Những bất ổn chính trị, đặc biệt là trong vấn đề Nga-Ukraine, đang khiến nền kinh tế châu Ấu lo ngại về tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục. Ngày 14/4, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải tiến hành cuộc họp chính sách khẩn cấp nhằm đưa ra một lộ trình rõ ràng hơn để rút lại các gói kích thích quy mô lớn bất thường, tìm ra lời giải cho bài toán kinh tế của lục địa già.
Tờ Deutsche Welle trích lời của ông Time Wolmershauser, người đứng đầu bộ phận dự báo thị trường của Viện Nghiên cứu Kinh tế Munich IFO, cho biết: “Xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá cả của không chỉ các mặt hàng năng lượng mà còn nhiều loại nguyên liệu nông nghiệp tăng mạnh. Do đó, lạm phát ở Đức năm nay sẽ vượt ngưỡng 5% một cách đáng kể”. Cuối tháng 3/2022, trang web của Cơ quan Thống kê Liên bang của Đức (Destatis) đã báo cáo tỷ lệ lạm phát ở mức 7.3% so với tháng 3/2021. Tại Pháp, lạm phát hàng năm trong tháng 3 lên tới 5,1%,. Chỉ trong hai tháng gần đây, mức sống nói chung đã tăng giá 2,6%. Ở Anh, trong giai đoạn từ tháng 2/2021 đến tháng 2/2022, tỷ lệ lạm phát là 6,2%. Hãng tin BBC lưu ý: “Mức sống ở Anh đang tăng giá với tốc độ nhanh nhất trong 30 năm. Đến cuối năm nay, mức tăng giá sinh hoạt có thể được tính bằng hai con số”.
Có thể nói, cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đã khiến nền kinh tế và thị trường của châu Âu dịch chuyển với quy mô lớn hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đó như đại dịch COVID-19, CNBC dẫn lời các nhà kinh tế học cho hay. Vì chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, các nhà lãnh đạo châu Âu đã buộc phải nhanh chóng thúc đẩy kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Nghị viện châu Âu ngày 7/4 đã kêu gọi cấm vận toàn bộ và ngay lập tức dầu mỏ, than đá, năng lượng hạt nhân và khí đốt Nga. Tuy nhiên, những động thái này cũng đang khiến nền kinh tế châu Âu phải trả giá, đẩy lạm phát lên mức cao kỷ lục và đe dọa làm suy yếu quá trình khôi phục sản xuất bắt đầu vào năm ngoái khi các nền kinh tế nỗ lực vực dậy sau đại dịch COVID-19.
Thời gian qua, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa thể nhất trí về lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga. Trong khi EU nhất trí về nhiều biện pháp trừng phạt Moscow thì các quốc gia thành viên vẫn bất đồng về lệnh cấm nhập khẩu năng lượng Nga. Điều đó là bởi nhiều nước EU vẫn phụ thuộc lớn vào năng lượng Nga. Người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu vĩ mô toàn cầu ING Carsten Brzeski bày tỏ lo ngại, châu Âu đang đứng trước nguy cơ mất đi khả năng cạnh tranh trên thế giới do tác động từ các lệnh trừng phạt Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.
"Đối với châu Âu, cuộc chiến này đang làm thay đổi cuộc chơi thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả đại dịch COVID-19. Tôi không chỉ nói về các chính sách quốc phòng và an ninh mà còn là toàn bộ nền kinh tế", ông Brzeski cho hay. “Giá lương thực ở châu Âu sẽ tăng lên mức chưa từng có. Lạm phát cao ở các nền kinh tế phát triển cũng có thể là vấn đề sống còn với những nền kinh tế đang phát triển", Người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu vĩ mô toàn cầu nhận định.
Ngày 14/4, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiến hành cuộc họp chính sách. Trên thực tế, ECB đã giảm quy mô của các gói kích thích kinh tế trong nhiều tháng qua, nhưng cho đến nay họ vẫn tránh đưa ra cam kết về thời điểm chấm dứt hoàn toàn chương trình này, do lo ngại rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine và giá năng lượng cao ngất ngưởng có thể đột ngột khiến triển vọng kinh tế khu vực “đảo chiều”. Lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hiện đang ở mức cao kỷ lục 7,5% và nhiều khả năng sẽ còn tăng hơn nữa. Mặt khác, nền kinh tế của khối hiện đang đình trệ, với tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine, gây tổn thương cho cả các hộ gia đình và doanh nghiệp.
“Với mức độ bất ổn tăng cao, ECB có thể sẽ muốn duy trì tính tùy chọn và linh hoạt trong chính sách của mình. Tuy nhiên, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ có thể sẽ gia tăng, với động tái dễ xảy ra nhất trong những tháng tới là chấm dứt hoạt động mua tài sản ròng và sau đó là tăng lãi suất chủ chốt”.
Nhà kinh tế Nick Kounis của ABN Amro cho biết. Sự thận trọng của các nhà hoạch định chính sách của ECB báo hiệu triển vọng kinh tế đang xấu đi nhanh chóng. Giá năng lượng cao đang làm cạn kiệt nguồn tiết kiệm của các hộ gia đình và sự không chắc chắn gây ra bởi khủng hoảng Ukraine đang ngăn cản nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp. Các ngân hàng cũng đang thắt chặt khả năng tiếp cận tín dụng, động thái thường thấy trong như thường lệ trong thời kỳ bất ổn địa chính trị, có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái.
Trong khi đó, những người ủng hộ chính sách hiện tại lại cho rằng phần lớn lạm phát của Eurozone là kết quả của những cú sốc về nguồn cung bên ngoài, do đó lạm phát sẽ tự nhiên giảm theo thời gian. Cuộc họp của ECB trong 24 giờ tới được kỳ vọng sẽ cứu vãn kinh tế châu Âu, mở ra những triển vọng mới cho nền kinh tế vẫn đang phục hồi hậu COVID-19.
Ngày đăng: 08:44 | 15/04/2022
An Nhiên / cand.com.vn