Bản chất dễ lây nhiễm của biến chủng Delta khiến nhiều quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương gặp khó trong việc kiểm soát đợt bùng phát dịch lần này hơn những đợt bùng phát trước đó, đồng thời phải cân nhắc lại về chiến lược đưa số ca nhiễm về 0.
Từ bỏ chiến lược “không COVID”?
Từng được xem là “pháo đài” không COVID-19 của thế giới, nhưng sự xuất hiện trở lại của hơn 100 ca nhiễm mới sau 6 tháng vắng bóng COVID-19 đã buộc Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 23/8 ban bố lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc đến hết ngày 27/8 và đến 31/8 với thành phố Auckland – nơi dịch khởi phát, Reuters đưa tin. Theo bà Ardern, biến chủng Delta, được mô tả là có tốc độ lây lan nhanh hơn các chủng cũ, đã xuất hiện ở hầu hết các điểm dịch mới của New Zealand. “Lựa chọn an toàn nhất cho tất cả chúng ta lúc này là giữ phong tỏa lâu hơn”, bà Ardern nói, “Delta đã thay đổi luật chơi”.
Nhà chức trách New Zealand hiện đánh dấu 320 khu vực nguy cơ cao và truy vết 13.000 người liên quan. Sáng 23/8, New Zealand công bố thêm 35 ca nhiễm mới, tập trung ở 2 đô thị lớn là Auckland và thủ đô Wellington, nâng tổng số ca COVID-19 được phát hiện trong đợt dịch lên 107. Theo các chuyên gia, con số này khá nhỏ so với quy mô dịch bệnh ở nhiều nước, song “mọi đám cháy lớn đều bắt nguồn từ đốm lửa nhỏ”. Ông Chris Hipkins, Bộ trưởng Phòng chống COVID-19 của New Zealand, ngày 22/8 thậm chí thừa nhận, quốc gia 5 triệu dân này có thể sẽ phải xét lại chiến lược “không COVID” đang triển khai vì khả năng lây lan của Delta tạo ra nhiều thách thức hơn nhiều so với các biến chủng cũ.
Sự bùng phát của dịch cũng khiến chính quyền của bà Ardern bị chỉ trích vì chậm chạp trong triển khai tiêm chủng, khi chỉ khoảng một triệu người – tương đương 20% dân số New Zealand được tiêm đủ hai mũi vaccine, tỷ lệ thấp nhất trong nhóm các quốc gia phát triển.
Tương tự New Zealand, Australia cũng đang theo đuổi chiến lược “không COVID” và đang phải đối mặt với việc gia tăng trở lại các ca mắc mới vì biến chủng Delta với số ca nhiễm mới trong ngày 22/8 là gần 900 ca. Trả lời phỏng vấn đài ABCNews hôm 22/8, Thủ tướng Australia Scott Morrison bảo vệ chiến lược phong tỏa được các bang áp dụng để dập dịch, nhưng ông cũng cho rằng người dân không thể sống mãi trong tình trạng bị hạn chế kiểu đó.
Ông Morrison và giám đốc Y tế liên bang Paul Kelly cùng thừa nhận, khác với những đợt dịch trước, Australia lần này sẽ khó đưa số ca nhiễm về 0. Theo ông Morrison, điều mấu chốt trong cuộc chiến chống COVID-19 lúc này là tăng tốc chủng ngừa và chuyển trọng tâm chống dịch sang chữa trị cho các ca nhập viện, diễn biến nặng.
Đến ngày 21/8, chỉ khoảng 30% người dân trên 16 tuổi tại Australia được tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Thủ tướng Morrison thông báo nước này sẽ cân nhắc mở cửa khi tỉ lệ tiêm chủng đạt 70%. Trước đó, chính quyền của ông xác nhận sẽ bắt đầu mở cửa khi tỉ lệ chủng ngừa vượt ngưỡng 80%. Kể từ đầu dịch, Australia đã áp 6 lần phong tỏa và hiện khoảng 60% dân số đang phải ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của virus, gây ra nhiều tác động với nền kinh tế.
