Những ngày đầu đại dịch, Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi người Pháp tổng lực chiến đấu chống Covid-19. Nay, thông điệp của ông là "học cách sống chung".
Pháp và phần lớn các nước châu Âu đang lựa chọn cách sống chung với nCoV khi tình trạng lây nhiễm tiếp tục tăng, nguy cơ về sóng lây nhiễm thứ hai không ngừng ám ảnh toàn châu lục.
Từ bỏ hy vọng tiêu diệt hoàn toàn virus hay phát triển vaccine trong vòng vài tuần, người châu Âu bắt đầu quay trở lại làm việc và học tập, sống bình thường nhất có thể trong bối cảnh đại dịch dai dẳng đã giết chết hơn 215.000 ở châu Âu và gần 940.000 người trên toàn cầu.
Cách tiếp cận này hoàn toàn trái ngược với Mỹ, nơi những biện pháp hạn chế để bảo vệ người dân trước virus đang gây chia rẽ chính trị và nhiều khu vực đã thúc đẩy mở cửa trở lại trường học, cửa hàng, nhà hàng mà không có bất kỳ giao thức cơ bản nào. Kết quả là số người chết vì Covid-19 tại Mỹ đã gần bằng cả châu Âu dù dân số ít hơn đáng kể.
Người châu Âu hiện tại chủ động áp dụng những bài học mà họ khó có được ở giai đoạn đầu của đại dịch như đeo khẩu trang, thực hành giãn cách xã hội, tích cực xét nghiệm và truy vết nguồn lây, đồng thời đối phó các cụm dịch nhanh chóng và cục bộ.
Tất cả những biện pháp trên, đều được thắt chặt và nới lỏng khi cần, nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng phong tỏa quốc gia đã làm tê liệt cả châu Âu và hủy hoại nền kinh tế như hồi đầu năm.
"Không thể ngăn virus", Emmanuel André, nhà virus học hàng đầu, cựu phát ngôn viên lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của chính phủ Bỉ, nhấn mạnh. "Việc chúng ta cần làm là duy trì trạng thái cân bằng và chúng ta chỉ có sẵn một số ít công cụ để thực hiện điều đó".
"Người dân đều đã mệt mỏi. Họ không muốn chiến đấu thêm nữa", ông nói.
"Chúng ta đang bước vào giai đoạn sống chung với virus", Roberto Speranza, Bộ trưởng Y Tế Italy, nước đầu tiên tại châu Âu áp lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn Covid-19, cho hay.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo La Stampa, Speranza lưu ý rằng dù "tỷ lệ lây nhiễm bằng 0 là thứ không tồn tại", Italy giờ đây được trang bị tốt hơn rất nhiều nhằm đối phó với dịch bệnh. "Sẽ không có bất kỳ lệnh phong tỏa nào nữa", ông tuyên bố.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều mối nguy cơ.
Các ca nhiễm mới đang tăng vọt những tuần gần đây, đặc biệt ở Pháp và Tây Ban Nha. Pháp ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm mới trong một ngày vào tuần trước. Sự tăng vọt này không đáng ngạc nhiên vì tổng số ca xét nghiệm hàng ngày được thực hiện đã tăng đều đặn và nay nhiều gấp 10 lần so với hồi mùa xuân.
Số ca tử vong khoảng 30 người mỗi ngày chỉ bằng một phần nhỏ so với thời kỳ dịch bệnh đạt đỉnh với hàng trăm thậm chí hơn 1.000 người chết mỗi ngày vì Covid-19 tại Pháp.
Nguyên nhân là những trường hợp nhiễm virus giờ đây có xu hướng trẻ hóa và giới chức y tế đã học được cách điều trị Covid-19 hiệu quả hơn, William Dab, nhà dịch tễ học, cựu giám đốc y tế quốc gia Pháp, nhận xét.
"Virus vẫn lưu hành tự do. Chúng ta đang kiểm soát rất kém chuỗi lây nhiễm và chắc chắn những người có nguy cơ cao như người già, béo phì và bệnh nhân tiểu đường sẽ bị ảnh hưởng", ông nói.
Tại Đức, giới trẻ cũng chiếm tỷ lệ cao trong số các ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng. Giới chức y tế Đức có năng lực xét nghiệm khoảng hơn một triệu ca mỗi tuần. Tuy nhiên, một cuộc tranh luận đang nổ ra xung quanh câu hỏi về mức độ liên quan giữa tỷ lệ lây nhiễm với bức tranh toàn cảnh về dịch bệnh.
Vào đầu tháng 9, chỉ 5% số ca nhiễm phải nhập viện điều trị, theo dữ liệu từ cơ quan y tế Đức. Thời điểm dịch đạt đỉnh hồi tháng 4, có tới 22% số người nhiễm phải nhập viện.
Hendrik Streeck, trưởng khoa virus học tại một viện nghiên cứu ở thành phố Bonn, Đức, lưu ý rằng không nên đánh giá mức độ nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 chỉ dựa trên số ca nhiễm mà nên thay bằng số ca tử vong và nhập viên.
