Sự gián đoạn thương mại toàn cầu làm trì hoãn các chuyến hàng và tăng giá nhập khẩu trên khắp thế giới đang làm ảnh hưởng tới giá lương thực thực phẩm, đặc biệt là tại châu Á, châu lục đông dân nhất và nhập khẩu khối lượng lương thực lớn nhất thế giới.
Trong những năm gần đây, an ninh lương thực toàn cầu phải hứng chịu những cuộc khủng hoảng chồng chéo do xung đột, căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19, dẫn đến tình trạng gián đoạn nguồn cung lương thực nghiêm trọng.
Những sự gián đoạn này càng trở nên trầm trọng hơn bởi một số “điểm nghẽn lương thực” xuất hiện trong năm qua. Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen giữa Nga và Ukraine bị dừng lại vô thời hạn. Tại Biển Đỏ, nơi các chiến binh Houthi ở Yemen tấn công các tàu buôn và gây ra tình trạng bất ổn trong các chuyến hàng thực phẩm qua kênh đào Suez khiến nhiều chủ tàu phải đổi sang tuyến đường xuống cực nam châu Phi xa hơn và nguy hiểm không kém đó nạn cướp biển.
Cùng lúc đó, lưu lượng vận chuyển qua Kênh đào Panama bị giảm do hạn hán. Các hệ thống giao thông đường sông như sông Mississippi (bắc Mỹ) và sông Rhine (châu Âu) cũng đang giảm sức chuyên chở do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Tất cả những yếu tố này khiến chi phí vận tải tăng lên chóng mặt, đặc biệt gây sức ép lên những mặt hàng thiết yếu nhất như lương thực, thực phẩm.
Hệ thống lương thực toàn cầu ngày càng không đồng đều. Phần lớn lượng lương thực đang được tiêu thụ trên thế giới được sản xuất tại một số khu vực nhất định có năng suất cao được gọi là “rổ bánh mì” rồi chuyển đến các khu vực thiếu lương thực để tiêu thụ nên nó bị ảnh hưởng rất nhiều bởi quá trình vận chuyển. Sự phụ thuộc vào các tuyến đường vận chuyển cụ thể càng tăng thêm áp lực lên an ninh lương thực toàn cầu. Tháng 12/2023, Mỹ đã đưa ra đề xuất về một lực lượng đặc nhiệm chống lại các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ nhưng nó vẫn chưa thu được hiệu quả vì rõ ràng kênh Suez không phải điểm nghẽn duy nhất. Sự gián đoạn liên tục của chuỗi cung ứng bao gồm cả phân bón cũng làm căng thẳng tình hình từ khâu sản xuất.
Lương thực là một mặt hàng nhạy cảm với thời gian. Thời gian kéo dài tác động đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, bao gồm lịch trình giao hàng cũng như sự sẵn có và giá cả của mặt hàng theo mùa vụ. Thời gian vận chuyển dài hơn cũng khiến thực phẩm dễ hư hỏng hoặc gặp rủi ro, trong khi sự gián đoạn vận chuyển như thay đổi lịch trình gây căng thẳng cho các lĩnh vực xử lý hàng hóa bao gồm cả vận tải, lưu trữ, đóng gói và phân phối. Những “điểm nghẽn” này vừa phá hủy sản phẩm vừa làm tăng giá thành lên nhiều lần.
Những “điểm nghẽn” làm hiện ra các thách thức với cả các nước xuất khẩu và nhập khẩu thực phẩm. Các nước xuất khẩu có thể phải đối mặt với áp lực biên lợi nhuận khi chi phí tăng làm giảm giá trị cho nhà sản xuất trong khi các nước nhập khẩu phải vật lộn với chi phí tăng cao, dẫn đến giá thực phẩm cao hơn, biến động giá lớn hơn và mô hình tiêu dùng thay đổi gây nên những hệ lụy khác.
