Ukraine đã đưa ra yêu cầu mang tính tối hậu thư đòi Nga trong vòng 48 giờ phải giải thích hành động tập trung quân gần biên giới với nước này.
Hình ảnh vệ tinh về lực lượng của Nga ngay sát biên giới với Ukraine |
Mỹ và nhiều nước gấp rút sơ tán công dân khỏi Ukraine
Hôm 12-2, Bộ Ngoại giao Mỹ đã quyết định sơ tán gần như toàn bộ nhân viên tại đại sứ quán ở Thủ đô Kiev, Ukraine. Ngoài một số ít trụ lại, phần lớn trong số 200 nhân viên được đưa đến một địa điểm gần biên giới Ukraine - Ba Lan hoặc ra khỏi nước này. Trước đó, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng kêu gọi các công dân Mỹ rời Ukraine càng sớm càng tốt. Thời hạn đặt ra là trong vòng 48 tiếng.
Không chỉ riêng Mỹ, các nước Anh, Hàn Quốc, Estonia, Kuwait, Latvia, Na Uy, New Zealand, Nhật Bản và Australian cũng đã khuyến cáo công dân nhanh chóng rời Ukraine và tránh đến nước này trong bối cảnh tình hình an ninh ngày càng xấu đi. Còn theo Reuters, Bộ Ngoại giao Nga đã quyết định “tối ưu hóa” nhân viên tại Ukraine. Tuy nhiên, Nga khẳng định đại sứ quán và các lãnh sự quán tại Ukraine vẫn tiếp tục làm việc.
Hoạt động sơ tán nhân viên đại sứ quán các nước diễn ra sau khi tình báo Mỹ tiết lộ Nga có thể tấn công Ukraine trước ngày 16-2 tới. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan mô tả Nga có thể khởi đầu bằng các cuộc không kích, tấn công tên lửa và theo sau là tấn công trên bộ. Phó đô đốc Nils Andreas
Stensones, lãnh đạo Cơ quan Tình báo Na Uy (NIS), thì cho rằng Nga đã tập trung lực lượng hùng hậu gần biên giới Ukraine nên có thể chiếm đóng một phần hoặc toàn bộ lãnh thổ nước này. Hôm 12-2, hải quân Nga cũng đã bắt đầu cuộc tập trận ở Biển Đen với hơn 30 tàu nhằm đối phó “các mối đe dọa quân sự”.
Trước diễn biến tình hình căng thẳng, Ukraine đã chính thức kích hoạt cơ chế giảm thiểu nguy cơ theo Mục 3 của Văn kiện Vienna và đề nghị Nga giải thích rõ ràng các hoạt động quân sự tại những vùng giáp giới Ukraine và tại Crimea. Văn kiện Vienna ký năm 2011 là thỏa thuận xây dựng lòng tin và bảo vệ an ninh giữa các nước thành viên của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) mà Nga và Ukraine đều là thành viên. Văn kiện này cho phép một nước thành viên có quyền yêu cầu thông tin về hoạt động quân sự của các thành viên khác mà họ cho là gây đe dọa. Thỏa thuận cũng bao gồm cơ chế để các bên trao đổi thông tin và cho phép quan sát viên đến thanh tra.
Theo Ukraine, Nga cần giải thích chi tiết mục đích, địa điểm và thời gian hoàn tất các hoạt động quân sự, thông tin về các đơn vị, số lượng, chủng loại khí giới liên quan mà Nga đang tập kết xung quanh Ukraine. Ông Dmytro Kuleba, Ngoại trưởng Ukraine tuyên bố Nga có 48 giờ để phản hồi. Trong trường hợp Nga không phản hồi hoặc trả lời thiếu, Ukraine sẽ triệu tập cuộc họp bất thường các nước thành viên Văn kiện Vienna và Matxcova sẽ phải giải thích tại đó. Đáp lại đòi hỏi của Ukraine, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định không coi yêu cầu này là hợp lý và cho rằng việc di chuyển của Quân đội Nga trong lãnh thổ của mình không cho Kiev cơ sở để khởi động cơ chế Vienna nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột.
Trước Ukraine, 3 nước vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania cũng sử dụng Văn kiện Vienna để yêu cầu Belarus cung cấp thông tin về cuộc tập trận chung với Nga đang diễn ra trên lãnh thổ Belarus. Tuy nhiên, Belarus phản hồi là cuộc tập trận có quy mô quá nhỏ để phải báo cáo theo quy định của văn kiện.
Hệ quả từ lời thất hứa với Nga?
Để ngăn chặn nguy cơ bùng nổ xung đột, hoạt động ngoại giao đang được các bên đẩy mạnh. Theo đề nghị của Mỹ, hôm 12-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Joe Biden đã điện đàm hơn một giờ về tình hình liên quan đến Ukraine. Ông Joe Biden còn tổ chức một cuộc gọi video với các nhà lãnh đạo của Anh, Canada, Pháp, Đức, Ba Lan và Romania, cũng như những người đứng đầu NATO và EU từ Phòng Tình huống của Nhà Trắng để kêu gọi các đồng minh đoàn kết trước tình hình ngày càng căng thẳng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đã trao đổi với những người đồng cấp Ba Lan, Đức, Canada, Pháp, Romania và Italy, cảnh báo về khả năng Nga có thể tấn công Ukraine vào bất cứ lúc nào. Mỹ và các nước đồng minh đe dọa sẵn sàng gây ra “hậu quả lớn và chi phí kinh tế nghiêm trọng” đối với Nga nếu nước này chọn leo thang quân sự ở Ukraine.
