Đến nay tính hiệu quả của cây mắc ca vẫn chưa được đánh giá cụ thể, nên chặt rừng thông gần 30 năm tuổi là một rủi ro quá lớn. 

Lấp lửng tuổi của rừng thông, làm gì cũng phí

Để phát triển kinh tế, gần 122ha rừng thông đã được trồng từ 30 năm nay thuộc tiểu khu 481, xã Đăk Long, huyện Kon Plông, sẽ được chặt bỏ để trồng cây mắc ca.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 21/8, GS.TS Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho biết: "Vấn đề đầu tiên cần quan tâm đó là khoảng rừng thông bị chặt đi để trồng cây mắc ca là rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng hay là rừng sản xuất.

Theo tôi được biết, vùng đất này tại huyện Kon Plông đang trồng lên tới hàng nghìn ha rừng thông, tạo thành những cánh rừng thông bạt ngàn, kết hợp với khu du lịch sinh thái Măng Đen. Tuy khoảng rừng được chặt đi cách xa khu du lịch sinh thái, nhưng đây là rừng thông đã trồng gần 30 năm, cũng có tuổi đời khá cao.

Ở đây, địa phương có thể dựa vào lý do đây là rừng thông, là rừng có thể chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển sang rừng sản xuất, khi đã là rừng sản xuất thì họ có quyền chặt cây để trồng cây khác có hiệu quả kinh tế hơn, không ai có thể cấm".

Tuy nhiên, theo ông Lung, với rừng gỗ thông thì tùy thuộc vào tuổi đời mà có thể sử dụng vào các mục đích khác nhau. Nếu xác định lấy gỗ lớn để đóng tàu, thuyền thì 30 năm là chưa đủ tuổi, nhưng nếu lấy gỗ để làm đồ mộc, làm giấy thì gần 20 năm tầm 16-17 năm tuổi đã đủ tuổi.

Hàng loạt rừng thông của huyện Kon Plông bị chặt phá để trồng mắc ca

Nghĩa là tuổi đời của cây thông nơi đây đang bị lập lờ, làm gỗ đóng tàu thì chưa đủ mà lấy gỗ làm giấy thì lại quá già, phí thời gian chăm sóc ít nhất 10 năm, cho nên hơi khó hiểu khi họ chặt tầm 30 tuổi.

Đặc biệt, trên vùng đất lạnh, gần với Đà Lạt họ thường trồng loại thông ba lá, vừa lấy gỗ, vừa lấy được nhựa, nhưng ít nhựa mủ, chủ yếu vẫn là lấy gỗ, vì dòng này phát triển gỗ nhanh hơn.

Còn một dòng thông khác là thông nhựa, mọc chậm hơn, nhưng không mọc trên cao mà mọc dưới thấp, Kon Plông cao trên 1000m thường phải trồng thông 3 lá, 5 lá.

Cho nên, phải tính toán hiệu quả kinh tế, 30 tuổi chặt so với 20 tuổi phương án nào tốt hơn, nếu chặt lúc 50 tuổi được 400m3 gỗ, giờ chặt năm 20 tuổi chỉ được 200m3 gỗ, bằng một nửa, thì nuôi thêm 20 năm có lợi hay không có lợi, 1 năm lãi được bao nhiêu, nếu bỏ đi, cho thuê đất có lãi hơn hay không, có bù được thiệt hại trồng bao năm qua không?.

Tại sao lại trồng mắc ca?

Mặt khác, ông Lung cho biết thêm: "Cây mắc ca là cây trồng để lấy quả, chứ không phải trồng lấy gỗ, nếu muốn lấy quả thì phải trồng thưa, đầy đủ ánh sáng, nhiệt độ mới ra quả được, tại sao lại địa điểm cao như Kon Plông để trồng mắc ca?.

Về mặt khoa học thì sẽ không ai phủ nhận hiệu quả, năng suất của cây này, song để đưa vào trồng mở rộng cũng cần phải nhìn nhận những bài học khi phát triển loài cây công nghiệp này ở các tỉnh khác như Đắc Lắc".

Theo vị chuyên gia trên, đã có chứng minh một vườn quả mắc ca 20 ha thì 3-4 năm đầu chưa có thu nhập, phải đầu tư 28,5 triệu đồng/ha, đến năm thứ 7 có thể thu lãi 2,6 triệu đồng/ha (chưa phải điểm hòa vốn), năm thứ 15 có thể thu lãi 78,2 triệu đồng/ha.

Nhìn chung phải sau 8 - 10 năm mới có thu nhập ổn định, nên hãy tính bài toán, từ năm 8 tuổi đến năm 30 tuổi thu được bao nhiêu quả/ha, thu hoạch mắc ca kiếm được nhiều hơn trồng thông hay không, hay chạy theo lợi ích mà lại bị lợi ích đè bẹp.

"Tôi chỉ băn khoăn tại sao không lấy đất khác để trồng mắc ca mà phải lấy chỗ đang có rừng rồi, trong khi còn nhiều đất hoang, rừng tự nhiên nghèo kiệt, đất trống đồi trọc, sao không lựa chọn.

Ở đây theo tôi cần làm rõ có nguyên nhân khác đằng sau hay không, như miếng đất này bằng phẳng, gần thị trấn huyện, có thể 1ha đất hiện nay không đáng bao nhiêu tầm 10-15 triệu đồng/ha, nhưng khi phát triển có thể tăng lên gấp 100 lần giá trị.

Nên ở đây có thể họ xin để trồng mắc ca nhưng lại không trồng mắc ca, hơn nữa, có thể họ trồng nhưng khi trồng thất bại, nhưng được thuê 50 năm họ sẽ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để hiệu quả hơn", ông Lung phân tích rõ.

Đặc biệt, theo ông Lung được biết nhiều dự án khác cũng đang nhìn vào đất rừng thông ở Kon Plông, không riêng gì dự án trồng mắc ca này.

Khi ông còn làm bên lâm nghiệp, bản thân ông cũng chứng kiến việc lấy đất rừng trồng cao su, nhất là vùng Tây Nguyên, có những nơi không thể trồng cao su, nhưng họ vẫn cố thuyết minh xin 1000ha để trồng, lại còn có xin dưới 1000ha để không phải xin ý kiến Quốc hội.

"Tôi nhớ trước đây có doanh nghiệp họ lấy cả khu rất bằng phẳng, trũng úng nước, như rừng Khộp, nhưng đây là vùng không thể trồng được cao su, nhưng họ cứ cố lấy để trồng.

Khi đó tôi hỏi thẳng là ông lấy làm gì, thì mới biết, khi đã giao đất thì họ có quyền xin chuyển đổi mục đích sử dụng, làm trại chăn nuôi, nhà máy, chỗ nuôi bò sữa, làm gì cũng được.

Cho nên họ chỉ cần xin chỗ có tương lai, còn hiệu quả hay không họ không quan tâm, thậm chí còn cố làm cho thất bại", ông Lung cho hay.

Về việc băn khoăn, dự án nối dự án mà không thu hồi được hiệu quả kinh tế khiến nợ công ngày càng tăng cao, ông Lung cho rằng, cứ đầu tư tiền vào rồi chặt đi thu hồi được ít, thậm chí là không có thu hồi, thì sẽ thâm hụt vào các khoản đầu tư.

Tất cả những việc làm này hoàn toàn là đầu tư có rủi ro, thậm chí là không biết được hiệu quả kinh tế ra sao.

Ngày đăng: 18:33 | 21/08/2017

/ Châu An/baodatviet.vn