“Ở tuổi 75, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hùng mạnh hơn, nhưng cũng đang bị đe dọa” - hãng thông tấn Pháp AFP nhấn mạnh, đúng vào ngày Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên đường công du châu Âu. Và, có thể nói, những gì AFP đề cập trong lo lắng, cũng chính là những thách thức không dễ vượt qua đang chắn trước mặt nước Pháp nói riêng, cũng như Liên minh châu Âu (EU) nói chung
Sứ mệnh của ngài Blinken
Cũng có một chút ngạc nhiên, khi thế giới nhận ra rằng, đã gần 2 năm, mặc dù hoạt động rất năng nổ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đến Pháp. Mối quan hệ với Paris dường như đã “yên ả” trở lại sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga bùng nổ (tháng 2/2022), đủ để tạm thời hàn gắn những rạn nứt cũ (đặc biệt là việc nước Pháp cảm thấy bị “đâm sau lưng”, khi Mỹ cùng Anh và Australia thành lập liên minh AUKUS ở Thái Bình Dương và cũng đủ để ngành ngoại giao Mỹ tập trung cho những vấn đề khác. Cho đến hiện tại.
Chọn Paris làm điểm đến đầu tiên, có thể tin rằng Ngoại trưởng Mỹ muốn xác lập một “đầu cầu” vững chắc, một “điểm tựa” để siết lại mối quan hệ dường như đang trở nên lỏng lẻo dần, với những người đồng minh truyền thống bên kia Đại Tây Dương.
Trong lịch trình làm việc 5 ngày (1 đến 5/4), Ngoại trưởng Mỹ đã gặp và bàn thảo với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về những vấn đề nóng bỏng toàn cầu, như hai cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine và trên Dải Gaza, cũng như chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh cùng lễ kỷ niệm trọng đại: 75 năm ngày NATO thành lập (4/4/1949).
Rời Paris, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Brussels để tham dự Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao NATO, trước khi tham gia cuộc gặp 3 bên với các nhà lãnh đạo EU và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan.
Rất nhiều nụ cười, những cái bắt tay và những ngôn từ “có cánh” đầy màu sắc ngoại giao. Nhưng, trong lúc đó, Tổng thống Ukraine Zelensky cũng vẫn đang khẩn thiết kêu gọi những khoản viện trợ mới. Và, sự vụ lực lượng vũ trang Israel tấn công đoàn xe cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc làm 7 nhân viên thiệt mạng cũng đang gây chấn động. Cùng đó, dưới các gánh nặng kinh tế - xã hội, làn sóng xuống đường biểu tình của nông dân khắp châu Âu (chứ không chỉ riêng nước Pháp) đang làm hằn lên nhu cầu tái định hình các thiết chế.
Không dễ để thành thật nói về tương lai của những mối quan hệ gắn bó, hay về một lễ kỷ niệm, trong bối cảnh hỗn loạn như thế.
Châu Âu, trăm mối tơ vò
Một cách ngắn gọn, châu Âu đang đối mặt với cả những thách thức truyền thống cũng như phi truyền thống. Nhưng, không chỉ vậy, hiện tại, khi đồng thời còn phải cáng đáng các trách nhiệm và cố gắng thực hiện các cam kết trong vai trò là thành viên NATO, những nỗi hoang mang của các nước EU còn dày thêm gấp bội, đặc biệt là về cân bằng chiến lược.
Như AFP phân tích (những phân tích cũng có thể xem là thông điệp gián tiếp từ giới tinh hoa chính trị châu Âu và nước Pháp), cho dù “NATO đã được tái tạo năng lượng nhờ cuộc xung đột quân sự tại Ukraine” - theo lời James Black, Trợ lý Giám đốc quốc phòng và an ninh tại RAND Corporation, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, thì liên minh quân sự ấy, cùng lúc, vẫn phải cẩn thận tránh bị lôi kéo vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga - cuộc chiến có nguy cơ lan rộng, thậm chí dẫn đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.
Do đó, cho dù việc tái tập trung vào địch thủ cũ Moscow đã mang lại cho NATO một ý thức rõ ràng về mục đích, sau khi một số người đặt câu hỏi rằng “liệu liên minh này có còn cần thiết khi Chiến tranh Lạnh đã kết thúc hay không?”, cho dù quy mô thành viên của NATO đã gia tăng lên con số 32 thì điều mà họ công khai thực hiện nhằm hỗ trợ Ukraine (và qua đó hy vọng gây ra cho nước Nga những vết thương rỉ máu) vẫn chỉ có thể là các khoản viện trợ.
Vấn đề là, kể từ nửa sau năm 2023, theo dòng sóng gió chính trường nước Mỹ, những khoản viện trợ từ bên kia Đại Tây Dương dành cho Kyiv cũng đã eo hẹp dần đi, để rồi thậm chí bị “đóng băng” trong thời gian gần đây. Hạ viện Mỹ đến nay vẫn từ chối biểu quyết về dự luật cung cấp thêm 60 tỷ USD cho Ukraine. Gánh nặng trách nhiệm hỗ trợ tài chính cũng như khí tài quân sự, vì thế, dồn cả lên các thành viên châu Âu của NATO. Tuy nhiên, như vừa đề cập ở trên, chính các guồng máy kinh tế - xã hội EU cũng đang trở nên suy kiệt.
