraine đang ở Cộng hòa Séc, tiếp theo là Ba Lan, Estonia, Litva, Bulgaria và Latvia. 

Làn sóng người di cư khiến EU đối mặt với thách thức nghiêm trọng. Ngoài vấn đề lương thực, người tị nạn Ukraine còn mang đến gánh nặng cho các nước châu Âu về chăm sóc y tế, việc làm, giáo dục con cái và vấn đề lưu trú bất hợp pháp…

Để trợ giúp các nước trong khối đang tiếp nhận người tị nạn Ukraine, tới thời điểm này EU đã giải phóng hàng tỷ euro tiền chưa sử dụng tới cho các khu vực của châu Âu. Với tên gọi quỹ gắn kết, dành cho những người cần nhất (FEAD), số tiền này hiện có thể được chi cho việc trợ giúp khẩn cấp cho người tị nạn Ukraine, như chi cho chỗ ở tạm thời, thức ăn, chăn màn và quần áo cũng như các dịch vụ bao gồm tư vấn tâm lý, chăm sóc y tế và giáo dục.

Bulgaria, Cộng hòa Séc và nhiều nước gần đây buộc phải cắt giảm trợ cấp người tị nạn. Gánh nặng tài chính khiến Scotland mới đây tạm dừng trợ giúp cho người tị nạn Ukraine. Theo đó, Scotland sẽ ngừng cấp thị thực cho người Ukraine theo chương trình "siêu tài trợ" của nước này. 

Nông dân Hà Lan nổi giận

Nông dân ở Hà Lan đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình lớn với hàng nghìn xe đầu kéo xếp hàng để chặn biên giới Đức - Hà Lan nhằm phản đối chính sách gây tranh cãi của chính phủ. Chưa hết, họ còn chặn các ngả đường, trung tâm phân phối thực phẩm tại một số thành phố ở Hà Lan.

Người nông dân biểu tình để phản đối kế hoạch của chính phủ khi yêu cầu họ sử dụng ít phân bón hơn và cắt giảm kế hoạch chăn nuôi gia súc. Tháng trước, Chính phủ Hà Lan công bố các mục tiêu giảm một nửa các hợp chất nitơ oxit có hại vào năm 2030.

Châu Âu ‘rối như tơ vò’ giữa khủng hoảng Nga - Ukraine - 2

Nông dân Hà Lan sử dụng hàng trăm xe đầu kéo biểu tình, chặn dọc biên giới Đức - Hà Lan.

Đây là nỗ lực mới nhất của Chính phủ Hà Lan nhằm giải quyết một trong những vấn đề nan giải trong nhiều năm tại quốc gia này. Chính phủ Hà Lan cho rằng, cần phải cắt giảm lượng khí thải nitơ oxit và amoniac do vật nuôi tạo ra.

Theo Chính phủ Hà Lan, nước này cần phải giảm phát thải các nitơ oxit từ phân gia súc và từ việc sử dụng amoniac trong phân bón. Theo ước tính, sẽ cần giảm 30% số lượng vật nuôi. Việc chăn nuôi bò, lợn và các động vật khác với số lượng lớn đã khiến Hà Lan trở thành quốc gia có lượng chất thải độc hại hàng đầu châu Âu. 

Nông dân Hà Lan cho rằng chính sách mới là không hợp lý và lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ cách tiếp cận của chính phủ nước này. Trước đó, Tòa án Hà Lan và châu Âu đã yêu cầu Chính phủ Hà Lan giải quyết vấn đề ô nhiễm.

Nông dân Hà Lan giờ đây đang gặp khó khăn trong định hướng nghề nghiệp thời gian tới. Chăn nuôi là nghề nghiệp chính của họ trong thời gian dài và giờ sẽ không biết sẽ làm gì khi chính phủ áp dụng chính sách mới.

Công nhân dầu khí Na Uy đình công

Công nhân dầu khí Na Uy làm việc tại các mỏ dầu và khí đốt ở biển Bắc tổ chức đình công đòi tăng lương để bù đắp cho lạm phát gia tăng. Điều này khiến Na Uy mất đi khoảng 10% sản lượng dầu mỏ và khí đốt, tạo thêm thách thức cho châu Âu trong việc lấp đầy kho khí đốt và thoát phụ thuộc vào Nga.

