Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn yêu cầu Công ty Netflix tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam khi cung cấp dịch vụ truyền hình tại Việt Nam.
Netflix đặt chân vào Việt Nam rất ngang nhiên như nhà không chủ. Họ tự do hoạt động, tự do thu tiền và Việt Nam không thu được một đồng thuế nào từ hoạt động kinh doanh của họ. Năm 2016, Netflix chính thức vào thị trường Việt Nam, ước tính với khoảng 300.000 thuê bao, Netflix đang thu về hàng trăm tỉ đồng/năm. Thị trường 100 triệu dân và lãnh thổ Việt Nam là tài nguyên của Việt Nam, để một doanh nghiệp nước ngoài khai thác mà không tốn một xu thuế là vô lý.
Ông Kuek Yu-Chuang, Giám đốc điều hành Netflix khu vực Châu Á - TBD cam kết sẵn sàng tuân thủ pháp luật Việt Nam, đóng thuế đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Lời cam kết đó đến nay đã tròn một năm và chỉ là lời nói gió bay. Điều đáng nói là vị đại diện của Netflix đưa ra lời cam kết này trong buổi tiếp xúc với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - ông Nguyễn Mạnh Hùng.
Không chỉ không thu được một xu thuế từ Netflix, chúng ta còn mất nhiều thứ khác đó là mất kiểm soát đối với nội dung mà nhà cung cấp dịch vụ đưa vào Việt Nam.
Phong tục, mỹ tục, truyền thống văn hóa của Việt Nam có điểm tương đồng với các nền văn hóa khác nhưng cũng có sự khác biệt mang tính bản sắc. Những hình ảnh bạo lực, khiêu dâm, sử dụng ma túy không thể xuất hiện trên các kênh truyền thông, giải trí. Vì đây chính là những liều thuốc đầu độc giới trẻ Việt Nam.
Người Việt Nam mong muốn tiếp thu những cái mới, có ý nghĩa giáo dục thẩm mỹ, có thông tin tri thức khoa học, tiếp cận với các giá trị đạo đức, nhân văn, nhưng không thể chấp nhận những điều không lành mạnh, phản đạo đức, phi nhân văn.
Chủ quyền của đất nước là thiêng liêng, cho nên những thông tin xuyên tạc về chủ quyền và lịch sử của Việt Nam là phải loại trừ. Các thế hệ người Việt Nam phải được giáo dục lịch sử, hiểu rõ quyền chủ quyền, quyền lãnh thổ của Việt Nam, cho nên mọi thông tin liên quan đến chủ quyền phải được kiểm duyệt. Điển hình như, khi xuất hiện bản đồ của Việt Nam thì phải có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Còn nhiều điều khác tương tự để thể hiện chủ quyền và các kênh thông tin, phim ảnh, giải trí không thể để sơ suất. Bắt buộc các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động tại Việt Nam phải chấp hành mọi quy định của pháp luật của Việt Nam là thể hiện quyền chủ quyền.
Lê Thanh Phong
Ngày đăng: 09:25 | 03/08/2020
/ laodong.vn