Việc Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng đã làm dấy lên lo ngại về cam kết của Washington với các đồng minh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
The Guardian phân tích, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm đảo lộn các chuẩn mực toàn cầu trong vòng vài tuần, thúc đẩy một loạt chi tiêu quốc phòng, các động thái ngoại giao và các đề nghị thúc đẩy thương mại.
Việc Ông Trump trở lại Nhà Trắng đã làm dấy lên lo ngại về cam kết của Washington đối với an ninh của các đồng minh ở Châu Á - Thái Bình Dương vào thời điểm căng thẳng đang gia tăng trong khu vực, nơi có nhiều điểm nóng tiềm tàng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Các quốc gia trong khu vực đang khẩn trương xem xét các lựa chọn của họ trong một kỷ nguyên mới, khi Tổng thống Mỹ đứng về phía Nga trong việc giải quyết xung đột với Ukraine, đề xuất "dọn sạch" Gaza để tái phát triển và áp dụng thuế quan trừng phạt đối với cả đồng minh và đối thủ kinh tế.
Các chiến lược này bao gồm từ việc tìm kiếm sự đảm bảo an ninh mới từ Mỹ cho đến tăng cường chi tiêu quốc phòng và dỡ bỏ lệnh cấm lâu nay về khả năng phát triển các biện pháp răn đe hạt nhân của riêng họ.
Câu hỏi đặt ra, các quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ứng phó như thế nào với kỷ nguyên mới thời ông Trump?
Australia
Chính phủ Australia gần đây đã tuyên bố về "mức chi tiêu quốc phòng lớn nhất kể từ Thế chiến II", với kế hoạch đầu tư vào các tàu ngầm tấn công hạt nhân và tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa. Nhưng không có kế hoạch nào đạt được con số mà Tổng thống Trump yêu cầu đối với các đồng minh NATO - 5% - hay thậm chí là con số thỏa hiệp mà ông cho là 3,5%.
Theo đó,chi tiêu quốc phòng của Australia là 53,3 tỷ AUD (32,1 tỷ USD) trong giai đoạn 2023 - 2024, chiếm 2% GDP của quốc gia này. Bộ Tài chính dự báo con số này sẽ đạt 2,4% GDP vào năm 2027- 2028.
Đối với "đất nước chuột túi" thì 3,5% GDP sẽ tương đương hơn 90 tỷ AUD (54,3 tỷ USD), nhiều hơn khoảng 75% so với ngân sách quốc phòng thực tế.
Australia từ lâu đã được coi là một đồng minh kiên định của Hoa Kỳ, "cùng chúng tôi ngay cả trong những cuộc chiến ít khôn ngoan hơn", như ứng cử viên cấp cao của Lầu Năm Góc Elbridge Colby đã nói với Thượng viện vào tháng 3.
Trung Quốc
Trung Quốc đang tận dụng sự bất ổn trong khu vực để mở rộng ảnh hưởng, thông qua các sáng kiến như "Vành đai và Con đường" và tăng cường hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á.
Theo chuyên gia của tờ Guardian, sự hỗn loạn của ông Trump có thể là một bờ vực nguy hiểm hoặc là một cơ hội vàng cho Trung Quốc, hoặc cũng có thể là cả hai.
Quyết định áp thuế của Mỹ đối với các quốc gia khiến các công ty Trung Quốc khó lách thuế bằng cách chuyển chuỗi cung ứng ra nước ngoài. Nhưng nó cũng có thể có tác động không mong muốn là làm suy yếu nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy khu vực đoàn kết chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Các tàu container tại cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc. (Ảnh: AFP)
Vào tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã thực hiện chuyến công du nhiều điểm dừng chân trên khắp Châu Á, hứa sẽ chuyển trọng tâm của Mỹ sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "trước sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc trong khu vực". Bộ trưởng Hegseth đã đưa ra bình luận của mình tại Philippines, một đồng minh an ninh quan trọng của Mỹ.
Ông cũng mô tả Nhật Bản là một "quốc gia chiến binh" "không thể thiếu" để giải quyết vấn đề Trung Quốc. Nhưng ngay sau chuyến đi của ông, Mỹ đã công bố mức thuế 17% đối với hàng nhập khẩu từ Philippines và 24% đối với Nhật Bản.
Trong bối cảnh này, Trung Quốc nắm cơ hội để củng cố mối quan hệ với các nước láng giềng. Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế thương mại đối với Nhật Bản và tìm kiếm các thỏa thuận với Ấn Độ về lãnh thổ biên giới tranh chấp Ladakh.
Nhật Bản
Nhật Bản đang xem xét sửa đổi hiến pháp hòa bình để cho phép tăng cường chi tiêu quốc phòng và phát triển các khả năng tấn công phòng thủ.
Nhật Bản đóng góp 2 tỷ USD vào chi phí đồn trú của quân đội Mỹ, những người theo các điều khoản của hiệp ước phải cam kết bảo vệ Nhật Bản nếu bị tấn công.
Dưới thời thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đã tăng cường thế trận quốc phòng vào năm 2022, bao gồm cả lời hứa mua thêm vũ khí từ Mỹ. Các thủ tướng tiếp theo cũng làm theo, tuyên bố sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng vào năm 2027 để chi tiêu này chiếm 2% GDP.
Theo Bộ Quốc phòng, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản dự kiến sẽ đạt 9,9 nghìn tỷ Yên (70 tỷ USD) trong năm tính đến tháng 3/2026, tương đương 1,8% tổng sản phẩm quốc nội.
Philippines
Dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr, Philippines đã có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc và xích lại gần Mỹ, quốc gia có hiệp ước phòng thủ chung. Mỹ đã được cấp quyền tiếp cận mở rộng hơn vào các căn cứ quân sự của Philippines và hai nước cũng đã đồng ý tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và công nghệ để cho phép Mỹ bán vũ khí cho Philippines.
Bản thân Washington đã nhấn mạnh hiệp ước phòng thủ chung với Manila.
Philippines đang hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình - dành riêng 35 tỷ đô la trong năm nay
Hàn Quốc
Hàn Quốc đang tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ và Nhật Bản, đồng thời xem xét khả năng phát triển vũ khí hạt nhân riêng để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.
Sự hỗn loạn chính trị trong nước trong năm tháng qua đã gây ra sự báo động ở Mỹ về các cam kết của Hàn Quốc đối với an ninh khu vực. Việc luận tội Yoon Suk-yeol có nghĩa là đất nước sẽ bầu một nhà lãnh đạo mới vào ngày 10/6 tới, với các cuộc thăm dò cho thấy Lee Jae-myung, một người theo chủ nghĩa tự do, là người được yêu thích để thay thế Yoon, một người bảo thủ thân Mỹ
Trong khi cố gắng vượt qua chấn thương từ phiên tòa luận tội Yoon, có rất ít dấu hiệu cho thấy một tổng thống mới sẽ phản đối yêu cầu của Washington về việc chi nhiều hơn cho quốc phòng và triển khai khoảng 28.000 quân.
Vấn đề Triều Tiên cũng được xem là điểm chung trọng tâm giữa Mỹ và Hàn Quốc.
https://vtcnews.vn/chau-a-thai-binh-duong-ung-pho-the-nao-truoc-ky-nguyen-trump-ar938154.html
Ngày đăng: 13:30 | 17/04/2025
Cẩm Lai(The Guardian) / VTC News