"Chúng ta đã đạt đến giai đoạn mà số ca nhiễm không còn ý nghĩa nữa", ông cho hay.
Phần lớn châu Âu đều không được chuẩn bị khi Covid-19 ập đến. Họ thiếu khẩu trang, bộ xét nghiệm và các trang bị cơ bản khác. Số ca tử vong tại châu Âu vượt xa các nước châu Á, nơi gần hơn với nguồn bùng phát dịch bệnh ở Vũ Hán, Trung Quốc, nhưng phản ứng nhanh chóng hơn.
Phong tỏa toàn quốc giúp đại dịch được kiểm soát trên toàn châu Âu. Nhưng tỷ lệ lây nhiễm bắt đầu tăng lại vào mùa hè sau khi nhiều nước mở cửa và người dân, đặc biệt là người trẻ, quay trở lại các hoạt động xã hội và thường không tuân thủ những biện pháp cách biệt cộng đồng.
Ngay cả khi tình trạng lây nhiễm đang gia tăng, người châu Âu vẫn trở lại làm việc và học tập trong tháng này, tạo thêm cơ hội cho virus lây lan.
"Thách thức hiện nay đối với chính phủ là tìm ra điểm cân bằng giữa nhiệm vụ phục hồi kinh tế và bảo vệ sức khỏe người dân", chuyên gia dịch tễ Dab cho biết. "Đây thực sự không phải nhiệm vụ dễ dàng. Chúng ta cần trấn an người dân vừa đủ để họ quay trở lại làm việc nhưng cùng lúc, ta phải khiến họ lo lắng để vẫn tiếp tục tôn trọng các biện pháp phòng ngừa".
Trong số những biện pháp này, đeo khẩu trang đang được áp dụng rộng rãi trên khắp châu Âu và chính phủ các nước đều đồng tình rằng sử dụng chúng là điều cần thiết.
Hồi đầu năm, vì cung không đủ cầu nên chính phủ Pháp không khuyến khích người dân đeo khẩu trang, nói rằng chúng không thể bảo vệ người đeo, thậm chí còn gây hại.
Thay vì áp dụng biện pháp phong tỏa toàn quốc mà không tính đến sự khác biệt giữa từng khu vực như trước đây, nhà chức trách các nước đã bắt đầu phản ứng nhanh hơn với từng cụm dịch ở địa phương bằng những biện pháp cụ thể.
Ví dụ hôm 14/9, giới chức thành phố Bordeaux, Pháp, thông báo họ đang đối mặt tình trạng số ca nhiễm tăng nhanh, vì thế chính quyền sẽ giới hạn những cuộc tụ tập cá nhân xuống còn 10 người, hạn chế tới thăm các trại dưỡng lão và cấm đứng tại các quán bar.
Tại Đức, trong khi năm học mới đã bắt đầu, nhà chức trách cảnh báo những sự kiện truyền thống như lễ hội hóa trang hay hội chợ Giáng sinh có thể phải giảm quy mô hoặc hủy bỏ. Các trận bóng trong khuôn khổ giải Bundesliga sẽ tiếp tục diễn ra mà không có khán giả tới cuối tháng 10.
Tại Anh, nơi việc đeo khẩu trang chưa được thực thi nghiêm ngặt, nhà chức trách đã thắt chặt các quy định về họp mặt gia đình ở Birmingham, thành phố đang ghi nhận số ca nhiễm tăng trở lại. Ở Bỉ, các hoạt động tụ tập bị giới hạn trong nhóm 6 người.
Tại Italy, chính phủ tiến hành phong tỏa các ngôi làng, bệnh viện hay thậm chí cả trại tạm trú của người di cư nhằm chặn đứng những cụm dịch mới.
Theo chuyên gia dịch tễ học Antonio Miglietta, nhiều tháng chiến đấu với Covid-19 đã giúp nhà chức trách biết cách dập tắt dịch bệnh trước khi chúng vượt khỏi tầm kiểm soát.
"Chúng tôi đang làm tốt hơn từng ngày", ông nói.
Thời điểm dịch mới bùng phát, hầu hết người dân Pháp đều chỉ trích cách chính phủ ứng phó với dịch bệnh. Nhưng các cuộc thăm dò gần đây cho thấy phần lớn người dân đều tin rằng chính phủ sẽ xử lý sóng lây nhiễm thứ hai tốt hơn lần đầu.
Jérôme Carrière, 55 tuổi, một sĩ quan cảnh sát từ quê nhà ở Metz, phía bắc Pháp, đang tới thăm thủ đô Paris, cho biết việc hầu hết người dân đều đeo khẩu trang là một dấu hiệu tốt.
"Ban đầu, như tất cả những người dân Pháp khác, chúng tôi đều sốc và lo lắng", Carrière chia sẻ. "Sau đó, chúng tôi thích nghi và trở lại cuộc sống bình thường".
WHO: Chưa đủ Vaccine COVID-19 để thế giới trở về bình thường |
Bill Gates dự đoán thế giới hậu Covid-19 |
Việt Nam bước sang ngày thứ 15 không có ca mắc mới COVID-19 |
Ngày đăng: 07:08 | 17/09/2020
/ vnexpress.net