Bác sĩ Nguyễn Trọng Thuỷ có những chia sẻ với Lao Động về mức độ nguy hiểm của chấn thương của trung vệ Đình Trọng .

“Thực ra, hầu hết mọi người chưa hiểu rõ tầm quan trọng của sụn chêm. Sụn chêm của khớp gối là vô cùng quan trọng. Nếu cho tôi đánh đổi, thà rằng đứt hẳn 2 dây chằng chéo hay gãy xương đùi còn hơn là rách hoặc mất một phần sụn chêm, bởi vì sụn chêm sẽ không tái tạo lại được",

bác sĩ Nguyễn Trọng Thuỷ

chia sẻ về tầm quan trọng của sụn chêm.

Ông Thuỷ nói tiếp: “Lấy ví dụ dễ hiểu hơn, sụn chêm cũng giống như một cái vòng bi, chỉ cần 1 viên bị lệch hoặc đứt thì sẽ kéo theo phần còn lại cũng bị hư hỏng. Khớp gối cũng vậy, nếu sụn chêm bị mỏng đi thì khớp gối sẽ bị lệch, dẫn đến cơ thể bị lệch trục. Lúc đó, toàn bộ trọng lượng cơ thể theo quy luật nước chảy sẽ đổ dồn vào phần lệch trục, chỗ nào thấp nhất thì sẽ dồn vào chỗ đấy.

Những chỗ bị mỏng, yếu như vậy mà toàn bộ cơ thể dồn vào nữa thì sẽ càng yếu hơn, càng tệ đi chứ không bao giờ tốt hơn được cả”.

Sụn chêm là vấn đề mà Đình Trọng đang gặp phải. Cách đây 3 tuần, Đình Trọng đã phải tiến hành phẫu thuật sụn chêm tại TP.HCM khi các chuyên gia y tế ở PVF xác định đầu gối của anh có vấn đề. Chấn thương nghiêm trọng này sẽ khiến trung vệ Hà Nội nghỉ thi đấu dài hạn, ít nhất là hết mùa giải 2020.

Đình Trọng tiếp tục nghỉ thi đấu dài hạn sau khi phẫu thuật sụn chêm cách đây 3 tuần. Ảnh: ĐT

Đánh giá kỹ hơn về tình trạng của Đình Trọng, bác sĩ Nguyễn Trọng Thuỷ phân tích: “Trên thế giới nghiên cứu rồi, những trường hợp tổn thương dây chằng chéo và không gặp vấn đề nào khác thì cần 6 tháng mới có thể đá bóng trở lại.

Đối với việc không bị dây chằng mà bị tổn thương sụn chêm ở mức độ vừa phải thì mất từ 6 đến 9 tháng. Còn nếu bị cả dây chằng và sụn chêm thì từ mất khoảng 9 đến 12 tháng, hoặc có thể mất đến 2 năm mới có thể bình phục. Tất cả đều phải dựa trên một cơ thể phát triển tốt nhất, các bài tập phục hồi tốt nhất,…

Tôi đã tiên lượng được vấn đề này trước truyền thông ngay từ thời điểm diễn ra SEA Games 30, bởi nhiều người hỏi tôi rằng liệu Đình Trọng có thể thi đấu cùng U22 Việt Nam hay không. Chấn thương mà Đình Trọng đang gặp phải có thể xuất phát từ việc bạn ấy trở lại thi đấu quá sớm, khi mà chấn thương cũ chưa lành và thời gian hồi phục chưa đạt mức an toàn. Điều đó khiến mọi thứ vỡ ra và bạn ấy bị nặng hơn ở phần sụn chêm. Tôi cho rằng đội ngũ tiên lượng cho Đình Trọng có thể đã chủ quan khi để bạn ấy thi đấu quá sớm".

Trước đó, huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm cũng từng bày tỏ nỗi lo lắng khi Đình Trọng chưa hồi phục hoàn toàn. Việc tham dự một giải đấu khắc nghiệt như U23 châu Á ngay khi vừa trở lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái phát chấn thương.

Cũng theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Trọng Thuỷ, Đình Trọng cần thêm nhiều thời gian để chữa trị và hồi phục trước khi quay trở lại thi đấu.

“Về mặt lý thuyết, đầu tiên phải đánh giá được mức độ tổn thương của Trọng là nhiều hay ít. Tưởng tượng dây chằng chéo có đứt 1000 lần và phẫu thuật 1000 lần thì nó vẫn còn nguyên 1 cọng dây chằng, nhưng sụn chêm mất đi thì sẽ vĩnh viễn không tái tạo được. Vì thế, việc quay lại với bóng đá đỉnh cao của Đình Trọng sẽ bị bỏ ngỏ.

Tuy nhiên, cậu ấy vẫn có thể trở lại một cách lạc quan nhất nếu sử dụng các biện pháp vật lý trị liệu, hồi phục chức năng phù hợp. Ngoài ra, còn có những biện pháp khác như tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, tập cho từng nhóm gân cơ khoẻ lên để cân bằng cơ thể,... cùng nhiều thứ liên quan khác”, ông Thuỷ cho biết.

KHẮC ANH

Đình Trọng phải nghỉ thi đấu hết năm 2020 Đình Trọng phải nghỉ thi đấu hết năm 2020
Đình Trọng và Duy Mạnh lên đường sang Singapore Đình Trọng và Duy Mạnh lên đường sang Singapore

Ngày đăng: 00:00 | 03/09/2020

/ laodong.vn