Biden tham vọng xây dựng \"liên minh dân chủ\" để cạnh tranh với Trung Quốc nhưng đây được cho là nhiệm vụ đầy thách thức, đặc biệt ở châu Á.

"Nước Mỹ đang trở lại", Joe Biden nói tại buổi họp báo ở Delaware hôm 24/11 khi giới thiệu đội ngũ quan chức ngoại giao trong chính quyền tương lai. "Sẵn sàng lãnh đạo thế giới và không rời bỏ nó".

Biden đặt sứ mệnh đưa nước Mỹ trở lại vũ đài quốc tế vào tay đội ngũ ngoại giao mới của ông, gồm Antony Blinken, ngoại trưởng tương lai và từng là cố vấn lâu năm của ông khi còn là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia và từng là cựu trợ lý an ninh hàng đầu của Biden, cùng 4 quan chức khác.

0208 biden 2411 2792 1606973822
Joe Biden phát biểu tại buổi giới thiệu các quan chức cho nội các tương lai ở Wilmington, bang Delaware hôm 24/11. Ảnh: Reuters.

​​​​​​​Biden cũng cam kết sẽ đảo ngược chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump, bởi với ông đó là chính sách dẫn tới "Nước Mỹ đơn độc". Thay vì xa rời đồng minh và rút Mỹ khỏi các cam kết toàn cầu, Tổng thống đắc cử của Mỹ hứa hẹn quay trở lại chính sách ngoại giao truyền thống thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, đề cao quan hệ đồng minh và chủ nghĩa đa phương, với dân chủ là nguyên tắc cốt lõi.

"Việc đầu tiên và quan trọng nhất là chúng ta phải sữa chữa và phục hồi nền dân chủ của chính chúng ta, ngay cả khi chúng ta củng cố các liên minh dân chủ đồng hành cùng Mỹ trên toàn thế giới", Biden viết trong bài viết trên Foreign Affairs hồi tháng 3.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định sứ mệnh của Biden sẽ đối mặt thực tế khó khăn là bốn năm của chính quyền Trump đã khiến ba trụ cột của Mỹ, gồm chủ nghĩa đa phương, liên minh và dân chủ, bị tổn hại nghiêm trọng.

Các nhà phân tích nhận định điều này có thể thấy rất rõ ở châu Á, nơi chính sách Mỹ tập trung chủ yếu vào việc cạnh tranh với siêu cường mới nổi Trung Quốc.

Trong bài viết hồi tháng 3, Biden từng nói "phải xây dựng mặt trận thống nhất của các đồng minh, đối tác của Mỹ" để chống lại các hành vi sai trái của Trung Quốc, như đánh cắp công nghệ, trong khi "chúng ta tìm kiếm hợp tác với Bắc Kinh về các vấn đề có chung lợi ích, như biến đổi khí hậu, an ninh y tế toàn cầu, không phổ biến vũ khí hạt nhân". Tuy nhiên, giới quan sát nhận định việc xây dựng một liên minh như vậy không dễ dàng.

Paul Haenle, giám đốc Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie Tsinghua ở Bắc Kinh, cho chính quyền Biden sẽ đối mặt với "trận chiến khó khăn ngay ngày làm việc đầu tiên", khi sự tín nhiệm truyền thống trong các thể chế đa phương đã bị tổn hại trước sự lớn mạnh của Trung Quốc trong các tổ chức tương tự.

Tháng trước, Trung Quốc đã vừa ký kết Hiệp định Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), thỏa thuận thương mại tự do đa phương của châu Á được xem là giải pháp thay thế cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn dắt trước khi Trump rút vào năm 2017.

Mỹ cũng đang gặp khó khăn với hệ thống liên minh. Tổng thống Trump đã rút quân đội khỏi Đức và đặt câu hỏi về cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh khi xảy ra chiến tranh. Nhiều nước đã nhanh chóng tìm đường cho mình và Nhật Bẩn là một trong số đó. Ngoài mối quan hệ đồng minh với Mỹ, Nhật Bản cũng tăng cường hợp tác với Trung Quốc. Hồi tháng 11, hai nước đã thống nhất nối lại các chuyến đi lại làm ăn vào cuối tháng này và tiến tới các thỏa thuận thương mại đa phương.

"Đó là nghệ thuật ngoại giao để theo đuổi nhiều mục tiêu khác nhau cùng một lúc", Ichiro Fujisaki, đại sứ Nhật Bản tại Washington trong nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Barack Obama, nói.

Trong khi đó, mức độ nhiệt tình của toàn cầu đối với nền dân chủ cũng bị suy giảm. Khả năng trở thành "tấm gương" dân chủ của Mỹ đã bị tổn hại nghiêm trọng vì biểu tình bạo loạn do bạo lực cảnh sát, bầu cử hỗn loạn và trên hết là phản ứng rối loạn của Mỹ đối với Covid-19.