Tuy nhiên, bất chấp các hoạt động ngoại giao dồn dập, bất chấp cuộc điện đàm giữa tổng thống Nga và Mỹ được đánh giá là mang tính “chuyên nghiệp, thực chất”, các nỗ lực này đã không mang lại bất kỳ thay đổi lớn nào đối với tình thế bế tắc hiện nay. Vấn đề là bởi mâu thuẫn trong cách đặt vấn đề của hai bên còn quá lớn. Trong khi Mỹ và các nước phương Tây cáo buộc Nga đe dọa Ukraine, thì Matxcơva cho rằng việc NATO vẫn tìm cách mở rộng về phía Đông và đưa vũ khí vào lãnh thổ Ukraine cũng đang đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga.
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Mỹ Sergei Lavrov nêu rõ Washington và Brussels đã phớt lờ các quan ngại chính của Matxcơva liên quan đến đảm bảo an ninh, trong đó có việc không mở rộng NATO và không triển khai các hệ thống vũ khí tấn công gần biên giới Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thậm chí còn tuyên bố thẳng là NATO đã không thể trả lời câu hỏi của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc ngừng mở rộng tới biên giới của Nga.
Còn nhớ, tại Hội nghị An ninh Munich năm 2007, Tổng thống Vladimir Putin đã khiến dư luận bất ngờ khi tuyên bố phương Tây đã nuốt lời hứa với Nga. Vào thời điểm trước khi nước Đức thống nhất năm 1989, trong các cuộc gặp với Tổng thống Liên Xô lúc đó là ông Mikhail Gorbachev, Tổng thống Mỹ George Bush và Thủ tướng Đức Helmut Kohl đã hứa sẽ không mở rộng NATO sang phía Đông sau khi Đông Đức sáp nhập vào Tây Đức. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô giải thể năm 1991, NATO đã mở rộng phạm vi hoạt động của khối này với chiến lược “Đông tiến”. Trong vòng 20 năm, Nga đã chứng kiến 14 nước từng trong trường ảnh hưởng của mình lần lượt gia nhập NATO ở các mức độ khác nhau.
Giờ đây, lại đến lượt Ukraine tìm cách gia nhập NATO và đây chính là “lằn ranh đỏ” mà Nga không cho phép Mỹ và phương Tây vượt qua. Nhiều nhân vật chính trị ở châu Âu đã chia sẻ quan điểm của Nga. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Áo Karin Kneissl thừa nhận rằng ông Vladimir Putin đã đúng trong bài phát biểu tại Munich khi đặt câu hỏi về sự thất hứa của NATO. Cựu Tổng thư ký NATO Manfred Werner hồi năm 1991 cũng thừa nhận rằng việc không mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở Đức sẽ là sự đảm bảo an ninh tốt nhất cho Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo người đồng cấp V.Putin nếu Nga tấn công Ukraine
Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm hôm 12-2 Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo người đồng cấp Nga Vladimir Putin rằng Nga sẽ trả giá “nhanh chóng và nghiêm trọng” nếu tấn công Ukraine. Nhà Trắng cho biết, trong cuộc điện đàm kéo dài hơn 1 giờ hôm 12-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo ông Putin rằng tấn công Ukraine “sẽ gây ra đau khổ trên diện rộng cho nhân loại và làm giảm vị thế của Nga”. Nhà Trắng cho hay, Tổng thống Biden nhấn mạnh Mỹ vẫn sẵn sàng theo đuổi con đường ngoại giao, nhưng “đồng thời cũng chuẩn bị cho những kịch bản khác”. “Tổng thống Biden đã nói rõ rằng nếu Nga tấn công Ukraine, Mỹ cùng các đồng minh và đối tác sẽ đáp trả dứt khoát, áp đặt những cái giá phải trả nhanh chóng và nghiêm trọng đối với Nga”, Nhà Trắng cho biết. Trong khi đó, ông Yuri Ushakov, Trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, nói rằng, nhà lãnh đạo Nga đã chỉ trích những nỗ lực của phương Tây nhằm quân sự hóa và “bơm” cho Ukraine đầy đủ vũ khí hiện đại - những chính sách như vậy khuyến khích Kiev cố gắng giải quyết xung đột ở miền Đông đất nước bằng vũ lực. Cũng theo ông Ushakov, trong cuộc điện đàm với ông Putin, Tổng thống Mỹ Biden “đã đề cập đến các biện pháp trừng phạt có thể áp đặt với Nga, nhưng đó không phải trọng tâm cuộc trao đổi khá dài giữa ông với nhà lãnh đạo Nga”. Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm hôm 12-2, vài giờ sau khi Mỹ rút một số lực lượng khỏi Ukraine và ra lệnh sơ tán hầu hết nhân viên Đại sứ quán Mỹ vào ngày 12-2 do lo ngại cuộc tấn công của Nga vào Ukraine có thể diễn ra trong vài ngày tới. Trước đó, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan cho rằng cuộc tấn công của Nga có thể xảy ra “bất cứ ngày nào”. Nga được cho là đã triển khai hơn 100.000 quân gần biên giới Ukraine, nhưng Matxcơva phủ nhận lên kế hoạch tấn công Ukraine. Mai Phương (Theo Guardian/CNN) |
Mỹ tuyên bố hành động nếu Nga tấn công Ukraine |
Ukraine yêu cầu OSCE họp khẩn về hoạt động quân sự của Nga |
Forbes: 12 lý do cho thấy Nga sẵn sàng tấn công Ukraine |
Ngày đăng: 09:21 | 14/02/2022
/ www.anninhthudo.vn