Đông Nam Á, Đông Á và Nam Á nói chung là khu vực đông dân nhất thế giới, đang tăng trưởng kinh tế nhanh với nhu cầu tăng đột biến rất dễ nhạy cảm với những biến cố về giá lương thực. Khu vực này còn phải đối mặt với tình trạng dễ bị tổn thương ngày càng cao do phụ thuộc vào thị trường châu Âu, châu Mỹ và Biển Đen về các sản phẩm nông nghiệp và phân bón quan trọng.
Ở các quốc gia đang phải vật lộn với các cuộc khủng hoảng như thời tiết khắc nghiệt (Pakistan, Ấn Độ), xung đột (Bangladesh, Afghanistan), bất ổn kinh tế (Sri Lanka) và bất ổn chính trị (Myanmar), lạm phát giá lương thực làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói, làm chậm tăng trưởng kinh tế xã hội. Các hộ gia đình có thu nhập thấp và nghèo đói sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ thiếu ăn, gây suy dinh dưỡng cao hơn, đe dọa đảo ngược tiến trình phát triển hàng thập kỷ trước đó. Yếu tố vụ mùa khiến cho khó có thể có biện pháp ứng phó ngay lập tức cho sự gián đoạn thương mại và lạm phát giá lương thực.
Trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng tái diễn, thậm chí có nguy cơ kéo dài, việc cải cách khẩn cấp hệ thống lương thực là rất cần thiết. Các chính phủ và các nhà hoạch định chính sách đã vào đang phải ưu tiên dành nhiều nguồn lực để giải quyết các vấn đề an ninh lương thực và giảm thiểu tác động tới tương lai.
Đối với nhiều quốc gia đông dân ở châu Á, việc tăng dự trữ quốc gia là bắt buộc. Ấn Độ, Thái Lan và cả Việt Nam đều đã đưa ra quy định mới về dự trữ bắt buộc và thậm chí là hạn chế xuất khẩu để bảo vệ nhu cầu nội địa. Việc này dồn sức ép lên các quốc gia nhập khẩu ròng lương thực. Một trong những cách ứng phó hiệu quả nhất của các quốc gia nhập khẩu là phải đa dạng hóa nguồn cung để giảm thiểu sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Một ví dụ điển hình là Singapore, mặc dù nhập khẩu hơn 90% lương thực nhưng đã giảm được nguy cơ bị tổn thương trước những biến động về giá lương thực và nguồn cung thông qua liên hệ với hơn 180 quốc gia và khu vực trở thành cung ứng trên toàn thế giới. Chiến lược này đã giúp người dân Singapore được hưởng chi phí thực phẩm có giá cả phải chăng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Australia, một quốc gia xuất khẩu ròng về lương thực.
Để ứng phó với những “điểm nghẽn”, các chính phủ cũng phải thực hiện các kế hoạch hành động sớm và củng cố mạng lưới an sinh xã hội để giảm bớt gánh nặng của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Các sáng kiến như cứu trợ lương thực, hỗ trợ tiền mặt và chương trình phiếu thực phẩm cho các hộ gia đình có thu nhập thấp giúp giảm bớt gánh nặng dù không thực sự bền vững. Các khoản trợ cấp bằng thuế tuy có hiệu quả hơn nhưng lại ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh khó khăn chung. Nhưng đây vẫn là những biện pháp tức thời đang được áp dụng tại nhiều nơi.
Theo một tính toán, các hộ gia đình có thu nhập thấp ở Indonesia thậm chí phải chi tới 64% cho thực phẩm hàng tháng. Việc giải quyết lạm phát giá thực phẩm là rất quan trọng để bảo vệ các hộ gia đình này khỏi tình trạng suy dinh dưỡng hoặc thiếu đói.
https://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/chau-a-doi-pho-voi-diem-nghen-luong-thuc-i732668/
Ngày đăng: 16:51 | 30/05/2024
Tử Uyên / CAND