Bệnh nhân Minh 21 tuổi, lờ đờ vì nghiện game, nhập viện điều trị bằng liệu pháp thuốc an thần và có thể phải sốc điện.
"Ở nhà, cháu ở lỳ trong phòng, gọi không dậy, hay bỏ bữa, có hôm chơi đến 4 giờ sáng mới ngủ", người cha nói khi đưa con đến khám ở Viện Quân y 103 hôm nay. Minh chơi game triền miên suốt 5 năm thường xuyên bỏ học để chơi game, mỗi ngày chơi 8-10 tiếng.
"Mỗi lần bố mẹ khuyên bảo là cháu cáu gắt, nổi khùng, có hôm còn đập phá đồ đạc xung quanh và bỏ nhà ra ngoài chơi tiếp", người cha kể.
Các bác sĩ cho biết bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm, rối loạn tâm thần do nghiện game. Chàng trai được chuyển đến Khoa tâm thần điều trị.
Bác sĩ Cao Tiến Đức, người trực tiếp khám cho bệnh nhân, nhận định Minh bị nghiện internet nặng, biểu hiện bằng việc giao tiếp chậm chạp, trí nhớ kém, giọng nói nhỏ, cơ thể suy kiệt... Phác đồ điều trị nội trú cho Minh gồm thuốc an thần, chống trầm cảm hàng ngày, vitamin, dưỡng não. Nếu tình trạng không cải thiện sẽ phải dùng liệu pháp sốc điện.
Nghiện game thuộc nhóm các rối loạn tâm thần, cần được điều trị và cai nghiện theo phác đồ riêng. Ảnh: Parent Zone |
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa nghiện Internet, game vào nhóm các rối loạn tâm thần, đặc trưng bởi hành vi chơi dai dẳng, tái diễn. Người nghiện game khó kiểm soát mức độ chơi game (như tần suất, cường độ, thời gian, bối cảnh), thậm chí mất kiểm soát đối với việc chơi game.
Các triệu chứng của nghiện game có thể quan sát được, như trẻ không thể thoát ra được cám dỗ chơi game, có quyết định chơi game hay không, khi nào thì dừng lại... Lúc đầu định chơi 1-2 tiếng, về sau thành 7-8 tiếng. Khi không được chơi, bệnh nhân có biểu hiện cáu gắt, chửi bới, phản ứng mạnh mẽ với người thân, thậm chí có trường hợp dọa tự sát.
Triệu chứng thứ hai giống trầm cảm. Người nghiện game khí sắc giảm, mất quan tâm hứng thú với mọi thứ, người mệt mỏi, ăn ngủ thất thường, gây suy giảm chức năng nghề nghiệp, học tập, chức năng giao tiếp xã hội đáng kể. Khi hỏi trực tiếp người bệnh về việc chơi game, họ thường có xu hướng nói tránh về thời gian sử dụng game của mình.
Một người nghiện game sẽ dẫn tới việc thay đổi tâm thần vận động, bao gồm kích động, vận động chậm, chậm chạp khi giao tiếp, giọng nói nhỏ, số lượng ngôn ngữ ít, nội dung nghèo nàn, thậm chí không nói. Ngoài ra bệnh nhân còn rối loạn trí nhớ.
Theo bác sĩ Đức, thời gian điều trị bệnh của người nghiện game khó nói trước. Khi ra viện, bệnh nhân vẫn có thể tái nghiện. Vì vậy, gia đình cần quản lý việc sử dụng điện thoại, các thiết bị truy cập mạng... tập cho con thói quen sống lành mạnh và tái khám hàng tháng các vấn đề về tâm thần.
* Tên bệnh nhân đã thay đổi.
Thúy Quỳnh
Nhận biết trẻ nghiện game
Hậu quả nặng nề nhất mà trẻ nghiện game phải gánh chịu là rối loạn về tâm lý, kèm theo các bất thường sức khỏe ... |
Trẻ em Việt Nam lười vận động, nghiện game
Ở tuổi 12, nỗi sợ hãi nhất của Bảo Minh không phải là ma, cũng không phải độ cao, mà là leo cầu thang bộ. |
Để con không nghiện game online
Không ít phụ huynh đã phải năn nỉ, dỗ dành bằng đủ mọi cách để con mình tham dự hội thảo “Cai nghiện game online” ... |
Nghiện game, 3 học sinh tiểu học dùng búa đập tường nhà dân trộm cắp
3 đứa trẻ đã liều lĩnh dùng búa đập tường rồi đột nhập nhà dân trộm tài sản bán lấy tiền đi chơi game. |
Ngày đăng: 20:55 | 12/11/2019
/ vnexpress.net