Nhiều nước châu Âu từng "đặt cược" vào vaccine AstraZeneca đang ngừng tiêm chủng sau một loạt sự cố, giữa lúc "nước sôi lửa bỏng" vì Covid-19.
Chỉ vài ngày trước, giới chức Pháp vẫn kêu gọi người dân tin tưởng vaccine Covid-19 do hãng dược phẩm Anh - Thụy Điển AstraZeneca hợp tác phát triển với Đại học Oxford, loại vaccine được kỳ vọng giúp đất nước đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua thông báo họ sẽ ngừng triển khai vaccine của AstraZeneca để đề phòng, sau thông tin về tình trạng đông máu ở những người được tiêm, thậm chí có trường hợp nghiêm trọng đến mức tử vong. "Hy vọng chúng tôi có thể nhanh chóng nối lại tiêm chủng nếu được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) bật đèn xanh", Macron nói thêm.
Cảnh sát Italy hôm qua cũng bắt đầu thu hồi gần 400.000 liều vaccine AstraZeneca theo yêu cầu của các công tố viên đang điều tra cái chết của một giáo viên sau khi tiêm chủng. Cơ quan Dược phẩm Italy cho hay lệnh ngừng tiêm vaccine này trên toàn quốc là biện pháp "đề phòng và tạm thời".
Tại Đức, quốc gia từng ủng hộ vaccine AstraZeneca bất chấp lo ngại từ nước khác, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cũng gọi quyết định ngừng tiêm "đơn giản là biện pháp đề phòng". Đức đã sử dụng hơn 1,6 triệu liều vaccine của AstraZeneca, dù nước này chủ yếu dựa vào vaccine của Pfizer-BioNTech.
Tây Ban Nha cũng nối gót các nước trên. Trong buổi họp báo tối qua, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias cho biết bà đã liên lạc với các đồng nghiệp châu Âu trước khi ra lệnh ngừng tiêm vaccine AstraZeneca trong hai tuần, nói thêm rằng điều này giúp các bên liên quan có thời gian để xem xét những trường hợp đông máu được phát hiện gần đây.
Một người được tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca tại trung tâm tiêm chủng ở Berlin, Đức, hôm 8/3. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, nhiều quan chức và chuyên gia miễn dịch lo ngại châu Âu đang lãng phí khoảng thời gian quý báu trong cuộc chạy đua chống lại các biến chủng nCoV lây lan mạnh, giữa lúc làn sóng đại dịch thứ ba đang càn quét châu lục.
"Đây là một thảm họa. Nhiều người đang tha thiết chờ đợi vaccine", Heike Werner, lãnh đạo cơ quan y tế bang Thuringia ở phía đông Đức, cho hay. Roberto Burioni, nhà virus học hàng đầu người Italy, cũng bày tỏ lo ngại rằng người dân giờ đây sẽ tránh sử dụng vaccine của AstraZeneca.
"Tôi hiểu việc bạn không tiêm chủng, do lo sợ trước những quyết định không lý giải được. Tôi hiểu và tôi rất tiếc, bởi vì bạn sẽ phải đối mặt với một rủi ro nghiêm trọng để tránh một nguy cơ không đáng kể", Burioni viết trên Twitter.
Quyết định đình chỉ tiêm vaccine AstraZeneca của các nước châu Âu còn được đưa ra ngay thời điểm chiến dịch tiêm chủng tại châu lục bị tụt xa so với Anh và Mỹ. Vì vậy, tiến sĩ Michael Head, chuyên gia cấp cao về y tế toàn cầu tại Đại học Southampton ở Anh, cho rằng quyết định ngừng tiêm chủng của Pháp, Đức và các nước khác "gây thất vọng", đồng thời chỉ ra nguy cơ gia tăng tâm lý ngần ngại tiêm vaccine của người dân.
Bên cạnh đó, AstraZeneca kiên quyết bảo vệ vaccine của họ, nói rằng "không có bằng chứng" cho thấy sản phẩm này làm tăng nguy cơ đông máu hoặc xuất huyết, xét trong số hơn 17 triệu người đã được tiêm ở Liên minh châu Âu (EU) và Anh. "An toàn cho tất cả là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi đang làm việc với giới chức châu Âu, cơ quan y tế các nước và mong chờ đánh giá của họ vào cuối tuần này", tuyên bố của AstraZeneca hôm 15/3 có đoạn.
Trên thực tế, Anh phê duyệt vaccine của AstraZeneca từ cuối tháng 12/2020 và đã tiêm 9,7 triệu liều, tính đến cuối tháng trước. Cơ quan quản lý dược phẩm nước này chưa nêu lo ngại nào về tình trạng đông máu vì tiêm vaccine này, hoặc sản phẩm của Pfizer.
