Thật kỳ lạ khi chỉ có vài trăm mét đường, người Việt chúng ta vẫn phải lên xe máy, nhưng sau đó lại bỏ tiền, bỏ thời gian vào phòng gym để chạy.

Mỗi ngày đi làm, qua cái chợ cóc, tôi đều khốn khổ vì phải len qua cơ man nào là xe máy dựng dưới lòng đường. Không thể cáu vì họ đều là hàng xóm của tôi trong khu dân cư. Họ dựng xe vài phút để mua rau, mua thịt, mua quà sáng ở quầy hàng trên vỉa hè, hoặc lâu hơn để vào quán ăn bún, miến, phở. Ai nhà xa nhất cũng chỉ 400 -500 m, gần thì chưa đến 200 m, thế nhưng họ vẫn phải cưỡi trên xe máy để ra chợ chứ không chịu đi bộ.

Có lẽ chẳng có nước nào mà người dân lại lười đi bộ như ở ta, đến mức chỉ vài bước chân cũng phải lên xe máy, dù cái xe khiến họ rất vất vả: Phải lựa thế, dùng sức lôi nó ra khỏi hiên nhà chật chội, khi đến nơi phải tìm chỗ dựng, rồi chịu la mắng khi để xe chắn đường, cản trở giao thông.

Ở công ty tôi, có mấy anh chị nhà cách chỗ làm chừng 1 cây số, cả ngày chỉ ở văn phòng chứ chẳng đi đâu. Vậy mà họ vẫn chịu khốn chịu khổ với cảnh xếp hàng chờ gửi xe vào hầm trong giờ cao điểm, hết giờ làm nhiều lúc phải hì hục khuân ba bốn cái xe chắn đường để lôi xe mình ra, rồi thì đổ xăng, rửa xe, thay dầu, sửa chữa…

Chẳng nước nào dân lười đi bộ như ở ta, một bước cũng lên xe máy - 1
Phần lớn người Việt thà chịu đựng cảnh tắc đường còn hơn phải vận động đôi chân.

Người Việt ta thật kỳ lạ khi có vài trăm mét đường thì phải lên xe máy, nhưng sau đó lại bỏ ra một đống tiền để vào phòng gym chạy bộ. Thay vì tranh thủ đi bộ trên đường từ nhà tới công sở hoặc ngược lại, họ thà chịu tắc đường cả lượt đi lẫn lượt về trên xe, để rồi buổi tối phải mất thêm thời gian ra công viên tập thể dục. Có người, trong những ngày cách ly xã hội, chính quyền đã cấm tập thể dục ngoài trời nhưng vẫn cố đi, trong khi ra đầu ngõ mua chai nước mắm thì vẫn phải dắt xe.

Thói quen một bước lên xe không phải để tiết kiệm thời gian như nhiều người ngụy biện, chẳng qua là lười vận động. Với những quãng đường ngắn, chưa chắc đi bộ đã lâu hơn đi xe. Có lần sau giờ làm việc, công ty tôi tổ chức liên hoan ở một nhà hàng cách trụ sở hơn 2 km, tôi chọn đi bộ ra đó. Kết quả, tôi đến trước các đồng nghiệp đi xe máy, vì họ phải lấy xe, vượt qua đám đông tắc đường và gửi xe ở điểm đến. Không chỉ vất vả và tốn thời gian hơn, họ còn bỏ lỡ cơ hội vận động đôi chân.

Lười đi bộ nên cứ mỗi lần cơ quan chức năng đưa ra chủ trương cấm xe máy hay hạn chế phương tiện công cộng là dư luận lại dậy sóng. Lý do đưa ra nào là ngõ quá xa, không đi bộ được đến điểm đón phương tiện công cộng, rồi ở ta nóng bức bụi bặm, không thuận lợi cho việc đi bộ như châu Âu…. Đủ cản trở được nêu, chung quy cũng chỉ vì không muốn dùng đôi chân để di chuyển.

Quay cuồng với nhịp sống hiện đại, nhiều người cứ than không có thời gian tập thể dục, nhưng chính họ từ chối vận động và gần như phụ thuộc hoàn toàn vào xe cơ giới. Không có gì ngạc nhiên khi một khảo sát của Đại học Stanford (Mỹ)) được công bố 4 năm trước cho thấy, Việt Nam nằm trong số các nước mà người dân lười vận động nhất thế giới. Một báo cáo của Qũy Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cũng xếp Việt Nam vào nhóm 10 nước lười vận động nhất hành tinh.

Đây là điều rất đáng tiếc khi Việt Nam chúng ta vốn là “cường quốc đi bộ” mấy chục năm về trước, khi mọi người quen dùng đôi chân để đi chuyển. Thập kỷ 1980, đầu thập kỷ 1990, học sinh từ bậc tiểu học cho đến sinh viên hầu như đều đi bộ đến trường với quãng đường vài ba cây số. Từ khi chiếc xe máy không còn là tài sản lớn, nhà ai cũng sắm vài chiếc, đi bộ chỉ còn là tên một môn thể dục thay vì hình thức di chuyển. Và hậu quả là tỷ lệ mắc các bệnh do lười vận động ngày một tăng.

Không phải cái xe máy làm hư chúng ta, là chúng ta tự chiều hư mình.

HỒNG MINH

Hà Nội cho phép tập thể dục ngoài trời từ ngày 28/9 Hà Nội cho phép tập thể dục ngoài trời từ ngày 28/9
TP.HCM: Người dân vùng xanh có thể tập thể dục ở công viên nội khu dân cư TP.HCM: Người dân vùng xanh có thể tập thể dục ở công viên nội khu dân cư

Ngày đăng: 08:31 | 09/11/2021

/ vtc.vn