Bà Nguyễn Thị Hằng trùm khẩu trang kín mít, đi chiếc xe gắn máy từ trong xã xã Sơn Lôi chậm rãi đi ra, rồi dừng lại trước chiếc cổng chắn barie có lực lượng liên ngành chốt giữ. Một chiến sỹ cơ động từ trong lán, chạy vội ra…
Nhận từ tay mẹ chiều qua 1 rổ xoài xanh hái từ vườn nhà và đôi dép, hạ sỹ Nguyễn Quốc Long (SN 2000) vui vẻ kể: Tôi là một trong những cán bộ, chiến sỹ công an tỉnh Vĩnh Phúc làm nhiệm vụ giám sát, kiểm soát cách ly dịch Covid-19 tại chính xã mình từ hôm 13/2.
Hạ sỹ Nguyễn Quốc Long làm nhiệm vụ tại điểm chốt số 1 vào làng Ngọc Bảo |
Long là con trai lớn trong gia đình 3 anh em, nhà ở thôn Ngọc Bảo, cách điểm chốt chặn số 1 chỉ vỏn vẹn 300m.
Bà Nguyễn Thị Hằng (mẹ hạ sỹ Long) "tiếp tế" đồ cây nhà lá vườn cho con và các chiến sỹ làm nhiệm vụ |
"Nhà chỉ cách chỗ trực vài trăm mét nhưng từ hôm trực em chưa một lần về nhà. Nội quy đơn vị đưa ra, phải cách ly vùng tâm dịch Sơn Lôi khi có 6 trường hợp dương tính với virus corona. Những người làm nhiệm vụ cũng phải tự cách ly để hạn chế lây lan dịch bệnh. Mẹ em thỉnh thoảng vẫn mang đồ ra tiếp tế cho em và các anh chị làm nhiệm vụ”, Long chia sẻ.
Quy trình kiểm tra nghiêm ngặt
Đầu làng Ngọc Bảo, một chiếc barie sắt án ngữ ngay lối cổng vào. Bên phải là bờ tường của một xưởng sản xuất. Bên trái là khu đất trống đang được trưng dụng để làm lán trại, chỗ ăn nghỉ cho 41 cán bộ liên ngành, gồm lực lượng CSGT, CSCĐ, công an, quân đội, bác sỹ… túc trực. Đây là quân số chốt giữ của điểm chốt số 1, một trong 12 chốt giữ các đường ra vào xã Sơn Lôi.
Quy trình nghiêm ngặt kiểm tra người ra vào Sơn Lôi |
Người dân trình thẻ cho lực lượng làm nhiệm vụ giám sát |
Khử trùng y tế |
Thượng tá Cao Văn Khoa, người phụ trách điểm chốt số 1 cho hay, từ khi có lệnh cách ly người dân xã Sơn Lôi, 100% anh em công an không rời nhiệm vụ một giây. 41 cán bộ, chiến sỹ, bác sỹ phân công thành 4 ca, mỗi ca 6 tiếng trực cả ngày lẫn đêm.
Kiểm tra thân nhiệt các cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ tại điểm chốt chặn ở Sơn Lôi |
Trạm barie ra vào làng Ngọc Bảo |
14h chiều ngày 2/3, cổng làng Ngọc Bảo vẫn vắng lặng, ai làm việc người đó. Một người phụ nữ khẩu trang kín mít, quần áo bảo hộ đi xe máy chở phía sau lỉnh kỉnh túi hàng.
Dừng xe trước rào chắn barie, chị thò bàn tay trần qua chiếc cổng sắt để nữ bác sỹ sát khuẩn, rồi lấy điện thoại ra gọi.
Một lát, cô gái trẻ từ trong làng đi ra. Cô gái dừng lại, sát khuẩn bàn tay rồi tiến ra chỗ người phụ nữ giao hàng.
Nữ bác sỹ nhanh nhẹn cầm bình sát khuẩn xịt vào tiền và hàng mà 2 người trao đổi.
Sát khuẩn cả tiền và hàng hoá |
Những người sau cũng lặp lại những hoạt động đó. Một người đàn ông đi xe gắn máy mang theo tập tài liệu đựng trong túi nilon.
Tiến đến gần cổng gác, anh chìa ra chiếc thẻ ra vào đeo trên cổ, rồi xòe tay cho nữ bác sỹ sát khuẩn. Phía bàn làm việc, Thượng tá Khoa cần mẫn ghi tên vào cuốn sổ mở sẵn trên bàn.
Ông từ tốn giải thích: “Quy trình ở vùng kiểm dịch Sơn Lôi là sát khuẩn tất cả hàng hóa, vật dụng ra vào làng, kể cả tiền. Những người trong làng đi ra bên ngoài trong trường hợp cần kíp phải xuất trình thẻ ghi tên, thông tin điểm đến, thời gian ra vào làng… để theo dõi sát sao".
Người dân vùng dịch Sơn Lôi tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của Ban chỉ đạo chống dịch |
Tới chiều 2/3, xã Sơn Lôi đã cách ly được 20 ngày và dự kiến đến 0 giờ ngày 4/3 dỡ bỏ phong tỏa khiến ai nấy thở phào nhẹ nhõm.
Những nhà máy bị ‘phong tỏa gián tiếp’ ở Bình Xuyên |
Chuyện "cười ra nước mắt" ngày chống dịch |
Nam Định cách ly 2 vợ chồng giáo viên từ Sơn Lôi cùng 30 người tiếp xúc |
Ngày đăng: 09:45 | 03/03/2020
/ vietnamnet.vn