Na Uy là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu ở châu Âu, Sản lượng dầu và khí đốt tự nhiên của nước này đang bị sụt giam do cuộc đình công từ đầu tháng này. Công đoàn của Tổ chức Các nhà quản lý và Điều hành hoạt động khai thác dầu và khí đốt Na Uy (Lederne) yêu cầu tăng lương để bù đắp cho lạm phát gia tăng.

Trước các cuộc đình công của công nhân, nhà điều hành Equinor đã phải đóng cửa các mỏ Gudrun, Oseberg South và Oseberg East, đồng thời chuẩn bị đóng cửa các mỏ Heidrun, Kristin và Aasta Hansteen.

Theo số liệu của Hiệp hội Dầu khí Na Uy (NOG), sản lượng khí đốt sẽ giảm 13% và dầu thô là 6,5%, sau khi công nhân đình công. Na Uy sẽ giảm đi lượng khí đốt tương ứng với 292.000 thùng dầu và 130.000 thùng dầu thô mỗi ngày.

Nếu đình công leo thang ở Na Uy, sản lượng khí đốt hàng ngày của nước này có thể bị cắt giảm thêm tương đương với 230.000 thùng dầu và lượng LNG tương đương 160.000 thùng.

Cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh giá dầu và khí đốt tăng cao, với nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu đặc biệt thắt chặt sau khi Nga cắt giảm xuất khẩu. Na Uy đang đóng vai trò quan trọng trong việc giúp EU thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga. Bộ Dầu khí cho biết quốc gia Bắc Âu này hiện đang đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu cho châu Âu và 1/5 nguồn cung tại Anh.

Các chuyên gia phân tích thị trường cho hay, trong bối cảnh các hạn chế đối với xuất khẩu của Nga và sự thiếu hụt khí đốt trên thị trường châu Âu, cuộc đình công này đẩy giá các mặt hàng lên cao. 

Châu Âu ‘rối như tơ vò’ giữa khủng hoảng Nga - Ukraine - 3

Người Anh tuần hành phản đối các chính sách của chính phủ trong bối cảnh giá cả chi phí sinh hoạt tăng cao.

Dân Anh tuần hành vì chi phí sinh hoạt tăng cao

Nhiều cuộc tuần hành của người dân Anh diễn ra tại thủ đô London thời gian qua. Họ cho rằng Chính phủ Anh không tìm được giải pháp cho tình trạng chi phí sinh hoạt đang tăng nhanh.

Người tham gia tuần hành cầm biểu ngữ yêu cầu chính phủ hỗ trợ các hộ gia đình trên khắp nước Anh thoát khỏi “tình trạng đói nhiên liệu”. Giá năng lượng đã tăng đáng kể ở Anh kể từ khi Thủ tướng Boris Johnson tự nguyện ngừng nhập khẩu dầu và khí đốt Nga sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2.

Dân Anh đang phải trả nhiều tiền cho xăng và dầu diesel hơn bao giờ hết. Lạm phát tại nước này đạt mức cao nhất trong 40 năm là 9% vào tháng 4, trong khi riêng giá lương thực được dự đoán sẽ tăng đột biến 15% trong mùa hè này. 

Hóa đơn năng lượng của dân Anh dự báo sẽ tăng vọt trong thời gian tới. Một hộ gia đình ở Anh trung bình sẽ phải trả hơn 3.300 bảng Anh/năm để bật đèn và sưởi ấm. Mức chi tiêu này sẽ  tăng 71% so với mức cao kỷ lục mà dân Anh đang phải gánh chịu. Trên thực tế, ngay cả trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, người tiêu dùng Anh đã phải trả nhiều chi phí hơn do giá năng lượng tăng mạnh.

Trong khi đó, Cơ quan quản lý ngân sách Anh cho biết, thu nhập khả dụng của hộ gia đình ở Anh được cho sẽ giảm với tốc nhanh nhất kể từ khi việc dữ liệu bắt đầu được lưu trữ vào những năm 1950 và người Anh sẽ chứng kiến mức sống giảm mạnh nhất kể từ năm 1956.

Không chỉ ở thủ đô London, các cuộc tuần hành tương tự đã diễn ra ở nhiều thành phố của Ireland, trong đó có Dublin, Galway và Cork - nơi người dân đang phải đối mặt với những khó khăn về giá cả. Giá lương thực và nhiên liệu đang tăng ở Ireland. Nước này cũng đang trải qua cuộc khủng hoảng thiếu nhà ở và tình trạng vô gia cư.

Ngày đăng: 13:30 | 14/07/2022

KÔNG ANH / VTC News