“Việc hỗ trợ Ukraine ngay bây giờ là điều cần thiết. Đó là khoản đầu tư tương lai của NATO" - James Black nhận xét. Có điều, lúc này, dường như không còn ai “dư dả” để sẵn sàng “cáng đáng” khoản đầu tư ấy. Cả Mỹ và EU đều đang phải phân bổ nguồn lực của mình cho các ưu tiên chiến lược cao hơn, thí dụ như xung đột Israel - Hamas tại Gaza.
Và, như để làm mọi thứ trở nên nặng nề hơn, theo một nghiên cứu mới đây, 68% giá trị giao dịch mua sắm vũ khí của các nước châu Âu kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine đã đi ra ngoài châu Âu và 64% trong số 68% này là đi đến... Mỹ. Nghĩa là, xung đột lợi ích đã và đang hằn rõ ngay trong nội bộ NATO, hay nói đúng hơn là giữa hai bờ Đại Tây Dương. Vì thế, Chiến lược Công nghiệp quốc phòng châu Âu (EDIS) của Ủy ban châu Âu ra đời, nhằm mục đích khắc phục tình hình này và đặt ra một loạt mục tiêu có tính định lượng. Các quốc gia thành viên được khuyến khích chi ít nhất 50% ngân sách quốc phòng cho việc mua sắm các thiết bị được sản xuất tại EU từ nay tới năm 2030 và 60% vào năm 2035. 40% thiết bị quân sự này phải là kết quả của sự hợp tác giữa các nước châu Âu.
Và những nỗi ám ảnh
Nói cách khác, châu Âu (mà Pháp và Đức là hai cường quốc dẫn đầu) vẫn rất cần dựa vào NATO - biểu tượng cho sức mạnh và trật tự thế giới do phương Tây kiểm soát. Song, bên cạnh đó, họ vẫn đang bị giằng xé bởi nhu cầu tự chủ cũng như việc nâng cao vị thế của riêng mình như một trung tâm quyền lực toàn cầu thực thụ.
Mâu thuẫn này cũng chính là nguyên nhân then chốt từng dẫn đến xung đột gay gắt giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm 2018-2019, đến nỗi ông chủ Điện Elysee từng phải thốt lên: NATO là một tổ chức đã “chết não”, đồng thời phác thảo kế hoạch hình thành một “Quân đội châu Âu” biệt lập.
Tuy nhiên, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, bất chấp việc châu Âu tăng chi tiêu cho quốc phòng, nhiều người tin rằng NATO sẽ không hoạt động nếu không có sức mạnh của Mỹ.
Hiện tại, những hoài nghi về cam kết của Washington với các đồng minh cựu lục địa cũng đang dấy lên, trong trường hợp cựu Tổng thống Donald Trump đánh bại Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden, trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. “Vấn đề thực sự với ông Trump, chính là tính khó đoán của ông ấy” - Camille Grand, cựu quan chức cấp cao của NATO và hiện là thành viên Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, nhận xét. Gần đây, Tổng thống Mỹ tiền nhiệm đã gây chấn động khi nói rằng ông sẽ khuyến khích nước Nga “làm bất cứ điều gì họ muốn”, đối với bất kỳ quốc gia NATO nào không đáp ứng các nghĩa vụ tài chính (theo AFP).
Ngay cả trong trường hợp ông Joe Biden tái đắc cử, cũng vẫn có khả năng nước Mỹ sẽ giữ một khoảng cách nhất định với châu Âu nói chung và có thể là với cả cuộc chiến ở Ukraine. “Việc Quốc hội Mỹ hiện tại đang ngăn cản nguồn kinh phí viện trợ cho Ukraine cho thấy châu Âu không nên chờ đợi xem việc ông Donald Trump có thắng cử hay không để tiếp tục củng cố phát triển nền quốc phòng châu Âu cho riêng mình” - giới phân tích phương Tây nhận định. Mọi viễn cảnh, do đó, đều trở nên mong manh và khó nắm bắt. Sau tất cả, đến lúc này, châu Âu nói riêng cũng như toàn phương Tây nói chung vẫn chưa sẵn sàng chuyển sang trạng thái kinh tế thời chiến.
Vậy nên, dưới chân cột mốc 75 năm thành lập NATO và bên ngoài những chuyến công du hay những hội nghị thượng đỉnh ngập tràn những lời chúc tụng hoan hỉ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Để ít nhất, duy trì và củng cố niềm tin chiến lược cho những người bạn cũ châu Âu đang quay cuồng...
https://antgct.cand.com.vn/Chuyen-de/chau-au-khi-nhung-loi-nguyen-tro-lai-i727903/
Ngày đăng: 16:50 | 11/04/2024
Đông Phong / CAND