"Số lượng và bản chất các phản ứng bất lợi được báo cáo đến nay không có gì bất thường, so với những loại vaccine được sử dụng thường xuyên khác", báo cáo gần đây nhất về an toàn vaccine của Anh có đoạn.
Trong số hàng triệu người đã tiêm vaccine AstraZeneca tại Anh, 14 trường hợp được ghi nhận xuất hiện huyết khối tĩnh mạch sâu, tức những cục máu đông hình thành trong mạch máu và gây tắc nghẽn, cùng 13 trường hợp thuyên tắc phổi. Một người đã tử vong. 35 trường hợp khác xuất hiện tình trạng giảm tiểu cầu, trong đó một người chết.
"Chúng tôi đang xem xét kỹ lưỡng các báo cáo. Tuy nhiên, những căn cứ hiện nay không chứng minh được vaccine là nguyên nhân", tiến sĩ Phil Bryan, thuộc một cơ quan quản lý của Anh, cho hay.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cam kết về tính an toàn của vaccine AstraZeneca, còn EMA đã phê duyệt nó sau khi theo dõi khoảng 5 triệu mũi tiêm trên khắp châu Âu. Quyết định của cơ quan này tính đến hôm qua vẫn không có gì thay đổi. WHO và EMA đều cảnh báo việc quay lưng với vaccine sẽ làm suy yếu nỗ lực triển khai tiêm chủng ngay tại thời điểm then chốt.
Giữa lúc nỗi nghi ngờ bao trùm vaccine AstraZeneca, ngày càng nhiều nước dự định hoặc đã áp dụng các biện pháp phong tỏa mới. Đối với một số nơi, đây đã là vòng phong tỏa thứ ba hoặc thứ tư trong một năm.
Hôm 15/3, Italy mở rộng các lệnh hạn chế di chuyển nghiêm ngặt trên toàn quốc, gây lo ngại đẩy đất nước lún sâu hơn vào khủng hoảng kinh tế và sức khỏe tâm thần của người dân, trong khi chiến dịch tiêm chủng còn nhiều vấn đề, biến chủng nCoV từ Anh lây lan ngày càng mạnh.
Sự yên tĩnh trên đường phố Rome và nhiều nơi khác làm gợi lại ký ức một năm trước, khi Italy trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên đóng cửa để đổi lấy một số tiến bộ nhỏ trong cuộc chiến chống đại dịch.
"Làn sóng thứ hai rồi thứ ba, tôi không đếm được nữa. Tôi cảm thấy bối rối và thất vọng", Barbara Lasco, người phụ nữ 43 tuổi tại Milan, cho biết.
Những thành quả trong công tác phòng dịch từng xuất hiện gần như khắp châu Âu, nhưng giờ đây đều bị đình trệ. Tại Đức, ngay cả khi nhiều cửa hàng không thiết yếu chỉ mới tái mở cửa từ tuần trước, giới chức vẫn kêu gọi thận trọng. "Chúng tôi đang thấy những dấu hiệu rõ ràng, rằng làn sóng đại dịch thứ ba đã bắt đầu ở Đức", Lothar Wieler, chủ tịch Viện Robert Koch phụ trách kiểm soát và phòng dịch của Đức, cho biết hôm 12/3.
Cùng ngày, Thủ tướng Italy Mario Draghi cảnh báo đất nước đang đối mặt với "làn sóng lây nhiễm mới", do xuất hiện ngày càng nhiều biến chủng mới của nCoV. Ông giao nhiệm vụ triển khai vaccine cho một tướng quân đội và hy vọng tăng số liều tiêm từ 100.000 lên 500.000 mỗi ngày. Nhưng đó là trước khi nỗi lo lắng về vaccine AstraZeneca lan rộng.
Hôm 15/3, Iacopo Benini, một giáo sư 32 tuổi, đã hủy lịch tiêm vaccine AstraZeneca chỉ 20 phút trước giờ hẹn tại Milan.
"Bây giờ thì ai sẽ chịu tiêm vaccine AstraZeneca cơ chứ?", Benini nói.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)
Một nhân viên y tế chết sau tiêm vaccine AstraZeneca
Một nhân viên y tế chết vì xuất huyết não sau khi tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca, giới chức y tế thông báo hôm 15/3. |
Thêm loạt nước ở châu Âu dừng tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca
Nhiều nước ở châu Âu như Hà Lan, Ireland, Na Uy... đã đồng loạt dừng tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca sau khi xuất hiện các ... |
Ngày đăng: 22:00 | 16/03/2021
/ vnexpress.net