Tăng tốc phát triển vaccine nội địa
Xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ cuối năm ngoái, biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 đã có mặt ở ít nhất 132 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, tính đến ngày 23/8, gây ra các làn sóng dịch bệnh, thậm chí xô đổ thành quả chống dịch mà các quốc gia đạt được đầy khó khăn trong gần hai năm qua. Đến nay, giới chuyên gia y tế toàn cầu đều khẳng định: Tiêm chủng vaccine chính là con đường duy nhất đẩy lùi COVID-19, bên cạnh các biện pháp giãn cách hạn chế đà lây lan.
Do gặp khó trong tiếp cận nguồn cung vaccine, nhiều nước, vùng lãnh thổ ở châu Á - Thái Bình Dương như Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) đang tăng tốc tự phát triển vaccine, bên cạnh nỗ lực tìm cách chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ các quốc gia khác.
ChannelNewsAsia đưa tin, Đài Loan từ ngày 23/8 đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 do Công ty Công nghệ sinh học Medigen phát triển, sau khi nó được cơ quan y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp hồi tháng 7/2021. Trong các thử nghiệm lâm sàng, kháng thể sản sinh sau khi tiêm vaccine của Medigen được cho là “không kém” lượng kháng thể tạo ra sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca. Trong khi đó, Ấn Độ mới đây cũng đã phê duyệt khẩn cấp vaccine của hãng dược Zydus Cadila để tiêm cho trẻ em trên 12 tuổi và người trưởng thành. Đây là vaccine ngừa COVID-19 công nghệ ADN đầu tiên trên thế giới và được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho chương trình tiêm chủng của quốc gia 1,3 tỷ dân.
Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in đã dành hàng tỷ USD để phát triển vaccine nội địa và đặt mục tiêu trở thành một trong những nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới trước năm 2025. “Việc tự phát triển vaccine là điều tối quan trọng để đảm bảo chủ quyền vaccine”, ông Moon phát biểu cách đây hai tuần, theo StraitsTimes. Tương tự, Nhật Bản, một cường quốc khác về công nghệ sinh học ở châu Á, cũng đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng đối với 4 mẫu vaccine nội địa.
Chính phủ và người dân Thái Lan thì đang hi vọng các ứng cử viên vaccine tiềm năng phát triển trong nước có thể phá vỡ thế bị động khi nước này đang trông chờ vào các nhà phát triển vaccine nước ngoài. Bên cạnh vaccine dạng tiêm truyền thống, Thái Lan đang lên kế hoạch thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 dạng xịt mũi, sau khi các cuộc thử nghiệm ở động vật có kết quả khả quan.
Tuy vậy, giới quan sát cũng kêu gọi các nước cẩn trọng hơn trong nỗ lực cấp phép vaccine để tránh hệ lụy xấu trong tương lai. Theo các chuyên gia, việc cấp phép nhanh chóng là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhưng không được chủ quan, bởi bất cứ mẫu vaccine nào được tiêm chủng rộng rãi trước khi có đầy đủ dữ liệu khoa học chứng minh tác dụng sẽ có thể khiến cộng đồng gặp nguy hiểm về sức khỏe, đồng thời hạ thấp niềm tin của dân chúng vào vaccine.
Israel: Liều vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 giảm tỷ lệ nhiễm, tử vong
Theo kết quả nghiên cứu được Bộ Y tế Israel công bố hôm 22/8, khả năng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 có dấu hiệu giảm dần theo thời gian ở cả người lớn tuổi và người trẻ tuổi, một thời gian sau khi họ tiêm 2 liều vaccine ngừa COVID-19 theo quy trình thông thường. Tuy nhiên, việc tiêm liều vaccine tăng cường thứ 3 ở người trên 60 tuổi đã mang lại khả năng bảo vệ trước virus cao hơn 4 lần so với những người chỉ tiêm 2 liều; còn khả năng ngăn chặn biến chứng nặng và tử vong hiệu quả gấp 5-6 lần, sau 10 ngày kể từ khi tiêm liều vaccine thứ 3. Nghiên cứu này một lần nữa cho thấy việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 có thể phải tiến hành thường xuyên trong tương lai, đòi hỏi nguồn cung vaccine dồi dào trên toàn cầu. (Thái Hà) |
Báo động tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nhiều nước châu Á
Dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nước châu Á khi các nước tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới. |
Ngày đăng: 09:00 | 24/08/2021
/ cand.com.vn