Khi muốn thể hiện nỗi lo ngại của châu Âu về các vấn đề nóng, Macron không gọi tới Washington nữa, thay vào đó ông bay đến Bắc Kinh.
Chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Trung Quốc hôm 6/11 cho thấy nguy cơ nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump bị "gạt ra rìa" trên trường quốc tế. Khoảnh khắc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nếm rượu vang Pháp, sản phẩm gần đây bị chính quyền Trump "mạnh tay" áp thuế, thể hiện rất rõ nguy cơ này.
Macron đã thể hiện vai trò là một "đặc phái viên" của Liên minh châu Âu (EU) nhằm truyền đi thông điệp rằng đa số các thành viên trong khối đang mất niềm tin vào Trump, người công khai coi thường chủ nghĩa đa phương.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 6/11. Ảnh: Reuters. |
Trong bối cảnh chính quyền Trump bắt đầu tiến trình rút khỏi thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu, Pháp và Trung Quốc hôm 6/11 đưa ra "lời hiệu triệu Bắc Kinh", kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học. Cả hai nước cũng kịch liệt phản đối quyết định rút khỏi thỏa thuận Paris của Mỹ.
"Lựa chọn cá biệt của một quốc gia không thể thay đổi cục diện thế giới. Nó chỉ dẫn đến sự cô lập", Macron nói.
Khi Chủ tịch Trung Quốc thưởng thức rượu vang và thịt bò hảo hạng Pháp tại một hội chợ hàng nhập khẩu ở Thượng Hải, Macron đã bày tỏ mong muốn thúc đẩy việc đưa thêm các sản phẩm châu Âu đến thị trường Trung Quốc.
"Tôi nghĩ là ông ấy đã thử rượu vang Languedoc. Ông ấy chưa từng biết về loại rượu này, nhưng ông ấy thích chúng. Ông Tập còn thử rượu Burgundy và rượu Bordeaux truyền thống", Macron chia sẻ với báo giới.
Ông Tập nói rằng hai lãnh đạo đang gửi đi "một thông điệp mạnh mẽ đến thế giới về việc phát triển quan hệ đa phương bền vững và tự do thương mại, cũng như hợp tác xây dựng các nền kinh tế mở".
Trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đến Trung Quốc hồi tháng 1/2018, Macron đã hứa sẽ trở lại mỗi năm trong một nỗ lực tạo "sự tin tưởng lẫn nhau". Ông Tập sau đó công du đến Pháp, khi Trung Quốc ký thỏa thuận mua 300 máy bay từ tập đoàn Airbus của châu Âu hồi tháng 3.
Lần này, Macron đến Trung Quốc với một chương trình nghị sự đầy tham vọng, bao gồm xây dựng lập trường chung về việc cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chiến đấu chống biến đổi khí hậu và cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA).
Sau khi Trump rút khỏi JCPOA, Pháp và Trung Quốc đã liên tục khẳng định sự ủng hộ đối với thỏa thuận khó khăn mà hai nước đã nỗ lực đàm phán để có thể đạt được với Iran.
Tại Bắc Kinh, Macron đã miêu tả những căng thẳng gần đây ở vùng Vịnh là "tác động tiêu cực của việc không tôn trọng một thỏa thuận đa phương... Sai lầm của Mỹ là đơn phương rời bỏ thỏa thuận".
"Quan hệ song phương mạnh mẽ có hiệu quả hơn việc thúc đẩy chủ nghĩa đơn phương", Macron nói, ca ngợi sự ủng hộ của Trung Quốc trong việc xoa dịu căng thẳng khi các nước châu Âu đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Iran. "Trung Quốc và Pháp sát cánh cùng các nước châu Âu và Nga", ông nói. "Chúng tôi tin rằng nên tăng cường các nỗ lực chung để đưa Iran trở lại với thỏa thuận".
Về vấn đề thương mại, EU thường ủng hộ Mỹ chỉ trích chính sách bảo hộ, trợ cấp doanh nghiệp và các chính sách hạn chế khác của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi Trump tung hàng loạt đòn áp thuế trị giá hàng tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc lẫn đồng minh châu Âu và nhiều nước khác bất chấp quy định của WTO, EU cho rằng chiến tranh thương mại không phải là cách phản ứng phù hợp.
"Chúng ta cần phải có những luật lệ thương mại có tính ổn định và hợp tác ở cấp quốc tế", Macron nói khi đề cập đến kế hoạch cải tổ WTO. Trump thường phàn nàn rằng WTO, tổ chức có trách nhiệm giải quyết các tranh chấp thương mại, là yếu kém và không hiệu quả khi mất nhiều năm mới giải quyết các đơn khiếu nại Trung Quốc vi phạm quy định.
Macron cho rằng châu Âu và Trung Quốc phải có trách nhiệm chung trong việc đưa ra các đề xuất cải cách WTO, bởi việc chờ đợi "những người hoài nghi chủ nghĩa đa phương" sẽ là một "sai lầm cơ bản". Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận về tuyên bố này.
Ngoài các đòn thuế với hàng hóa Trung Quốc, Mỹ cũng không bỏ qua thép, nhôm và nông sản EU, dẫn đến các động thái trả đũa từ khối liên minh 28 quốc gia này. Chính quyền Trump sắp tới sẽ ra quyết định về việc áp thuế đối với hoạt động xuất khẩu ôtô của châu Âu, động thái có thể làm gia tăng đáng kể căng thẳng thương mại đang gây tổn hại đến nền kinh tế thế giới.
Eswar Prasad, chuyên gia kinh tế tại Đại học Cornell và từng là giám đốc chi nhánh Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Trung Quốc, cho rằng "sự ác cảm của chính quyền Trump với quan hệ đa phương, việc rút khỏi nhiều thỏa thuận quốc tế và thái độ thù địch với cả những đồng minh lâu năm đã làm xói mòn ảnh hưởng về kinh tế và địa chính trị của Mỹ".
"Nước Mỹ giờ đây bị nhiều quốc gia nhìn nhận là một đối tác không đáng tin cậy, Mỹ khiến các nước này phải né tránh Mỹ bằng cách ký những thỏa thuận song phương và đa phương có thể giúp họ bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của mình", Prasad nói.
Quốc Hưng (Theo AP)
Ngày đăng: 11:26 | 07/11/2019
/ vnexpress.net