Nền dân chủ và thể chế Mỹ bị suy thoái là "sự xác nhận cho nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của chúng tôi về mặt trái của dân chủ kiểu Mỹ", Bilahari Kausikan, cựu bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Singapore cho biết. "Những ai trong chúng ta biết về nước Mỹ đều biết rằng họ có sự hào phóng và khoan dung tuyệt vời, và cả hai điều đó cùng xuất phát từ một bộ giá trị", Bilahari Kausikan nói.

Bất chấp danh tiếng của nền dân chủ Mỹ bị tổn hại nghiêm trọng, nó vẫn là trọng tâm trong thế giới quan của Biden - Blinken. "Câu trả lời nền tảng đầu tiên tốt nhất cho những thách thức hiện nay là nền dân chủ. Bởi vì nó, khi hoạt động hiệu quả, là nền tảng sức mạnh của chúng ta ở trong nước và ở nước ngoài", Blinken từng nói trong cuộc trao đổi với học giả nổi tiếng Walter Russell Mead hồi tháng 7.

Theo kế hoạch của Biden về lãnh đạo thế giới dân chủ đối phó với các thách thức của thế kỷ 21, ông cam kết sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về dân chủ để "đổi mới tinh thần và mục đích chung của các quốc gia trong Thế giới Tự do".

"Để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh tương lai với Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào, chúng ta phải nâng cao các tiến bộ đổi mới và đoàn kết sức mạnh kinh tế của các nền dân chủ trên khắp thế giới, nhằm chống lại các hành vi lạm dụng kinh tế", kế hoạch nêu rõ.

0250 biden 32020 1680 1606973822
Biden tại buổi họp báo ở Wilmington, Delaware hồi tháng 3. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định ý tưởng về một "liên minh dân chủ" có thể khó trở thành hiện thực, đặc biệt ở các quốc gia châu Á, có nhiều khác biệt về thể chế.

"Ý tưởng này ổn nếu nó chỉ là phương tiện để tạo ra sự khác biệt với Trump. Nhưng nếu đây là chính sách mà họ chủ động theo đuổi, họ nên hiểu rằng không phải tất cả, kể cả những nước bạn bè hay đồng minh của Mỹ, đều có chung quan điểm với họ về nền dân chủ hay các giá trị Mỹ", Kausikan nói và thêm rằng nếu cố thực hiện, "nó không những thất bại mà còn có thể đẩy khu vực này xích gần hơn với Trung Quốc".

Ann Marie Murphy, chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Seton Hall, nhận định 4 năm nước Mỹ dưới thời Trump đã khiến nhiều quốc gia châu Á ngày càng không còn nhiệt tình với khái niệm dân chủ. Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với Biden để theo đuổi tham vọng đưa Mỹ trở lại ở khu vực quan trọng này.

Blinken từng chia sẻ với Mead rằng ông hiểu những mâu thuẫn có thể xảy ra giữa việc tìm kiếm đối tác và duy trì các lý tưởng dân chủ. "Rõ ràng có những quốc gia mà chúng tôi cần hợp tác, gồm cả châu Á, có thể không theo những lý tưởng dân chủ mà chúng tôi có thể có", ông nói. "Nhưng khi bạn củng cố được nền tảng dân chủ của mình, khi bạn hợp tác được các nền dân chủ, nó sẽ tạo ra một nền tảng để hợp tác với các nước khác về nhiều vấn đề khác nhau".

Tuy nhiên, Leslie Vinjamuri, giám đốc chương trình Mỹ và châu Mỹ của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House), chỉ ra chính quyền của Biden dù có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh về các vấn đề nhân quyền, họ sẽ không xem Trung Quốc là kẻ thù và khiến quốc gia này xa lánh "một liên minh dân chủ".

"Tôi nghĩ có một sự công nhận rất rõ ràng rằng hợp tác Mỹ - Trung là chìa khóa mở ra giải pháp cho tất cả thách thức lớn của toàn cầu", Vinjamuri nói. "Đội ngũ của Biden không phải là những chiến binh của Chiến tranh Lạnh".

Thanh Tâm (Theo Nikkei Asia)

Mỹ nói Trung Quốc là Mỹ nói Trung Quốc là "mối đe dọa lớn nhất với toàn cầu"
Chủ giàn khoan Hải Dương 981 và 3 công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt Chủ giàn khoan Hải Dương 981 và 3 công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt
Biden sẽ yêu cầu dân Mỹ đeo khẩu trang Biden sẽ yêu cầu dân Mỹ đeo khẩu trang

Ngày đăng: 11:07 | 04/12/2020

/ vnexpress.net