Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 23/11 đưa ra cảnh báo rằng châu Âu vẫn đứng trước mối đe dọa lớn từ đại dịch, dự báo số người chết vì COVID-19 có thể lên đến 2,2 triệu nếu tình hình không chuyển biến theo hướng tích cực.

Châu Âu trong những tuần gần đây đã tiếp tục trở thành tâm dịch COVID-19 của thế giới. Nguyên nhân được nhiều chuyên gia đưa ra là tốc độ tiêm chủng chậm ở một số nước, sự nguy hiểm và dễ lây lan của biến thể Delta. Thời tiết bắt đầu lạnh hơn khiến người dân chủ yếu sinh hoạt trong nhà và việc nhiều nơi nới lỏng các hạn chế chống dịch.

Sự gia tăng các ca nhiễm mới phá kỷ lục đã khiến Áo phải công bố lệnh đóng cửa trên phạm vi toàn quốc, trong khi Đức và Hà Lan cũng chuẩn bị đưa ra những hạn chế mới. Tính đến nay, chỉ có 67,7% dân số tại Liên minh châu Âu (EU) được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, tỷ lệ tại mỗi nước thành viên có thể thấp hơn trung bình của toàn khối.

Điển hình như chỉ có 24,2% dân số tại Bulgaria được tiêm chủng đầy đủ, trong khi tỷ lệ này ở Bồ Đào Nha lại rất cao (86,7%). Tính đến nay, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người tại châu Âu, tuy nhiên, con số này có thể tăng thêm 700.000 người nữa trước ngày 1/3/2022, theo dự báo của WHO. Ngoài ra, "tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các phòng chăm sóc đặc biệt" dự kiến sẽ xảy ra ở 49 trên 53 nước tại khu vực này, theo CNBC.

Theo dữ liệu của WHO, số ca tử vong liên quan đến COVID ở 53 quốc gia thuộc khu vực châu Âu hồi tuần trước đã tăng lên gần 4.200 ca mỗi ngày, tăng gấp đôi so với 2.100 ca tử vong mỗi ngày vào cuối tháng 9. Đây là minh chứng cho thấy sự bảo vệ của vaccine trước virus đang giảm dần. Xuất phát từ thực tế này, một số quốc gia, bao gồm Hy Lạp, Pháp và Đức, đang tiến tới việc yêu cầu tiêm mũi thứ ba hoặc mũi bổ sung cho những người đã được công nhận là tiêm chủng đầy đủ cho đến nay.

1.jpg -0

WHO dự báo châu Âu sẽ thiếu phòng điều trị tích cực do diễn biến dịch COVID-19 phức tạp. Ảnh minh họa: Reuters.

Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây đưa ra cảnh báo rằng, những nỗ lực của Berlin chưa đủ để ngăn chặn làn sóng dịch thứ tư được đánh giá là "rất khốc liệt" này. Số ca nhiễm COVID-19 mới theo ngày tại Đức đã lập một kỷ lục mới hồi đầu tuần này với hơn 51.000 ca, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins. Với việc các phòng chăm sóc đặc biệt đang được lấp đầy nhanh chóng và tỷ lệ ca mắc hàng tuần ở mức cao nhất từ trước đến nay, gần 400 ca nhiễm mới trên 100.000 dân, hàng loạt khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Đức đã áp dụng các biện pháp đóng cửa mới, bao gồm cả việc tạm hoãn các chợ Giáng sinh.

Theo Al Jazeera, có hai mốc thời gian liên quan đến đại dịch tại Đức. Dấu mốc đầu tiên mà Đức đã vượt qua đó là 5 triệu ca nhiễm COVID-19, trong khi dấu mốc thứ hai nhiều khả năng sẽ xảy ra trong tuần này, đó là 100.000 ca tử vong liên quan đến đại dịch.

Theo WHO, việc vẫn còn một số lượng lớn người chưa được chủng ngừa, cũng như khả năng bảo vệ của vaccine giảm dần theo thời gian, là những tác nhân gây ra làn sóng lây nhiễm đáng báo động ở châu Âu trong thời gian gần đây, cùng với đó là sự thống trị của biến thể Delta và việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch.

Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, Hans Kluge, cho biết châu Âu và Trung Á "phải đối mặt với một mùa đông đầy thử thách phía trước". Quan chức y tế này đánh giá tình hình COVID-19 tại châu Âu hiện nay là "cực kỳ nghiêm trọng" nhưng các nước "không nên mất hy vọng" bởi "tất cả các chính phủ, giới chức y tế và mọi cá nhân có thể đưa ra hành động cương quyết để ổn định tình hình".

Ông Kluge cũng kêu gọi các nước châu Âu tiến hành cách tiếp cận "vaccine plus", là sự kết hợp của nhiều biện pháp bao gồm tiêm chủng, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và vệ sinh tay. Theo một nghiên cứu được công bố gần đây, WHO cho biết khẩu trang che mặt làm giảm tỷ lệ mắc COVID xuống 53% và nhấn mạnh rằng nếu 95% người dân đeo khẩu trang, "hơn 160.000 ca tử vong có thể được ngăn chặn (tính đến ngày 1/3 năm sau).

Tuy vậy, viễn cảnh về một mùa đông với những lệnh hạn chế nghiêm khắc tiếp tục được áp dụng có thể dẫn đến tình trạng bất ổn ở nhiều nước. Bỉ, Hà Lan cũng như các đảo Guadeloupe và Martinique ở Caribe của Pháp vẫn quay cuồng vì các cuộc biểu tình bạo lực phản đối các biện pháp chống COVID mới.

Cảnh sát Hà Lan tiếp tục bắt giữ hàng chục người trong đêm thứ 5 liên tiếp xảy ra các cuộc đụng độ mà Thủ tướng nước này, Mark Rutte, phải gọi là "bạo lực thuần túy" do "những kẻ ngốc" tiến hành. Số lượng ca nhiễm mới ở Hà Lan ngày 23/11 tăng 39% so với ngày trước đó và cũng là kỷ lục hàng tuần mới, trong khi số người nhập viện và phải sử dụng phòng chăm sóc đặc biệt cũng tăng mạnh, khiến chính phủ buộc phải áp dụng giãn cách đối với tất cả người trưởng thành.

Điều đáng nói là tỷ lệ tiêm chủng ở Hà Lan rất cao, lên đến 84%. Chính phủ Hà Lan cũng đang cân nhắc đưa ra các biện pháp "cách ly xã hội" đối với những người chưa tiêm chủng, theo đó, những người này sẽ không thể tham gia các hoạt động trong nhà tại các quán bar, nhà hàng hay bảo tàng. Nhiều chuyên gia đánh giá sự gia tăng các ca nhiễm tại Hà Lan là "rất đáng báo động" và những chia rẽ trong xã hội có thể trở nên sâu sắc hơn nếu những đề xuất nói trên chính thức có hiệu lực.

Tiến Dũng

Làn sóng dịch đang càn quét châu Âu khủng khiếp thế nào? Làn sóng dịch đang càn quét châu Âu khủng khiếp thế nào?
WHO cảnh báo châu Âu đạt mốc 2,2 triệu người chết vì COVID-19 vào tháng 3/2022 WHO cảnh báo châu Âu đạt mốc 2,2 triệu người chết vì COVID-19 vào tháng 3/2022

Ngày đăng: 08:42 | 25/11/2021

/ cand.com.vn